Chuyện bốn “nam hộ sinh” trên đỉnh Ngọc Linh

Ngoài nhiệm vụ chính là khám bệnh, cấp phát thuốc, 4 y sĩ nam người dân tộc Xê-đăng không còn cách nào khác là kiêm nhiệm cả công việc của những nữ hộ sinh.

Trạm Y tế xã Trà Linh nằm sát chân núi Ngọc Linh, cách trung tâm huyện 4 giờ đi bộ, về các nóc của xã cũng mất chừng đó thời gian. Tuy thôn nóc cách trở đường đi nhưng trạm chẳng bao giờ thiếu người đến khám bệnh, xin thuốc. Ở đó có 4 “chàng” hộ sinh của đồng bào Xê-đăng.

Phải đỡ đẻ vì không có nữ

Không bác sỹ, không nữ hộ sinh, đó là thực tế đang diễn ra ở nhiều trạm y tế các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, vốn đã thiếu trầm trọng nhân lực và trang thiết bị y tế. Nhưng tại trạm y tế xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, có bốn nam y sỹ, dược sỹ đảm nhiệm tất cả các chức năng của một trung tâm y tế. Ngoài nhiệm vụ chính là khám bệnh, cấp phát thuốc, 4 y sĩ nam người dân tộc Xê-đăng không còn cách nào khác là kiêm nhiệm cả công việc của những nữ hộ sinh.

Trạm trưởng Nguyễn Cao Bằng khám bệnh cho người dân
Trạm trưởng Nguyễn Cao Bằng, người Xê-đăng cho biết: “Trạm y tế chỉ có 4 anh em. Hằng ngày 1 người trực trạm, còn lại đi vào các bản làng để tuyên truyền cho người dân biết, hoặc vận động người dân đi khám bệnh, không theo các hủ tục nữa!”.

Cơ sở vật chất của Trạm Y tế Trà Linh gần như chẳng có gì ngoài tủ thuốc bệnh nhân luôn đầy đủ các loại thông dụng. Trạm y tế xã chưa bao giờ có bác sĩ cũng như nữ y tá hay hộ sinh về công tác.

Quả thật, tại trạm y tế này không có nữ hộ sinh, không có bác sỹ, bốn nam nhân viên y tế ở đây phải cáng đáng hết mọi công việc từ khám bệnh, phát thuốc, đến... đỡ đẻ. Đối với các nữ hộ sinh thì công việc đó vốn đã nhiều vất vả, đằng này các anh lại là nam giới. Chưa nói đến chuyện chuyên môn, chỉ ngay vấn đề tâm lý thôi cũng đã có nhiều khó khăn. Bởi vốn là đang ông, chuyện vào phòng sinh nở của phụ nữ là điều cấm kỵ. Hơn nữa phong tục của đồng bào cũng không cho phép.

Trạm trưởng Nguyễn Cao Bằng kể, đặc biệt, có những ông chồng khi đưa vợ đến sinh nở thấy trạm y tế toàn là đàn ông, đã nằng nặc đòi đưa vợ về vì sợ “đàn ông khác thấy cái của vợ mình”, mặc cho các anh can ngăn hết lời. Nhưng mới đưa về chưa ra khỏi trạm, chị vợ vỡ ối thế là anh chồng hốt hoảng đưa vợ quay lại. Lập tức cả bốn anh em khẩn trương đưa sản phụ lên bàn sinh. Đó có lẽ là một trong rất nhiều kỷ niệm làm “nam hộ sinh” của các anh em trong trạm.

Từ khi trạm y tế được xây dựng tại đây, các anh đã tiến hành thực hiện cho 70 trường hợp đỡ đẻ thành công. Đó là con số làm các anh thêm phần an ủi trong công việc hộ sinh đặt biệt của mình. Đến nay, bà con các thôn nóc trong xã đều biết tới các anh là những hộ sinh mát tay. Nhiều gia đình sau khi đưa sản phụ về nhà, mấy ngày sau quay lại cảm ơn các anh bằng những món quà hết sức dân dã khi là mớ rau rừng, khi là gùi sắn, khi là mớ bắp nương. Nhưng chỉ cần tình cảm của bà con đối với các anh như thế là các anh đã thấy vui lắm rồi.

Anh Hồ Đúc Na, người đã 25 năm công tác y tế ở Trà Linh tâm sự: “Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, chúng tôi cần sự hỗ trợ rất nhiều. Mỗi y sĩ ở đây cũng đã hết sức cố gắng. Hai mươi lăm năm nay trạm Trà Linh không có nữ về công tác nên chúng tôi cũng phải làm luôn công tác hộ sinh. Khổ lắm!”.

Vượt qua gian khó

Cả trạm chỉ có 4 người đàn ông dân tộc Xê-đăng chia nhau tất cả các công việc từ lớn tới nhỏ. Trạm trưởng y tá Nguyễn Cao Bằng cho biết: “Khó khăn nhiều không đếm hết, trình độ cũng thiếu, vật chất cũng thiếu, con người cũng thiếu. Nhưng mà chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình để hoàn thành công tác chuyên môn, làm đúng với trách nhiệm của người làm y tế”.

Ngày nào trạm trưởng Cao Bằng cũng tổ chức họp triển khai công việc cho 4 người. Một người trực trạm, những người còn lại phải đi về các thôn, nóc triển khai chương trình y tế. Công việc chính vẫn là tuyên truyền và phát hiện, báo cáo tình hình bệnh tật ở từng làng, bản, nhất là đối với trẻ em. Cái chính là cán bộ y tế phải tuyên truyền làm sao để người Xê-đăng biết tìm đến thầy thuốc, đến trạm y tế khi trong nhà có người bị bệnh.

Bốn nam hộ sinh đặc biệt của người dân
Ông Hồ Văn Ước (ở thôn 4) nói: “Các y sĩ ở đây đem thuốc lên từng thôn khi có người bệnh, đường đi khó lắm nhưng các anh vẫn đi, không quản ngại!”.

Những ngày trời mưa, đường lầy và núi lở nên các anh tính đi lên thôn và về phải hết cả một ngày đêm. Anh Hồ Đúc Na cũng đã cần mẫn cuốc bộ suốt mấy chục năm khám chữa bệnh cho nhân dân. Khó khăn khổ cực là vậy, thế mà trên khuôn mặt họ ai cũng giữ nụ cười ấm áp và đầy yêu thương.

Trạm trưởng Nguyễn Cao Bằng thật thà chia sẻ: “Mỗi lần phải lên những nóc chót vót trên lưng chừng đỉnh Ngọc Linh về là đã tưởng sẽ không bao giờ đến nữa. Nhưng cứ nhìn cuộc sống của người dân ở đây sẽ thấy sự thiếu thốn của họ cần chúng ta biết bao. Rồi lần sau lại đi thêm nữa, thêm nhiều lần nữa vì công tác và trách nhiệm của mình thì thấy đường cũng không quá khó như ta đã nghĩ!”.

Cứ thế, trong suy nghĩ của các anh mỗi lần đi là biết thêm rất nhiều chuyện, đi để thấy mình còn rất nhiều trách nhiệm với bà con dân bản. Có lẽ vì trách nhiệm của một người thầy thuốc và cả cái tình cái nghĩa của dân làng, sự chờ đợi của người dân nghèo khiến họ chưa bao giờ thấy mình đã làm tròn trách nhiệm. Thế nên 4 người đàn ông nơi này cứ tiếp tục lấy tinh thần, tình cảm và trách nhiệm lấn át trở ngại để đến với đồng bào Xê-đăng trên dãy Ngọc Linh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên