Cuộc trở về sau 800 năm của dòng họ Lý Hoa Sơn

Năm 1994, hậu duệ đời thứ 26 của Lý Long Tường là Lý Xương Căn đã mở đầu cuộc trở về Việt Nam của dòng họ Lý Hoa Sơn. Người con Việt ở xứ Hàn nguyện trở về với Tổ quốc góp phần xây dựng quê hương.

>> Công bố cuốn sách “Hoàng thúc Lý Long Tường”

Khoảng 800 năm trước, sau một biến cố lịch sử, nhiều người trong dòng họ nhà Lý của đất Việt đã lên thuyền vượt biển đến xứ Cao Ly. Qua bao vật đổi sao dời, dòng họ Lý ly hương đã xây dựng cơ nghiệp trên đất khách đến tận ngày hôm nay với những hậu duệ thành đạt nhưng những người “con rồng cháu tiên” vẫn không nguôi nhớ về cố quốc...

Từ biến cố vong quốc đến dòng họ Lý Hoa Sơn

Hoàng tử Lý Long Tường là con vua Lý Anh Tông, em vua Lý Cao Tông và chú vua Lý Huệ Tông. Ông lớn lên khi vương triều Lý đang trên đường suy vong dẫn đến sự thay thế của vương triều Trần. Trước những biến cố đó, Lý Long Tường đã cùng một số tôn thất nhà Lý vượt biển tránh sang Cao Ly.

Cũng dạo đó, vua nước Cao Ly nằm mộng thấy có con chim lớn bay đến đất này. Không ngờ đó là vị hoàng tử nước Đại Việt đến từ phương Nam. Lý Long Tường được đón nhận như một sứ giả. Họ Lý được vua Cao Ly cấp cho đất đai cư trú làm ăn. Ông cùng con cháu nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống tại vương quốc Cao Ly, được nhân dân trong vùng mến trọng.

Gặp lúc đế chế Mông Cổ đem quân tiến đánh Cao Ly, Lý Long Tường dù vong quốc nhưng vẫn mang trong mình dòng máu hào kiệt đã lập ra lực lượng kháng chiến. Trong trận chiến này, ông đã sử dụng binh pháp Đại Việt đánh bại giặc Nguyên Mông, lập chiến công hiển hách trên đất Cao Ly.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Phan Huy Lê - Chủ tịch hội Khoa học lịch sử Việt Nam, con người và sự nghiệp Hoàng thúc Lý Long Tường được ghi chép rất nhiều trong chính sử Cao Ly. Đặc biệt hiện nay, tại Hàn Quốc, còn tồn tại rất nhiều dấu tích, truyền thuyết anh hùng về Lý Long Tường: “Ở Hoa Sơn vẫn còn dấu ấn nền dinh thự của Lý Long Tường xưa, còn dấu tích của Thủ Hăng Môn - nơi Lý Long Tường bắt viên tướng của quân Mông Cổ làm lễ đầu hàng ở đó; mộ của ông và Vọng Quốc đàn vẫn còn. Cùng với những chiến tích cụ thể đó là một loạt truyền thuyết dân gian rất phổ biến. Nhân dân Hàn Quốc, Triều Tiên coi Lý Long Tường như một anh hùng chống ngoại xâm của chính mình”.

Sau khi đến Cao Ly, Hoàng tử Lý Long Tường sinh được hai người con trai. Con cả làm quan ở Hwang Hae-Đô, tỉnh Hway Hae, lập nên 13 chi. Người con thứ lập nghiệp ở An Đông, Kyuong Shang-Đô, tỉnh Kyuong Shang, lập nên 3 chi. Nếu tính từ Thuỷ tổ nhà Lý ở Việt Nam thì lớp cháu con của Lý Long Tường thuộc dòng họ chính tôn.

Ở Hàn Quốc có nhiều họ Lý, dòng họ Lý gốc Việt này được gọi là Lý Hoa Sơn vì Hoa Sơn là quê hương đầu tiên khi Lý Long Tường nhập cư Cao Ly, và cũng gắn liền với tước hiệu Hoa Sơn Quân do vua Cao Tông nước Cao Ly phong tặng.

Cuộc trở về sau 800 năm lưu lạc

Kể từ thời Lý Long Tường, con cháu dòng họ Lý Hoa Sơn ngày càng phát triển và sống hoà nhập vào cộng đồng dân cư nước sở tại với nhiều người thành đạt. Có người đỗ Tiến sỹ, có người giữ chức tước cao như Nghệ văn quán đại đề học, Lễ tào tham nghị, Giám tu quốc sử, Thượng thư hữu bộc xã, nhiều người văn chương nổi tiếng một thời... Tuy nhiên dù thành đạt, hiển vinh ở nước sở tại nhưng con cháu họ Lý vẫn khôn nguôi nhớ về cố quốc.

Năm 1994, hậu duệ đời thứ 26 của Lý Long Tường là Lý Xương Căn đã mở đầu cuộc trở về Việt Nam của dòng họ Lý Hoa Sơn bằng chuyến thăm Đình Bảng lễ đền Lý Bát Đế. Người con Việt ở xứ Hàn cúi đầu trước anh linh tiên tổ, nguyện trở về với Tổ quốc góp phần xây dựng quê hương. Những hành động và việc làm thiết thực của ông Lý Xương Căn tại Việt Nam tiêu biểu cho những người Việt Nam ở nước ngoài tìm về cội nguồn.

Tiến sĩ Đặng Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá: “Ông Lý Xương Căn là một đại diện tiêu biểu cho người Việt Nam ở nước ngoài tìm về cội nguồn. Từ năm 1994, ông là người đầu tiên đại diện cho các hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường tại Hàn Quốc trở về thăm quê cha đất tổ. Từ đó đến nay, năm nào, ông cũng về dự hội đền Đô - đền thờ của 8 vị vua thời Lý. Ông Lý Xương Căn và các hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường đã tích cực có những hành động hướng về quê hương và đồng thời cũng là cầu nối giữ gìn tình hữu nghĩ giữa Việt Nam và Hàn Quốc”.

Tại Hoa Sơn có một quả núi gọi là Quảng Đại Sơn, trên đỉnh có một nền đá bằng phẳng. Tương truyền rằng, Lý Long Tường thường lên đó ngóng trông về phương Nam, thương nhớ quê nhà. Ngọn núi đó vì thế mang tên “Vọng Quốc Đàn” hay “Vọng Cố Hương”. Và ngày 27/6/2010 đã đi vào lịch sử dòng họ Lý Hoa Sơn, tâm nguyện của Hoàng thúc Lý Long Tường đã thành hiện thực khi gia đình ông Lý Xương Căn được nhập quốc tịch Việt Nam.

Vậy là lần đầu tiên một hậu duệ Lý tộc sau gần 800 năm lưu lạc đã chính thức trở về làm công dân Việt. Ông chọn thời điểm mừng Thăng Long - Hà Nội nghìn năm để trở đoàn viên sau bao nhiêu dâu bể của cả một dòng tộc cũng là một việc làm ý nghĩa. Ông Lý Xương Căn xúc động cho biết:  “Tôi rất cảm kích vì Chính phủ và người dân Việt Nam luôn mong muốn và đón chào sự trở về của những người con hoàng tộc họ Lý nói riêng và những người con Việt Nam xa xứ nói chung. Điều này làm tôi rất cảm động”. 

Ngày nay, người thuộc dòng họ Lý Hoa Sơn đang tiếp tục nuôi dưỡng niềm tự hào là người dân nước Việt, góp phần bồi đắp và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển. Như tâm sự của cậu thanh niên Lý Học Chang - hậu duệ đời thứ 27 của Hoàng thúc Lý Long Tường và cũng là công dân mới của Việt Nam: “Em tự hào đã trở thành người Việt Nam, và sau này dù làm việc gì, ở đâu, em sẽ luôn cố gắng để xứng đáng là người Việt Nam”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên