Buôn làng Tây Nguyên: Hướng thoát nghèo?

Bài 1: Lễ bỏ mả “Làm mấy năm, ăn một bữa”

Lễ bỏ mả trong các buôn ở xã Đất Bằng luôn dẫn đầu tỉnh Gia Lai về mức độ tốn kém. Chính vì vậy, khi xếp hạng về hộ nghèo, xã này cũng ở vị trí rất cao, với 245 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 34%.

>> Tìm lời giải cho Tây Nguyên thêm xanh

Những chủ trương chính sách lớn, cùng hàng chục nghìn tỷ đồng Nhà nước đầu tư trong những năm qua, đã mở ra nhiều cơ hội rất rõ nét để Tây Nguyên thoát ra “vùng trũng” về kinh tế - xã hội.  Tuy nhiên, dù được quan tâm đầu tư, dù có nhiều tiềm năng lợi thế, dù con đường thoát nghèo đã mở, nhưng những năm qua, đa số các buôn làng Tây Nguyên vẫn luẩn quẩn trong cảnh đói nghèo, thậm chí đã thoát nghèo rồi lại tái nghèo.

Các buôn làng người Jơ-rai ở xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai là nơi lưu giữ gần như vẹn nguyên các tập tục từ ngàn đời. Xử kiện nhờ… kiến, giải oan nhờ… suối, phân định ngay - gian bằng cách đổ chì vào… lòng bàn tay, cho đến hủ tục “thuốc thư”, “ma lai” từng gây ra những cái chết đau lòng, đều không hiếm gặp ở xã này. Những lễ - hội truyền thống, vốn là đặc trưng văn hóa của người Jơ-rai cũng lại luôn đi kèm với việc ăn nhậu dông dài cực kỳ tốn kém, là nguyên nhân chính khiến đói nghèo mãi đeo đẳng.

Ngộ độc vì ăn trâu… "linh"!

Hơn 4 tháng trôi qua nhưng vẫn chưa ai ở xã Đất Bằng quên vụ ngộ độc tập thể. 405 người bị nôn mửa, tiêu chảy, thậm chí ngất xỉu, sau khi ăn thịt, uống rượu trong lễ bỏ mả cho Oi ắt ở buôn Ma Jai. Trung tâm y tế huyện Krông Pa phải lập bệnh viện “dã chiến” tại trường tiểu học Đất Bằng mới kịp cấp cứu các bệnh nhân. Hàng chục người bị nặng phải đưa lên tuyến trên điều trị. Kết luận được đưa ra sau vụ ngộ độc này là tất cả đều bị ngộ độc thịt trâu -  con vật bị hiến tế trong lễ bỏ mả.

Ông Kpa Lim, Bí thư Đảng ủy xã Đất Bằng, cười khà khà: “Tôi cũng máu thịt trâu lắm! May mà hôm ấy đi Phú Yên dự đám cưới, chớ nếu ở nhà thì cũng đã… nhập viện”.

Chủ tiệc Nay Blia cũng là chủ trâu cho biết: Nó ở trong rừng, không cày kéo gì cả. Quanh năm chỉ mỗi việc ăn lá rừng và đi yêu đương. Nó rất to, khỏe và hoành tráng! Đám thanh niên buôn Ma Jai phải mất hơn 1 ngày mới tìm thấy trâu. Để bắt được trâu lại mất thêm một buổi. Trên đường dẫn trâu về buôn, thấy một hố nước lớn hơn cái gùi, con trâu uống một mạch gần cạn.

Lạ là sau khi uống nước, trâu từ hung hăng chuyển sang trầm ngâm, ủ rũ. Thậm chí nó chảy nước mắt nữa. Nó biết mình là sắp bị chết đâm ư? Linh thật, trâu linh! Trâu bị dắt đến khu rừng Ea Xăm - địa điểm bỏ mả thì cũng là lúc khụy xuống, mắt trợn ngược. Tuy nhiên, người ta vẫn cắt được 1 chậu tiết trước khi nó chết.

Gần 1.000 người ăn lễ bỏ mả, nhưng chỉ có khoảng 500 cái miệng bị nôn. Ai kiêng thịt trâu, chỉ ăn bò, lợn, gà thì không hề hấn gì cả. Điều này khiến nhiều người nhốn nháo: Con trâu này linh thiêng quá, thành ma rừng rồi. Ăn thịt nó, bụng đau quằn quoại, miệng nôn thốc, nôn tháo!

Sau này mới biết, trước khi đám trai cho trâu uống nước, có một người trong buôn đi phun thuốc sâu về, ông ta đã vô tình đổ lượng thuốc thừa và súc bình bơm ở vũng nước ấy. Trâu uống gần cạn vũng nước và hóa… linh!

Tái nghèo nhưng… mãn nguyện!

Là con trưởng của Oi Ắt, ông Nay Blia dốc sức làm một lễ bỏ mả dù không hơn thì cũng cố cho bằng người. Một con trâu, 2 con bò, 4 con lợn, gần như toàn bộ của nả hai vợ chồng tích góp được lâu nay đều đưa ra làm thịt, chưa kể số gạo nếp, thực phẩm và hơn 20 ghè rượu lớn, vợ chồng ông đã chuẩn bị suốt mấy tháng ròng.

Bà con họ hàng ở buôn gần, làng xa đều được mời, tổng cộng gần 1.000 khách đến dự. Tính ra, Nay Blia đã chi 40 triệu đồng, số tiền quá lớn với một gia đình thuộc diện vừa thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Không hề coi đó là lãng phí, ông Nay Blia nói: “Làm lễ bỏ mả cho bố mình thì mời bà con trong buôn và dòng họ ở nơi khác về dự. Biết là tốn kém nhưng vẫn cứ muốn làm để cúng cho người đã mất và để mời khách cùng ăn uống. Phong tục là vậy, làm được là vui lắm”.

Sau lễ bỏ mả, gia đình Nay Blia lại trở thành hộ nghèo. Ngôi nhà sàn xập xệ, của cải chẳng còn gì ngoài chiếc xe máy cũ và một cái ti vi. Kế hoạch làm nhà kiên cố ấp ủ bấy lâu, nay phải lùi lại chưa biết đến bao giờ. Hai con của Nay Blia, anh lớp 9, em lớp 8, vẫn chung nhau gò lưng trên chiếc xe đạp ọp ẹp đến trường.

Bà con dân tộc Jơ-rai quan niệm rằng: Ai đã chết mà chưa được làm lễ bỏ mả thì vẫn chưa về được thế giới bên kia. Do đó, sau khi đưa tang, thường ngày, người thân vẫn đến nhà mồ thăm nuôi và hàng tháng làm lễ cúng có rượu, gà, lợn. Lễ này gọi là Pơ-thi. Pơ-thi liên tục cho đến khi gia đình tích luỹ đủ trâu, bò, lợn, rượu sẽ làm lễ bỏ mả.

Với suy nghĩ, tiệc bỏ mả càng tổ chức lớn, mời được nhiều khách, mổ nhiều trâu, bò thì càng thể hiện sự thương nhớ, hiếu thảo với người đã khuất; đồng thời cũng khẳng định vị thế, uy quyền của gia đình, dòng tộc mình với cộng đồng, hầu như gia đình nào ở các buôn làng Jơ-rai, huyện Krông Pa cũng dốc hết khả năng vào việc này. Lễ bỏ mả trong các buôn ở xã Đất Bằng luôn dẫn đầu tỉnh Gia Lai về mức độ tốn kém. Chính vì vậy, khi xếp hạng về hộ nghèo, xã này cũng ở vị trí rất cao, với 245 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 34%. Dù điều kiện sản xuất ở đây tương đối thuận lợi, có nương rẫy rộng lớn, có đồng cỏ tự nhiên để phát triển chăn nuôi, hệ thống đường nhựa đã về đến tận buôn, nhưng số hộ kinh tế khá trong xã chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Nay Thai, 60 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Đất Bằng cho rằng, bà con ở đây cứ thoát nghèo rồi lại tái nghèo một phần là do vẫn duy trì nhiều tập tục lạc hậu, trong đó tốn kém nhất là lễ bỏ mả.

Già muốn con cháu đừng lãng phí!

Ông Kpa Lim, Bí thư Đảng ủy xã Đất Bằng cho biết: Nghị quyết của Đảng ủy xã trong nhiệm kỳ này đã đề ra mục tiêu xóa bỏ triệt để các tập tục lạc hậu đang tồn tại ở tất cả các thôn buôn, nhất là việc tổ chức lễ bỏ mả vô cùng tốn kém. Để làm được điều này, trước hết tất cả đảng viên phải gương mẫu. Đồng thời, họ phải chịu trách nhiệm vận động gia đình, dòng họ mình thực hiện.

Xóa bỏ tập tục đã tồn tại nhiều đời là điều vô cùng khó khăn, nhưng đã có những hạt nhân tiên phong như già làng Kpa Roi ở  buôn M’Hing. Già làng Kpa Roi đã bước sang tuổi 71, kinh tế gia đình thuộc diện sung túc trong buôn. Ngôi nhà sàn mái ngói với hàng cột, ván sàn đều bằng gỗ cà chít vững chắc. Già làng cho biết, lúa gạo gia đình làm ra đủ để ăn quanh năm, lại có 1ha điều, 2ha đất trồng sắn và ngô, mỗi năm cũng thu được hơn 25 triệu đồng. Đó là chưa kể đến đàn bò 8 con đang dần sinh sôi nảy nở. Già làng Kpa Roi rất đồng tình với chủ trương xóa bỏ tập tục tổ chức lễ bỏ mả lãng phí và tốn kém mà Đảng ủy xã Đất Bằng vận động.

Già làng Kpa Roi kể: “Năm ngoái, khi tròn 70 tuổi, con cháu già chỉ mổ một con bò tổ chức lễ mừng thọ. Bà con trong buôn đến đánh chiêng và múa xoang suốt đêm. Già vui lắm. Giờ đây, già làng Kpa Roi mong muốn khi mình mất đi, con cháu đừng lãng phí của cải để lo đám tang, lễ bỏ mả… Già không muốn cuộc sống của con cháu mình cứ luẩn quẩn trong cái vòng thoát nghèo rồi lại tái nghèo liên miên như thế”./.

Bài 2: Nghèo đói nơi "thiên đường"

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên