Ấn tượng các ngõ đá ở làng cổ Lộc Yên

Làng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) là một mẫu làng cổ miền núi hiếm hoi còn được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Theo Tỉnh lộ 616 ngược lên huyện miền núi Tiên Phước, sẽ bắt gặp làng cổ Lộc Yên trên lưng chừng những quả đồi hình bát úp. Ở đó, nơi những mái nhà hướng ra nhiều mảnh ruộng hẹp, thanh bình bên những vườn cây đầy tiếng chim, trong màu xanh mát của đất và trời.

Làng Lộc Yên có tuổi trên 200 năm. Những ngôi nhà rường sớm nhất ở đây cũng tròm trèm 150 năm. Đình làng bằng gỗ mít to nhất huyện cũng nằm ở Lộc Yên, tiếc là đã bị phá dỡ thời chống Pháp. 

Lối lên xuống của một ngôi nhà cổ

Lộc Yên là một làng cổ đặc thù với vùng cư dân thuần nông nghiệp, lại nằm ở vùng bán sơn địa, không gian nhà - ngõ - vườn - ruộng - đồi núi gắn bó một cách hết sức hài hòa, thân thiện.

Con đường vào làng mới được láng bê tông nên tương đối bằng phẳng, còn lại những lối đi vào các xóm, và các ngõ nhà đâu cũng quanh co, gấp khúc cùng những con dốc nhỏ ẩn hiện bên bờ đá cổ xưa.

Đường làng và tường rào được làm bằng đá

Lộc Yên không chỉ có quần thể những ngôi nhà cổ mà còn là không gian tổng thể, đã tạo nên vẻ đẹp đặc trưng và bình dị của một ngôi làng đã có tuổi.

Những ngõ làng Lộc Yên quanh co theo triền núi, hai bên đường làng là hàng cau cao vút, những thửa ruộng lúa vào vụ gặt ánh vàng lên trên nền xanh của cây, và của bầu trời, những còn đường lát đá dẫn lên các nhà cổ rợp bóng cây của một vẻ đẹp như tranh vẽ, và ở đó còn có những người dân quê thuần hậu, chất phác, giản dị thật thà và vô cùng  mến khách.

Không giống như bất kỳ nơi nào khác, Lộc Yên có một nét đặc trưng riêng biệt, đó là những lối vào nhà được dựng toàn bằng đá.

Mỗi ngôi nhà đều có lối vào xếp bằng đá

Không khỏi ngạc nhiên khi thấy người dân nơi đây đã biết tận dụng những viên đá, có khi là những phiến đá bằng phẳng, vuông vức tạo nên những bức tường đá, những chiếc cổng đá, những ngõ đá vô cùng độc đáo mà không cần bất kỳ một thứ vôi vữa nào kết dính. Qua thời gian hàng trăm năm, những bức tường đá, những chiếc cổng đá ấy vẫn đứng vững chãi.

Chúng tôi đi qua các thôn 2, thôn 3, thôn 4, qua làng cổ Lộc Yên và nhiều nơi khác nữa, đâu đâu cũng thấy những bức tường đá, những chiếc cổng đá mang vẻ đẹp tận tụy của thời gian.

Cụ ông Nguyễn Văn Điệp, 87 tuổi ở thôn 4 Tiên Cảnh hào hứng khoe: “Những chiếc cổng đá, ngõ đá hay đường làng được lát toàn bằng đá, dễ có đến hơn trăm năm chứ không ít. Từ hồi tôi sinh ra đã có rồi, chỗ nào hư hỏng là bà con lại tự động nhặt đá lắp lại ngay. Chính vì thế mà những hàng rào đá, những ngõ đá vẫn còn lại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay”.

Qua thời gian, những bức tường đá cao ngang đầu người đầy rêu mốc và cỏ dại

Bước vào cổng làng, điều ấn tượng nhất vẫn là những hàng rào đá, có hàng rào cao ngang vai người. Có lẽ những hàng rào này đã được dựng lâu lắm nên rêu phong đã in dấu lên đây, và cỏ mọc với một màu xanh mướt mắt. Giữa buổi trưa chớm hè, được đi trong những hàng rào đá, phía trên là những cây bang, cây xoan tỏa bóng mát, lòng người như dịu lại với cái nóng oi ả.

Không chỉ làm hàng rào, những bức tường đá còn làm nhiệm vụ ngăn chặn những khối đất bất chợt lở xuống từ những mảng đồi có nền đất yếu phía trên, bảo vệ cho những ngôi nhà nằm bên núi, hay những mảnh ruộng nhỏ, những vườn rau đủ loại nằm dưới chân núi.

Những miệng giếng nước lúc nào cũng trong vắt được bao bọc bởi những bức tường đá, tạo nên những khuôn viên vô cùng nên thơ chỉ có ở nơi này. Và những con đường làng quanh co uốn lượn theo những cánh đồng, theo chân núi cũng được lát bằng những phiến đá đã nhẵn bóng theo bước chân người đi cùng năm tháng. Hai bên lối đi, những hàng cau xanh vươn lá, trổ những búp hoa lấm chấm trắng rơi nhè nhẹ xuống đường làng, cảnh vật thật sự yên bình.

Những bức tường bên sân giếng cũng được làm bằng đá

Làng Lộc Yên hiện vẫn còn hơn mười ngôi nhà cổ trên 200 năm tuổi, mang đậm lối kiến trúc nhà ở cổ truyền của người Quảng Nam xưa. Nhà làm bằng gỗ mít, ba gian, hai chái, mái ngói âm dương.

Làng Lộc Yên có tuổi đời không cao hơn những làng trong vùng nhưng được gọi làng cổ chính là nhờ còn giữ được lượng nhà cổ đáng kể. Phía sau nhà tựa lưng vào núi vững chãi. Phía trước nhà nhìn ra ngõ đá sâu hun hút dẫn lối xuống vũng ruộng xanh ngút mắt.

Nhà cổ, hàng cây lâu năm và ngõ đá, tất cả làm nên một vẻ đẹp hài hòa

Không cầu kỳ mà tự nhiên, mỗi ngôi nhà chẳng khác nào một biệt thự. Những hàng rào, những lối ngõ đẹp là thế, chỉ cách đường Tỉnh lộ 616 vài ba trăm mét, khi ngoài ấy là cả một sự xô bồ ồn ã, còn nơi đây cảnh vật lại lắng mình vào một sự yên bình.

Nếu một lúc nào được đến nơi đây, hẳn bất kỳ ai cũng không thể nào dửng dưng cho được với vẻ đẹp thanh bình của một miền quê kiểng. Đến Lộc Yên, dạo bước trên những ngõ đá rêu xanh, ngợp hồn trong bóng vườn cây trong lòng người như lắng đọng lại những cảm xúc về cuộc đời, về con người từ thủa xa xăm.

Làng cổ là một di lích lịch sử - văn hóa, là một khu công binh xưởng trong thời kháng chiến

Trong chuyến khảo sát Lộc Yên, GS Hoàng Đạo Kính cho rằng làng cổ Lộc Yên là cả một nghệ thuật sắp đặt, nổi bật trong đó là sự sắp đặt hài hòa của các cư dân với sự sắp đặt của thiên nhiên, sự can thiệp của con người vào thiên nhiên rất ít.

Quả thật, làng cổ Lộc Yên là một món quà của thiên nhiên. Thiên nhiên đã ban cho con người một không gian lý tưởng, còn con người đã kiến tạo, giữ gìn được những sản phẩm rất có giá trị ấy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên