Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ Nội vụ về CCHC
VOV.VN - Tỉ lệ cắt giảm chi phí thủ tục hành chính sau đơn giản hoá đối với nhóm thủ tục này đạt 35,82%, tiết kiệm chi phí được 2,15 tỷ đồng
Sáng nay (15/4) tại Trụ sở Chính phủ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì buổi làm việc với Bộ Nội vụ về công tác cải cách hành chính (CCHC). Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo một số Bộ, ban ngành Trung ương.
Báo cáo về kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết: Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính được ban hành trên các lĩnh vực là 200 thủ tục, hoàn thành việc thực thi phương án đơn giản hoá 167 thủ tục hành chính theo yêu cầu tại Nghị quyết 54 của Chính phủ. Bộ Nội vụ là một trong 7 Bộ, ngành hoàn thành việc thực thi phương án đơn giản hoá Thủ tục hành chính tại 25 Nghị quyết của Chính phủ. Bộ cũng đã hoàn thành công tác rà soát, đơn giản hoá các Thủ tục hành chính theo Quyết định 263 của Thủ tướng Chính phủ về việc thông qua phương án đơn giản hoá 4 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm năm 2012, tỉ lệ cắt giảm chi phí thủ tục hành chính sau đơn giản hoá đối với nhóm thủ tục này đạt 35,82%, tiết kiệm chi phí được 2,15 tỷ đồng sau khi đơn giản hoá các thủ tục hành chính.
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đã ban hành 58 quy trình ISO để áp dụng, qua đó giúp giải quyết công việc bảo đảm khoa học, công khai, minh bạch.
Thảo luận tại buổi làm việc, các Bộ, ngành Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ Nội vụ như: Các phương án rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính từ năm 2011-2014 đã được Bộ Nội vụ thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên việc thể chế hoá, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa kịp thời; hay như việc niêm yết công khai thủ tục hành chính tại các đơn vị thuộc Bộ và một số địa phương đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên cập nhật.
Đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp để công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ Nội vụ được triển khai hiệu quả và phù hợp với thực tế.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề xuất: "Bộ Tư pháp cũng đặc biệt lưu ý là hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 17 vào năm ngoái nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu bản sao có chứng thực trong tất cả các hồ sơ giấy tờ khi giải quyết thủ tục hành chính. Đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm hơn đến việc trong các văn bản mình quản lý vẫn còn yêu cầu người thực hiện thủ tục hành chính phải nộp các bản sao cho chứng thực thì rà soát lại để thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ".
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ nhấn mạnh: Các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt tinh thần không cải cách hành chính thì chúng ta sẽ càng tụt hậu xa hơn, không cải cách chúng ta sẽ xa dân, quan liêu, các cơ quan nhà nước dễ xảy ra tham nhũng tiêu cực. Do đó, các cấp, các ngành phải tự giác cải cách hành chính, tự đổi mới theo đúng quy luật thị trường và hội nhập quốc tế để phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội. Với chức năng là cơ quan thường trực, là cơ quan quản lý nhà nước về cải cách hành chính, Bộ Nội vụ phải làm gương và làm thật tốt để cả hệ thống quản lý Nhà nước làm theo. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cần tiếp tục tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước để có nền hành chính công tiến bộ đáp ứng sự đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.
"Trên tinh thần như vậy, tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu phương án phân cấp thủ tục hành chính theo hướng giảm thủ tục hành chính ở cấp Trung ương kể cả ở Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành khác để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân tổ chức khi thực hiện. Việc phân cấp này rất quan trọng để những việc không cần làm chúng ta không phải làm, phải làm và tự chịu trách nhiệm, đồng thời, Bộ Nội vụ cũng cần thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ thanh tra kiểm tra kết luận nếu có sai phạm.”Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Nội vụ tập trung cao nhất cho việc hoàn thiện thể chế, kiến nghị xem xét sửa đổi các quy định để giảm bớt thủ tục hành chính ở các Bộ, ngành Trung ương; khẩn trương hoàn thành Dự thảo Nghị định quy hoạch bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi chức, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng đối tượng xét tuyển khai sơ yếu lí lịch tự chịu trách nhiệm về lời khai của mình, thủ tục thi nâng ngạch lên chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp theo hướng cơ quan quản lý công chức chịu trách nhiệm về hồ sơ gửi cơ quan tổ chức thi nâng ngạch./.