Chở xuồng thuê sông Nặm Nơn

Nhờ cái nghề “vượt thác, xuống ghềnh” mà nhiều hộ đã khấm khá lên trông thấy. Thế nhưng, do hoạt động còn mang tính tự phát nên đã có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản.

Sông Nặm Nơn bắt nguồn từ Xiêng Khoảng (Lào) sang Nghệ An, trên địa phận xã Mỹ Lý (Huyện Kỳ Sơn) và hòa vào sông Lam trên địa phận huyện Tương Dương. Dọc theo con sông là hàng chục làng bản của người Thái, Khơ Mú sinh sống. Gần đây, nghề chạy xuồng máy chuyên chở khách và hàng hóa trên sông đang làm đổi thay cuộc sống của người dân trên các bản làng dân tộc ven con sông nhỏ này.

“Đổi đời” nhờ xuồng máy

Bản nhỏ Xằng Trên (xã Mỹ Lý – Kỳ Sơn – Nghệ An) của người Thái  có 131 nóc nhà với gần 700 nhân khẩu nằm bên con sông nhỏ Năm Nơn. Đây cũng chính là huyết mạch giao thông chính của cư dân người Thái nhiều xã thuộc hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn.

Thuyền máy xuôi dòng Nặm Nơn

Ngày trước, khi chưa có những chiếc xuồng máy đuôi tôm thì việc vận chuyển người cũng như hàng hóa chủ yếu nhờ vào sức người. Từ cuối những năm 1990, hàng loạt những chiếc xuống máy được cư dân bản Xằng Trên mua về đã làm đổi khác cuộc sống lam lũ của họ.  

Người Xằng Trên hình thành một đội quân  tích cực trong việc chở khách, chở thuê hàng hóa từ Bản Vẽ thuộc huyện Tương Dương lên đến bản Cha Nga, tận cùng của xã Mỹ Lý huyện Kỳ Sơn. Những chuyến thuyền xuôi ngược bất đầu từ sáng tinh mơ đến tận đêm khuya mới chịu ngừng nghỉ.

Sau những năm tháng tích lũy tài sản, bản nhỏ này đang nổi lên những triệu phú vùng biên được “dân anh chị” về kinh tế ở thị trấn Mường Xén kính nể.

Sau một đêm mưa, thuyền ngập nước, người đàn ông này đang tát cạn nước để chuẩn bị cho một chuyến đi mới.

Lô Văn Bông, 24 tuổi nhưng đã có đến 6 năm trong nghề lái xuồng chở thuê cho biết: “Một xách dầu (20 lít) kiếm được triệu bạc là chuyện dễ dàng, chỉ cần chịu khó ngược xuôi một chút là làm giàu được thôi. Dân ở đây không có cái xuồng thì phát triển sao nổi?.”

Cơ ngơi của từng nhà trong các bản người Thái ven sông Nặm Nơn khang trang, đầy đủ tiện nghi nghe nhìn, với những người dân lao động sống chủ yếu vào ruộng vườn nương rẫy thì đây quả là khối tài sản rất đáng mơ ước. Anh chủ thuyền vui tính mắt vẫn luôn dõi theo những luồng nước xiết vừa tiếp chuyện chúng tôi với vẻ hồ hởi của kẻ đang độ ăn nên làm ra. Anh liệt kê những tiện nghi đắt tiền kể về việc mua sắm từng thứ một cho chúng tôi nghe. Kể ra thì số tiền để sắm những  tiện nghi đó cũng đã lên đến cả trăm triệu đồng.

Khi thuyền máy hỏng, lại có thuyền máy khác chở về trung tâm huyện lị. Mỗi lần như vậy phải mất cả ngày trời để sửa chữa.

Tai ương trên dòng nước xiết

Những tiện nghi trong nhà vẫn là ước mơ của nhiều người có thu nhập thấp và cũng là ước mơ của những người chạy xuồng thuê cách đấy chưa lâu. Để có được sự khấm khá này tất nhiên phải trả giá bằng sự vất vả đi sớm về khuya, thậm chí là đánh đổi cả mạng sống của mình.

Chủ thuyền tên Lô Văn Biểu chuyển đến bản Xằng Trên và gia nhập nhóm vận tải của bản nhỏ này đã gần chục năm nay. Anh vừa sửa lại con thuyền của mình bị hư hại trong một vụ tai nạn. Anh cũng bị một vết thương chạy dài theo ống tay vừa mới lên da non.

Những chiếc xuồng máy thường đông khách ngay từ sáng sớm đến tận đêm.

Lô Văn Biểu kể lại, vào một đêm cách đây chưa đến 3 tháng khi anh đang chạy xuồng trên dòng Nặm Nơn về nhà thì có chiếc xuồng chạy ngược chiều. Do hai bên đều bị bất ngờ, luống cuống nên cả hai đã đánh tay lái đâm vào nhau. Thuyền của Biểu bị nhấm chìm ngay lúc đó. Anh chỉ kịp gạt chiếc chân vịt của chiếc thuyền đối diện rồi nhảy ngay xuống sông. “Nếu để chiếc chân vịt đó húc vào bụng thì vô phúc. Có mà nó cuốn luôn cả lòng phèo mình…” Anh Biểu nhún vai rùng mình nhớ lại tai nạn hãi hùng ấy.

Trong chuyến đi của chúng tôi, thi thoảng những “bác tài” lại phải vòng vèo tránh những vực nước xoáy do đá ngầm tạo nên. Những chuyến thuyền lên xuống thì đếm không xuể. Suốt 8 giờ đồng hồ ngược dòng Nặm Nơn, chúng tôi phải vượt qua hàng chục cái thác lớn nhỏ, trong đó có cả thác ở gần bản Xốp Lăm (Tương Dương) là nơi đã xảy ra nhiều vụ đắm thuyền. Hàng hóa trong những vụ đắm thuyền như thế đều mất hết còn chủ thuyền thì phải mất một thời gian dài mới khôi phục lại được nghề của họ.

Phụ nữ Thái lấy rêu dưới sông Nặm Nơn. Rêu sẽ được chế biến thành một món ăn được đồng bào dân tộc ở đây rất ưa thích.

Theo ông Lô Văn Hoành - Trưởng bản Xằng Trên, thì cả bản có gần 50 chiếc xuống máy vẫn ngày đêm hoạt động trên sông Nặm Nơn. Ông Hoành cũng cho biết: Hiểm nguy hay tai nạn là khó tránh khỏi. Nhưng hiệu quả kinh tế và sự tiện lợi của những chiếc thuyền chạy máy đuôi tôm thì đã rõ. Bản nhỏ còn chưa có đường giao thông cho nên nhiều gia đình ở đây đã giàu lên nhờ nghề chạy xuồng máy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên