Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra từ rạng sáng ngày 17/2/1979 và kéo dài suốt 10 năm tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu và Hà Giang. Vị Xuyên - một huyện của tỉnh Hà Giang nằm sát biên giới Việt - Trung là mảnh đất hứng chịu nhiều đau thương, tổn thất nhất.
Chỉ tính riêng từ năm 1984-1989 nơi đây, có ngày nơi đây phải hứng trọn khoảng 2 triệu quả đạn pháo từ phía quân xâm lược. Hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hi sinh và đến nay hài cốt vẫn nằm lại trên các khe đá, thung sâu, rừng núi...nơi biên cương. Còn những người lính may mắn đi qua cuộc chiến thì vẫn luôn đau đáu và day dứt khi nghĩ về đồng đội, về những ký ức đau thương mà hào hùng năm nào...
|
Nhiều chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên đã hi sinh và đến nay hài cốt của họ vẫn còn nằm lại đâu đó trong các khe đá, thung sâu trên các cao điểm 772, 685, 300, 400... |
Quãng đường lên đài hương và khu tưởng niệm liệt sĩ tại Vị Xuyên do các cựu binh sư đoàn 356 quyên góp... dài hơn 3km men theo vách núi, đất dưới chân không hiểu vì sao cứ đỏ như máu. Cựu binh sư đoàn 356 Lê Mai, người đưa chúng tôi đi thăm lại chiến trường biên giới Vị Xuyên nơi ông và hàng vạn đồng đội đã chiến đấu suốt 10 năm (1979-1989) nói nhỏ như vậy.
Màu đỏ của con đường nổi bật giữa màu xanh của cây cỏ núi rừng biên cương trông xa như một nét vẽ trên bản đồ. Một nét vẽ màu đỏ nhỏ bé, khiêm nhường nhưng là đại diện cho chủ quyền lãnh thổ, cho ấm êm của những mái nhà đã được đánh đổi bằng máu và tuổi thanh xuân của biết bao người lính nơi biên cương, như ông Mai và như những người đồng đội của ông. Ông bất giác im lặng, mắt đục ngầu... Đứng từ đài hương này, có thể nhìn thấy toàn cảnh chiến trường xưa. Ông bảo: "Chiến tranh dường như vừa mới xảy ra ngày hôm qua".
Chiếc áo lính màu xanh đã bạc, mái tóc của chàng trai xứ Nghệ sau 30 năm cũng điểm sương, nhưng thời gian không thể làm người đàn ông quên đi được ký ức bi tráng của mình và đồng đội tại mảnh đất biên cương này. Cựu binh Lê Mai trước là lính bộ binh. Ngần ấy năm nhưng ông vẫn nhớ từng căn hầm do chính tay mình làm trong suốt những năm từ 1984-1989 ấy trên từng cao điểm, từng ngọn núi như nhớ đường về nhà vậy.
Cựu binh Lê Mai nhớ lại ngày 12/7/1984, trận đánh ác liệt nhất trong chiến dịch mang bí danh MB 84. Trận đánh mà gần 600 đồng đội trong sư đoàn 356 của ông đã không thể trở về.
“Lúc đó tôi đang đào hầm trú ẩn trước làn pháo điên cuồng của địch. Lúc sau quay ra, chẳng còn ai nữa. Anh em nằm la liệt người bị thương người hy sinh. Tôi bỗng thấy đất dưới chân mình có nước, đất nhão hẳn ra mới tự hỏi: trời có mưa đâu mà lắm nước thế này. Lúc nhìn xuống, trời ơi toàn máu là máu. Máu nhiều đến mức chỗ tôi vừa đào ướt nhẹp. Là máu của đồng đội tôi...”.
|
Cựu chiến binh Lê Mai chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên 1984-1989 thuộc Sư đoàn 356. |
Thương đồng đội bao nhiêu, những người lính công binh ngày đêm đào hầm trú ẩn và dựng lán bấy nhiêu. Dưới làn pháo đạn như mưa, họ vác trên vai từng khối bê tông nặng gấp 3 trọng lượng cơ thể leo núi vượt thác để mang lên trân địa.
