Chuyện về hai vợ chồng “xây nhà” cho người vô danh
“Có phong trào quyên góp để xây nhà tình thương cho người sống, chẳng ai nghĩ tới việc làm mộ tình thương cho những linh hồn quá cố”, anh Nghĩa chia sẻ.
Câu chuyện của hai vợ chồng anh Diệp Công Nghĩa (SN 1969) và chị Hoàng Thị Ta (SN 1970) ở thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều (Thăng Bình, Quảng Nam) bỏ tiền của mình để xây dựng nghĩa trang cho những người xấu số vô danh thực sự làm nhiều người cảm động.
32 năm cho một nghĩa trang không tên
Một buổi chiều muộn, tôi tìm đến nhà anh chị trong một thôn nhỏ nằm ở vùng cát phía đông huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Bằng chất giọng Quảng đặc trưng, hai vợ chồng anh chị kể cho tôi nghe về cơ duyên bất ngờ ấy.
Đó là vào cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, anh Nghĩa và chị Ta mới kết hôn. Cuộc sống vốn khó khăn vì đây là vùng đất cát, ít được canh tác. Thương đôi vợ chồng trẻ, cha mẹ hai bên mỗi người gom góp một ít để anh chị có chút gì đó mưu sinh. Thế rồi cha mẹ anh Nghĩa cho một lô đất hoang ở phía Tây thôn Hưng Mỹ (xã Bình Triều) để trồng khoai màu. Thời gian đầu, vì hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nên vợ chồng anh chị đã tự dựng một căn chòi lá đơn sơ, sống tạm bợ qua ngày.
Nhưng rồi cứ mỗi khi đêm xuống, cảnh vật trở nên hiu hắt, vắng lặng đến lạ lùng, thi thoảng vọng ra từ trong sâu thẳm là tiếng hú, tiếng côn trùng hoang dại và tiếng gió gọi gào trong không gian. Thêm nữa, hằng đêm trong mỗi giấc ngủ chập chờn, anh Nghĩa vẫn thường thấy những giấc mơ đặc biệt hiện về trong tâm thức.
Anh Nghĩa, chị Ta thắp hương cho những ngôi mộ vô danh |
Ám ảnh về những điều đó, anh mang điều thắc mắc ấy hỏi những bậc cao niên trong thôn làng. Ban đầu mọi người không ai nói gì, nhưng sau đó qua hỏi nhiều người, anh chị mới biết được rằng khu đất ấy trước kia vố là mọt nghĩa địa. Ở đó có những người vô danh khi thác xuống không có người hương khói, không có thân nhân. Ngày trước, khi chôn cất cho những người xấu số ấy, người dân thường vun cao lên và đặt những chiếc cọc để nhận biết vị trí mộ phần. Nhưng lâu dần qua thời gian, gió mưa bão tố đã cào bằng hết không còn nhận ra được nữa.
Anh Nghĩa cho biết: "Lúc vợ chồng tui ra đây ở thì những ngôi mộ này đã có rồi. Nghe các cụ có tuổi ở đây kể thì những người xấu số nằm dưới đất kia qua đời từ những năm 1940-1941. Họ là những người đơn thân ở khắp các tỉnh miền Trung vào đây làm lao canh cho các đồn điền cao su thời Pháp thuộc. Sau khi tử nạn, họ chỉ được chôn cất sơ sài như thế. Vợ chồng tui thấy tội lắm!”.
Anh Nghĩa cũng cho biết thêm, có cả những người vô danh đã chết là dân tản cư từ Hội An vào đây từ năm 1945. Trên đường đi, vì gặp phải nạn đói, dịch bệnh nên họ đã phải nằm lại nơi này.
Chính vì thế, sau khi nghe câu chuyện về những nấm mồ hoang lạnh đó, anh bỗng này sinh ý nghĩ sẽ để nguyên lô đất đó lại, xây thành một nghĩa trang cho những linh hồn đang nằm dưới ba tầng đất sâu kia. Ban đầu chị Ta cũng chưa thuận, nhưng anh Nghĩa thuyết phục mãi, và cũng vì cái nghĩa tử, cái nghĩa của người sống với người chết, cuối cùng chị cũng đồng ý.
Anh Nghĩa chia sẻ: “Con người cũng như cái cây, con thú trên rừng, có sinh ra, lớn lên rồi sẽ chết đi. Sống được gia đình, xã hội che chở nên khi sang thế giới bên kia, họ cũng cần được mọi người xây dựng cho ngôi nhà để tránh mưa, tránh nắng. Nếu làm cho người chết được toại nguyện, linh hồn được siêu thoát thì họ sẽ trở về phù hộ độ trì cho những người đang sống”.
