Công ty Cơ kim khí Hà Nội “bay” trong... "vùng cấm" của luật pháp!

Dù toà án đã bật “đèn đỏ” nhưng HĐQT Công ty CKK vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại? Phải chăng cơ quan quản lý, cơ quan pháp luật bó tay để vốn của nhà nước, của cổ đông tiếp tục thất thoát?

Trong 2 số báo (ngày 26/4, 26/7/2011), Báo TNVN có đăng bài: “Tại Công ty Cổ phần Cơ kim khí Hà Nội - Vốn Nhà nước đang bị rò rỉ” và “Ông Chủ tịch HĐQT vẫn im lặng”, phản ánh hành vi vi phạm pháp luật của HĐQT Công ty Cổ phần Cơ Kim Khí (Công ty CKK): Cố tình không tổ chức đại hội cổ đông; tự ý thành lập, chuyển giao tài sản cho các công ty con, cũng như thái độ trốn tránh sự thật, phớt lờ dư luận và cơ quan báo chí. Diễn biến sau bài báo là sự vào cuộc tích cực của cơ quan pháp luật. Tuy nhiên, khi ý đồ ban đầu bị phá sản, hai thành viên HĐQT Công ty CKK lại đang toan tính theo kiểu “thua keo này ta bày keo khác”…

Sự can thiệp kịp thời của cơ quan bảo vệ luật pháp    

Trước những hành vi vi phạm Luật Doanh nghiệp của HĐQT Công ty CKK, ngày 12/8/2011, ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Phó Chủ tịch HĐQT, đồng thời là người đại diện vốn của Công ty CP Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất (Ciri) đã khởi kiện HĐQT và cá nhân ông Nguyễn Văn Mạ, Chủ tịch HĐQT ra TAND TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Mạ (1) và hai luật sư "tư vấn miễn phí" trong buổi cùng đoàn đại diện Công ty CP CKK đến Đài TNVN khiếu nại. Tại buổi làm việc ông Mạ không đưa ra được chứng cứ có giá trị chứng minh, ngược lại còn xin khất trả lời

Trong đơn ông Hiếu trình bày: Từ sau khi đại hội cổ đông tổ chức ngày 10/12/2005 đến nay, HĐQT Công ty CKK không tổ chức bất kỳ cuộc họp đại hội đồng cổ đông nào, vi phạm Điều 97 Luật Doanh nghiệp.

Bản thân các cổ đông lớn là Tổng Công ty Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) là đại diện quản lý phần vốn góp của nhà nước, Công ty Ciri cũng như Ban Kiểm soát của Công ty CKK đã nhiều lần kiến nghị Chủ tịch HĐQT Công ty CKK tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông nhưng đều bị ông Nguyễn Văn Mạ lợi dụng vai trò điều hành công ty không tổ chức.

Cá nhân ông Nguyễn Ngọc Hiếu, là Phó Chủ tịch HĐQT nhưng lại bị vô hiệu hoá, từ năm 2008 đến ngày 13/6/2011 không được mời dự bất kỳ cuộc họp HĐQT nào. Và một trong các cuộc họp “kín” không có ông Hiếu đó, HĐQT Công ty CKK đã “đẻ” ra 3 công ty con là Công ty TNHH một thành viên Cơ kim khí Hà Nội 1, 2 và 3; sau đó chuyển giao toàn bộ tài sản vốn đang là sở hữu chung của các cổ đông trong công ty cổ phần sang 3 công ty con.

Việc thành lập và chuyển giao xấp xỉ 100% tài sản của công ty CKK cho 3 công ty con vượt quá 50% giá trị tổng tài sản thì phải được thông qua tại cuộc họp đại hội cổ đông. Nhưng thực tế thì chẳng có lần đại hội nào được tổ chức?!

Ông Hiếu đã đề nghị Toà huỷ các quyết định thành lập 3 công ty con và các quyết định chuyển giao tài sản từ công ty CKK cho các công ty con. Đồng thời đề nghị tiến hành ngay cuộc họp đại hội cổ đông theo luật định. Yêu cầu ông Nguyễn Văn Mạ phải cho Ban kiểm soát, các cổ đông, trong đó có Tổng Công ty Quản lý vốn Nhà nước SCIC và Công ty Ciri được xem xét, tra cứu và trích lục sổ đăng ký cổ đông…      

Trong số báo ra ngày 26/4/2011, Báo TNVN đã khẳng định: Việc HĐQT Công ty CKK tổ chức họp để ra các quyết định thành lập công ty con mà không có mặt ông Nguyễn Ngọc Hiếu là hoàn toàn trái luật, tính pháp lý của 3 công ty con kể trên không đảm bảo.

Ngày 13/9/2011,TAND TP Hà Nội đã có Quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời số 461/2011/QĐ-BPKCTT do Thẩm phán Phạm Tuấn Anh ký: Buộc HĐQT Công ty CKK không dịch chuyển bất kỳ tài sản nào của Công ty CKK sang các Công ty TNHH một thành viên Cơ kim khí Hà Nội 1, 2 và 3.

Tiếp đó, ngày 19/9/2011, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cũng có Quyết định số 1002/QĐ.CTHA về việc thi hành án chủ động do Cục trưởng Lê Quang Tiến ký: Buộc HĐQT Cty CKK không dịch chuyển bất kỳ tài sản nào của Cty CKK sang các Cty TNHH một thành viên Cơ kim khí Hà Nội 1, 2 và 3…

Vẫn cố bay trong “vùng cấm”!?

Có thể nói trước khi có Quyết định chính thức từ phiên toà, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP Hà Nội là rất kịp thời, nhằm ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc và những phức tạp về sau.

Diễn biến tiếp theo, Toà án đã 2 lần triệu tập các bên liên quan đến để hoà giải (vào ngày 26/10 và 17/11/2011). Tuy nhiên, cả 2 lần ông Nguyễn Văn Mạ vắng mặt không có lý do.

Theo điều tra của phóng viên, thời điểm Toà án triệu tập ông Mạ không ốm cũng không đi công tác, mà ông ráo riết đốc thúc tổ chức cuộc họp HĐQT công ty.

Cụ thể, Toà án triệu tập vào ngày 17/11/2011, ông Mạ lấy lý do ốm phải điều trị trong bệnh viện, nhưng chính ông lại phát đi công văn với nội dung: Chủ tịch HĐQT thông báo họp HĐQT vào 09h30 ngày 18/11, chỉ sau ngày toà án triệu tập 1 ngày!?

Đáng nói là nội dung cuộc họp là để nghe báo cáo về tình hình hoạt động của các công ty con và bàn về phương hướng SXKD thời gian tới, trong đó, có việc vay 3,5 tỷ đồng phục vụ SXKD. Không lẽ đang “phải điều trị trong bệnh viên” mà ông Mạ có đủ minh mẫn và sức khỏe để chủ trì họp bàn những việc to tát thế sao?

Đáng chú ý là công ty con do ông Mạ và ông Hưng “đẻ” ra không hợp pháp, đang là đối tượng trong vụ án kinh doanh thương mại mà tới đây sẽ được đưa ra xét xử, ấy vậy mà lại đưa vào nội dung báo cáo hoạt động trong cuộc họp HĐQT.

Điều đáng lo ngại, trong suốt thời gian điều hành doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Mạ đã làm thâm thủng hết vốn điều lệ là vốn của các cổ đông, trong đó có vốn nhà nước trong các cổ đông, hoạt động của công ty thì tiêu điều, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, nhưng ông vẫn lấy tư cách là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty định đứng ra vay một lượng tiền lớn như vậy để làm ăn trong khi chưa có phương án kinh doanh cụ thể.

Việc định làm của ông Mạ đang nói lên điều gì? Liệu có phải là lại tiếp tục “vở diễn” cũ - đem tài sản của công ty mà bản chất là của các cổ đông, trong đó có vốn nhà nước đem ra “đánh bạc” để rồi tiếp tục làm thất thoát? 

Một vấn đề nữa rất đáng được quan tâm, là căn cứ vào Luật Doanh nghiệp, HĐQT Công ty CKK vi phạm là rất rõ. Tuy nhiên, trên thực tế lại không có văn bản pháp luật nào quy định các chế tài xử phạt. Ví như, việc HĐQT Công ty CKK không tổ chức đại hội cổ đông, vi phạm khoản 1, Điều 97, Luật Doanh nghiệp, nhưng Luật lại không quy định chế tài xử phạt hành vi này. Hay như việc thành lập các công ty con, Khoản 1, Điều 109; Khoản 8, Điều 112, Luật Doanh nghiệp quy định: HĐQT phải có ít nhất 3 thành viên và cuộc họp của HĐQT để quyết định các vấn đề lớn của công ty chỉ được tiến hành khi có 3/4 tổng số thành viên HĐQT trở lên dự họp.

Trong trường hợp số lượng thành viên HĐQT chỉ có 3 người thì chỉ khi có đủ cả 3 người tham dự mới đủ điều kiện tiến hành cuộc họp HĐQT. Như vậy, cuộc họp HĐQT của Công ty CKK để thành lập 3 công ty con là Công ty TNHH một thành viên Cơ kim khí 1, 2 và 3 mà không thông báo cho ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT dự họp là không được pháp luật thừa nhận.

Tuy nhiên, khi đưa hồ sơ của 3 công ty con này ra Sở KHĐT TP Hà Nội thì 3 công ty này vẫn được cấp giấy phép hoạt động, bởi Sở KH-ĐT chỉ cần căn cứ vào Quyết định thành lập doanh nghiệp của Chủ tịch HĐQT mà không cần phải xem xét hồ sơ. Vậy là trái luật nhưng vẫn được công nhận!?

>> Ngày 19/9/2011, Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội có Quyết định số 1002/QĐ.CTHA về việc thi hành án chủ động do Cục trưởng Lê Quang Tiến ký: Buộc HĐQT Cty CKK không dịch chuyển bất kỳ tài sản nào của Cty CKK sang các Cty TNHH một thành viên Cơ kim khí Hà Nội 1, 2 và 3…

Một ví dụ nữa, Luật Doanh nghiệp quy định cho các cá nhân được phép chuyển nhượng cổ phần. Tuy nhiên lại quy định là việc mua bán đó phải vào sổ cổ đông của Cty mới được pháp luật công nhận. Trong trường hợp Chủ tịch HĐQT vì lý do gì đó cố tình không vào sổ cổ đông, không cung cấp trích lục sổ cổ đông thì sao?

Phải chăng “đọc” được những vấn đề còn chưa có chế tài thỏa đáng trong Luật Doanh nghiệp nên HĐQT Công ty CKK đã thoải mái “bay” trong những “vùng cấm” của luật pháp và gây khó khăn cho các cơ quan chức năng, kể cả khi Toà án đã bật tín hiệu “đèn đỏ” nhưng HĐQT Công ty CKK vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại? Phải chăng cơ quan quản lý, cơ quan pháp luật bó tay để vốn của nhà nước, vốn của cổ đông tiếp tục bị thất thoát?

Chúng tôi sẽ chuyển tới bạn  đọc diễn biến tiếp theo của chuyến bay trong “vùng cấm” của ông Nguyễn Văn Mạ, Chủ tịch HĐQT Cty CKK Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên