Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải có tư duy mới trong phát triển du lịch

VOV.VN -Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Để phát triển bền vững, tái cơ cấu ngành du lịch phải được triển khai với tư duy mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và đại diện doanh nghiệp du lịch lớn trong nước về một số nội dung của đề án tái cơ cấu ngành du lịch.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Những vấn đề lớn được đặt ra trong đề án là phát triển các dòng sản phẩm du lịch; quy hoạch, quản lý môi trường điểm đến; nguồn lực cơ sở vật chất, kỹ thuật; cơ cấu các loại hình doanh nghiệp du lịch và vai trò của các doanh nghiệp “đầu tàu”…”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành du lịch cần xác định chi tiết, cụ thể những việc phải làm để đề xuất tái cơ cấu ngành du lịch

Những vấn đề này được đưa ra dựa trên thực trạng của du lịch Việt Nam hiện nay. Đó là cơ cấu sản phẩm du lịch tiếp cận theo chuỗi giá trị còn khập khiễng. Các sản phẩm thương mại, nông nghiệp chưa phát triển thành sản phẩm du lịch. Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Thị trường khách quốc tế thiếu cân đối. Du khách đến Việt Nam chủ yếu từ thị trường Đông Bắc Á (55%) và Đông Nam Á (16%) trong khi thị trường xa như Mỹ, Châu Âu là những du khách có mức chi tiêu cao hiện nay ít người tìm đến du lịch tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Đề án tái cơ cấu ngành du lịch sẽ tập trung các giải pháp để thu hút khách du lịch ở những thị trường xa và song song với phát triển thị trường du lịch nội địa.

Ông Nguyễn Văn Tuấn nói: “Phải tiến tới đẩy nhanh tỷ trọng ở những thị trường xa. Thị trường du lịch nội địa tới đây cũng sẽ là một hướng đi mà chúng ta phải quan tâm vì xu hướng gia tăng dân số, thu nhập và thay đổi thói quen khiến thị trường du lịch nội địa ngày càng chiếm tỷ trọng rất cao, chúng ta không được bỏ quên thị trường này”.

Từ thực tế du lịch Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Đề án tái cơ cấu ngành du lịch phải làm rõ: Tái cơ cấu những gì?, sản phẩm du lịch quốc gia là gì và tập trung phát triển sản phẩm này như thế nào?, Đề án sẽ tạo ra xung lực mới như thế nào?

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành du lịch phải nêu rõ lộ trình, trách nhiệm cụ thể, giải pháp, cách làm.

“Tôi đề nghị các đồng chí góp ý cụ thể, đánh giá về các doanh nghiệp lớn của nhà nước, doanh nghiệp “đầu tàu” và nêu hướng phát triển. Phải nói đến tái cơ cấu ban quản lý các di tích, các nguồn tài nguyên lớn. Nên đặt ra thành phần du lịch bây giờ, đấy là du lịch cộng đồng. Làm sao để tất cả mọi nhà thành lập lên các micro business (những hộ cá thể kinh doanh về du lịch-PV) để họ làm tốt và giúp bà con xung quanh hưởng lợi. Các đồng chí nên góp ý cái đấy xem mình nên làm thế nào?”, Phó Thủ tướng gợi ý.

Tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến của đại diện các doanh nghiệp cho rằng đề án cần xác định được những sản phẩm du lịch cụ thể.

Việc này sẽ giúp xã hội tìm ra những công việc cần phải làm như: phát triển nhân lực, đổi mới doanh nghiệp du lịch, quản lý điểm đến, đảm bảo môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Một vấn đề nhận được rất nhiều góp ý đó là sự phối hợp giữa doanh nghiệp và Tổng cục Du lịch, các địa phương trong xúc tiến, quảng bá hình ảnh của Việt Nam tại những sự kiện du lịch lớn trên thế giới.

Đại diện các Tập đoàn Vingroup, Sungroup, Mường Thanh… đã nêu ra nhiều cơ chế hợp tác với Tổng cục Du lịch để triển khai các hoạt động xúc tiến tại các hội chợ, sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá qua mạng Internet, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội…

Ông Lương Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty Hàng không Ngôi Sao Việt cho rằng: Tái cơ cấu ngành du lịch thì yếu tố cốt lõi đầu tiên là phát triển các sản phẩm du lịch.

“Theo tôi, ngành du lịch đang rất thiếu hệ thống bảo tàng, công viên chuyên đề. Những mảng đó chúng ta yếu. Vậy có nên nghĩ đến việc có chiến lược để phát triển dòng sản phẩm đấy không?”, ông Nam đặt vấn đề.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Để phát triển bền vững, tái cơ cấu ngành du lịch phải được triển khai với tư duy mới, thật sự thiết thực, giải quyết căn bản từng vấn đề, từng bất cập cụ thể trong xúc tiến, quảng bá du lịch, khắc phục điểm yếu trong giao thông hàng không, thủ tục xuất nhập cảnh…

Đề án cần xác định thời gian, lộ trình cụ thể và xác định rõ các khu vực du lịch trọng điểm, quy định rõ nhằm minh bạch nguồn lực đầu tư từ ngân sách cũng như nguồn lực huy động từ các doanh nghiệp, người dân... /.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Việt Nam mạnh dạn quảng bá du lịch ở “cường quốc du lịch” Thái Lan
Việt Nam mạnh dạn quảng bá du lịch ở “cường quốc du lịch” Thái Lan

VOV.VN -Việc kết nối tăng cường hợp tác du lịch sẽ xây dựng vững chắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan.

Việt Nam mạnh dạn quảng bá du lịch ở “cường quốc du lịch” Thái Lan

Việt Nam mạnh dạn quảng bá du lịch ở “cường quốc du lịch” Thái Lan

VOV.VN -Việc kết nối tăng cường hợp tác du lịch sẽ xây dựng vững chắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan.

Việt Nam quảng bá du lịch tại Hội chợ du lịch quốc tế Paris
Việt Nam quảng bá du lịch tại Hội chợ du lịch quốc tế Paris

VOV.VN - Việt Nam hy vọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có sức cạnh tranh mạnh trong khu vực.

Việt Nam quảng bá du lịch tại Hội chợ du lịch quốc tế Paris

Việt Nam quảng bá du lịch tại Hội chợ du lịch quốc tế Paris

VOV.VN - Việt Nam hy vọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có sức cạnh tranh mạnh trong khu vực.