Mặc dù kinh tế gia đình anh chẳng khấm khá gì, vợ chồng anh làm nghề mua đậu, mè về ép ra dầu đem bán, lấy bã làm phân bón hay chăn nuôi. Nhưng cứ từng ngày một, từng chút một anh vừa lo cho gia đình, vừa lo hương khói chăm non cho những ngôi mộ vô danh đó. Ban đầu cũng chỉ là vun vén lại mộ phần, đặt lại những chiếc cọc đã bị mục nát, lập bát hương rồi ngày rằm, mồng một hàng tháng anh chị đều đặn ra thắp hương, cúng lễ cho những linh hồn dưới đất lạnh bớt hiu quạnh.
Thế rồi từ năm 2002 - 2005, vợ chồng anh Nghĩa, chị Ta đã tự bỏ tiền, thuê người di dời những ngôi mộ vô danh ra một lô đất mới rồi xây dựng thành một khu nghĩa trang khang trang, sạch sẽ. Và từ đó cho đến nay, khi kinh tế có phần khá giả hơn, vợ chồng anh Nghĩa lại không quên trích ra một số vốn để quy tập những nấm mồ vô danh về sống chung nơi nghĩa địa này.
Dẫn đường cho tôi đến nghĩa trang ấy, bao quanh khu nghĩa trang là hệ thống tường rào thép gai cao từ 1,5m - 2m. Bên trong đó là gần 70 ngôi mộ vô danh của những người xấu số. Hằng năm vào dịp cuối năm, gia đình anh vào quét vôi, dọn cỏ, đốt nhang cho từng ngôi mộ. Đặc biệt, anh chị lấy ngày giỗ của tổ tiên làm ngày giỗ chung cho những linh hồn hoang lạnh kia. Ngày này anh mời người thân, hàng xóm, bạn bè đến dự.
Mặc dù chẳng phải họ hàng thân thuộc, nhưng bà con xung quanh đó khi thấy việc làm của anh với người đã khuất đều rất cảm phục, thi thoảng mọi người cũng tranh thủ ghé vào thắp nén hương cho những người xấu số, để những nấm mồ nằm dưới đất kia được ấm lòng…
“Ở đời chỉ có cái nghĩa, cái tình…”
Chị Ta tâm sự: “Ngày chưa lập được nghĩa địa này, trong lòng tui luôn có cái gì đó day dứt và lo lắng. Những đêm mưa gió không sao ngủ được vì sợ gió, sợ mưa, nước bẩn chảy vào sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ ngàn thu của những người ở thế giới bên kia. Bây giờ, khi thấy những ngôi mộ đã được như thế này thì lòng mình tự nhiên thấy thanh thản hẳn. Không còn những lo âu phiền não nữa. Con người sống với nhau bằng cái tình, cái nghĩa chứ đâu vì điều gì khác phải không chú!”.
Còn anh Nghĩa thì chỉ cười: “Khi mọi người, đặc biệt là người thân trong gia đình tui biết tôi có ý định này, ai cũng can ngăn cả. Nhưng rồi tôi nói tâm nguyện của mình ra, mọi người nghe và bắt đầu ủng hộ. Tôi bắt đầu thực hiện công việc mà không ít người gọi đó là "khùng" khi bảo tôi có điên mới đi xây mộ cho người dưng. Bạn bè tui mới nghe, ai cũng tưởng là tôi đùa. Nhưng đến khi hàng chục ngôi mộ ở nghĩa trang này thành hình hài, họ mới tin là thực!”.
Từ khi làm được những ngôi nhà cho những người vô danh xấu số, vợ chồng anh Nghĩa thấy lòng nhẹ nhõm và thanh thản thoải mái khác thường. Từ đó mọi việc kinh doanh đều thuận lợi, con cái chúng đều ngoan và học hành thành đạt. Đặc biệt phần mộ liệt sĩ của cha anh nằm lại ở rừng hoang nay đã tìm được và đưa về nhà thờ phụng. Còn mẹ anh, nay đã trên 90 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh.
Vừa qua gia đình vợ chồng anh Nghĩa đã được chính quyền địa phương công nhận là gia đình văn hóa, vì đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của xã hội và làm công tác từ thiện cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Công, Chủ tịch xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam cho biết: “Họ là những người làm việc nghĩa không nghĩ tới lợi lộc cá nhân, thậm chí muốn giấu cả tên mình, đấy là nghĩa cử của những người vốn có tấm lòng nhân hậu, thanh cao. Những tấm lòng bình dị mà cao quý đó vốn bắt nguồn từ truyền thống nhân hậu “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam ta và có dịp bộc lộ rõ rệt. Chúng tôi tự hào vì có những con người như thế ở mảnh đất nghèo khó này!”.
“Ông bà mình vốn coi hai thế giới sống và chết không khác nhau, vậy mà chỉ mới có phong trào quyên góp để xây nhà tình thương cho người sống, chẳng ai nghĩ tới việc làm mộ tình thương cho những linh hồn quá cố. Mình sẽ làm việc ấy…” – chia tay chúng tôi, anh Nghĩa ngậm ngùi…/.