Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Không chủ quan kể cả khi bão đã tan”

VOV.VN - Các địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" khi cơn bão được dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ từ đêm mai đến rạng sáng 15/11.

Phóng viên Văn Hiếu phản ánh: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh điều này tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai với các địa phương về ứng phó với bão số 13 ngày 13/11 tại Hà Nội.

Thông tin tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vào 9 giờ sáng nay, bão số 13 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410 km về phía Đông Đông Nam, cách đất liền 880km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/giờ), giật cấp 15. Do nhiệt độ bề mặt nước biển trên khu vực bão di chuyển ở khoảng 27 độ C nên bão vẫn giữ cường độ mạnh cấp 11-12; khi vào vùng gần ven bờ gặp nhiệt độ thấp hơn sẽ khiến bão có khả năng suy yếu.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ sáng mai, hoàn lưu bão sẽ gây gió mạnh trên đất liền từ Quảng Bình đến Quảng Nam, gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng ven biển có nơi cấp 9, giật cấp 11. Từ đêm mai đến rạng sáng 15/11, gió có thể đạt cấp 8-9, giật cấp 11. Trọng tâm vùng ảnh hưởng là từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Hiện mức đỉnh thủy triều ở ven biển Trung Bộ trùng với thời điểm bão áp sát đất liền nên khu vực ven biển phía Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng nước biển dâng cao 0,5-1 m, nguy cơ ngập úng khi bão đổ bộ.

Vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) và phía Bắc khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15, sóng biển cao từ 4-6 m, vùng gần tâm bão 8-10 m, biển động dữ dội. Do ảnh hưởng của bão, từ ngày 14-16/11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 250-350 mm, có nơi trên 350 mm; các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to 50-150mm.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở các vùng trũng thấp, ven sông, các khu đô thị từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng lên mức báo động 2-báo động 3, các sông ở Hà Tĩnh có khả năng lên báo động 1-báo động 2.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện các biện pháp ứng phó theo Công điện số 1597/CĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với bão số 13. Tiếp tục đảm bảo an toàn trên biển, nhất là các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Định rà soát tất cả các tàu thuyền còn trên biển, đưa ra khỏi vùng nguy hiểm về khu tránh trú bão; kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền; đảm bảo an toàn cho người dân và các thuyền viên; sơ tán người dân khỏi các lồng bè, chòi canh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ven biển và các vùng đảo, nếu cần thiết phải sử dụng biện pháp cưỡng chế.

Trên đất liền, các địa phương, đơn vị tập trung sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, di dời người dân khỏi các nhà ở có cấu trúc yếu; bảo vệ các công trình công cộng, sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại các khu công nghiệp cũng như vùng ven biển; thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sơ tán người dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.

Phó Thủ tướng đề nghị, với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng chủ động, tập trung lực lượng hỗ trợ các địa phương trong việc ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời, các địa phương cần chủ động ứng phó bão với phương châm "4 tại chỗ" và có sự phối hợp hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... khi có sự cố xảy ra, bằng mọi cách nhanh nhất đến ứng cứu, phối hợp với các lực lượng tại chỗ thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.

Phó Thủ tướng yêu cầu sử dụng hỗ trợ từ Chính phủ một cách có hiệu quả, cùng với huy động các nguồn lực xã hội để quyết liệt thực hiện các biện pháp sửa chữa nhà ở của người dân chịu ảnh hưởng sau các đợt bão, lũ vừa qua; thực hiện Chương trình nhà ở chống lũ tại các địa phương chịu thiệt hại; các đơn vị liên quan khẩn trương cử các đoàn kiểm tra liên ngành để ứng phó với cơn bão số 13./.

Theo nhóm phóng viên VOV thường trú tại miền Trung, để chủ động ứng phó với cơn bão số 13, các tỉnh miền Trung yêu cầu chính quyền cơ sở hoàn thành sơ tán dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn chậm nhất trưa mai (14/11). Các địa phương ven biển sắp xếp tàu, thuyền ở các âu thuyền tránh bão, hạn chế va đập khi bão đổ bộ.

Chiều nay, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục có công điện yêu cầu các ban ngành, địa phương ứng phó với bão số 13, đề phòng mưa to, lũ quét, sạt lở đất. Thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ huy Tiền phương thành phố Đà Nẵng ứng phó với bão số 13 tại Trung tâm Hành chính thành phố, bắt đầu làm việc từ 9 giờ sáng mai.

UBND các quận, huyện triển khai ngay phương án sơ tán dân sống trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn chậm nhất đến 11 giờ ngày mai phải hoàn thành; tất cả các công trình phải được chằng chống trước 17h chiều nay; yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà bắt đầu từ 12 giờ trưa mai cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho học sinh các bậc học nghỉ học vào ngày mai (14/11). Ngoài ra, nghiêm cấm các tàu, thuyền xuất bến, ra khơi, không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, trên tàu, thuyền neo đậu. Ông Nguyễn Lại, Phó Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng cho biết, tại âu thuyền hiện có hơn 1.000 tàu, thuyền đã neo đậu an toàn.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 13, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu người dân không ra khỏi nhà vào 18 giờ ngày mai (14/11). Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học trong chiều mai để phòng chống bão số 13. Hiện nay, mực nước lũ tại sông Bồ đang xấp xỉ ở báo động 3, sông Hương trên báo động 2, một số địa phương như Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang… ngập nặng.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung di dời dân ở vùng có nguy cơ sạt lở và gió lớn, dự kiến chậm nhất đến sáng mai phải di dời xong khoảng 19.000 hộ dân.

Ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Địa phương đã thường xuyên cập nhật được tình hình của các cơ quan phòng chống lụt bão, phòng chống thiên tai của trung ương và của tỉnh cung cấp. Chúng tôi đã thường xuyên cập nhật để thông tin về các xã, phường thị trấn, thông tin đến tận người dân, đồng thời, thực hiện phương án 4 tại chỗ và tiến hành các phương án di dân khi bão đổ bộ vào để đảm bảo không bị thiệt hại về người và tài sản”.

Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cũng khẩn trương triển khai các phương án phòng tránh bão số 13, lên kịch bản sơ tán dân khi bão đổ bộ trực tiếp. Bên cạnh đó, thông báo cho các cơ quan, đơn vị và người dân chằng chống nhà cửa, bảo vệ an toàn công trình, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng làm công tác cứu hộ, cứu nạn./.

Cùng với đó, phóng viên Minh Long/VOV1 cho biết, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công điện khẩn gửi Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi; Giám đốc các Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 3, 4, 5, 6; các Ban Quản lý dự án đang quản lý các dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới về tăng cường bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng,  chống ngập lụt, úng, đề phòng mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 13 ở khu vực Trung Bộ.

Công điện yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, các Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi và Ban Quản lý dự án vừa nêu khẩn trương rà soát, lập danh sách các hồ chứa bị hư hỏng do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ vừa qua, các hồ chứa xung yếu, hồ đang thi công, hồ chứa nhỏ, hồ chứa có mức trữ nước cao để có phương án ứng phó, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Đối với các hồ chứa có cửa van, thực hiện sớm việc hạ thấp mực nước hồ xuống mức chủ động đón lũ, hạn chế phải xả lũ với lưu lượng lớn trong thời gian mưa lớn làm gia tăng ngập lụt vùng hạ du. Đối với các địa phương có dự báo mưa không lớn và đã vào cuối mùa mưa, thực hiện tích nước hợp lý để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; tuyệt đối không được tích nước nếu hồ không bảo đảm an toàn. Chủ động vận hành sớm các công trình thủy lợi để tiêu thoát nước, bảo đảm phòng, chống ngập lụt, úng hiệu quả.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa, lũ của các cơ quan dự báo chuyên ngành khí tượng thủy văn, khuyến cáo vận hành một số hồ chứa có cửa van của các đơn vị khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng, chống ngập lụt, úng trên địa bàn.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước sạch đủ để sử dụng trong thời gian mưa lũ; tổ chức cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn ở những địa điểm di dời tập trung; tổ chức cấp phát, hướng dẫn sử dụng các loại hóa chất xử lý nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt trong vùng ngập lũ; sau khi lũ rút, làm vệ sinh công trình cấp, trữ nước, thau rửa giếng khoan, giếng đào và kịp thời khôi phục công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng. Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; thường xuyên báo cáo tình hình an toàn công trình thủy lợi và ngập lụt, úng về bộ phận thường trực của Tổng cục Thuỷ lợi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đi xe công nông vượt đường ngập lũ, nữ sinh tử vong thương tâm
Đi xe công nông vượt đường ngập lũ, nữ sinh tử vong thương tâm

VOV.VN - Sáng 13/11, tại xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra vụ tai nạn thương tâm, khiến một người bị tử vong tại chỗ, 3 người bất tỉnh.

Đi xe công nông vượt đường ngập lũ, nữ sinh tử vong thương tâm

Đi xe công nông vượt đường ngập lũ, nữ sinh tử vong thương tâm

VOV.VN - Sáng 13/11, tại xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra vụ tai nạn thương tâm, khiến một người bị tử vong tại chỗ, 3 người bất tỉnh.

Giao thông ở Quảng Nam hư hỏng nặng nề sau mưa, lũ
Giao thông ở Quảng Nam hư hỏng nặng nề sau mưa, lũ

VOV.VN - Nhiều tuyến giao thông ở tỉnh Quảng Nam hư hỏng, ách tắc, tuy nhiên, sau mưa kéo dài lại sắp có bão khiến công tác khắc phục thông tuyến gặp nhiều khó khăn.

Giao thông ở Quảng Nam hư hỏng nặng nề sau mưa, lũ

Giao thông ở Quảng Nam hư hỏng nặng nề sau mưa, lũ

VOV.VN - Nhiều tuyến giao thông ở tỉnh Quảng Nam hư hỏng, ách tắc, tuy nhiên, sau mưa kéo dài lại sắp có bão khiến công tác khắc phục thông tuyến gặp nhiều khó khăn.

Bão số 13 đang mạnh thêm, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km
Bão số 13 đang mạnh thêm, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km

VOV.VN - Đến 13 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở 16,1 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.

Bão số 13 đang mạnh thêm, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km

Bão số 13 đang mạnh thêm, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km

VOV.VN - Đến 13 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở 16,1 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.