"Ban ngày chúng tôi nghỉ, đêm bắt đầu đào. Suốt 3 tháng trời, 8 người ăn ở trong cái hang có vỏn vẹn 1,5m. Hầm có khi vừa làm xong địch nã pháo sập, chúng tôi lại làm tiếp, không nao núng. Nhờ vậy đã giảm được số thương vong đáng kể của quân ta trong những lần đánh giáp lá cà", ông Mai kể.
Sau ngày kết thúc chiến tranh, ông Mai không về quê và quyết định ở lại thị trấn nghèo, xơ xác vì chiến tranh này, lấy vợ, sinh con và lập nghiệp. Sư đoàn 356 giải thể, không có bất kỳ trợ cấp nào, ông lăn lộn cùng vợ buôn bán nuôi 2 con ăn học nên người...
Không may mắn như cựu binh Lê Mai, ông Trương Văn Đậu (dân tộc Dao), sinh năm 1960 hiện đang sống tại làng Đông Cáp 2, thị trấn Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã vĩnh viễn gửi lại một chân tại chiến trường biên giới. 18 tuổi, ông Đậu lúc đó là chàng trai trẻ, trong tim mang nhiệt huyết cống hiến sức mình cho Tổ quốc cùng lời dạy của người cha: Bố là Đảng viên, gia đình mình là gia đình cách mạng. Con phải đi bộ đội để tiếp nối truyền thống gia đình. Ông Đậu nhập ngũ năm 1978 tại binh đoàn 122 C9 D3 F122, sau được điều lên chi viện cho mặt trận Vị Xuyên 1 năm sau đó.
Trận chiến ác liệt đến mức trong ký ức của người đàn ông này chỉ là những tiếng nổ đinh tai nhức óc và hình ảnh đồng đội bị trúng đạn của giặc nằm đau đớn suốt dọc những điểm cao. Ông Đậu bị thương trong một lần vận chuyển đạn pháo lên chốt cho đồng đội. Ông nói lúc đó pháo địch bắn sang dày đặc, cả một quả đồi bị bạt hẳn đi, những núi đá bị nung chảy thành vôi. Đó là lý do vì sao những cao điểm như 468, 772 được mệnh danh là "lò vôi thế kỷ".
|
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ mặt trận Vị Xuyên 1979-1989 tại cao điểm 468 (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) |
Nghĩa trang Vị Xuyên những ngày tháng 7 năm nay không hiểu sao mưa không dứt. Ông Hoàng Công Nguyên, quản trang tại đây cho biết, dù mưa gió bão bùng thế nào nhưng cứ đến ngày 12/7 (ngày giỗ trận của sư đoàn 356) và ngày 27/7 là hàng trăm, thậm chí, hàng nghìn cựu chiến binh lại về đây tỏa nhau đi thắp hương cho gần 2.000 ngôi mộ. Bên những nấm mộ, có người khóc, người cười, người lặng lẽ ngồi thủ thỉ kể chuyện, đốt điếu thuốc lá rồi bẻ đôi mình một nửa, cắm vào bát hương một nửa. Bên ngôi mộ đề tên liệt sĩ Lê Nam Hòa, người cựu binh Hà Hữu Thân và vợ là Nguyễn Thị Minh Nga đang thắp hương khấn.
Năm 1980, hai người lính Lê Nam Hòa và Hà Hữu Thân thân thiết với nhau khi ở cùng một đơn vị tại Lào Cai. Năm 1984, cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lấn biên cương ngày càng ác liệt, cả hai được điều về Trung đoàn 149, Sư đoàn 356. Ông Thân là đại đội trưởng, còn ông Hòa là đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 7. Hai người thường kể cho nhau nghe về gia đình, về những ước mơ của tuổi trẻ. Đặc biệt, ông Hòa hay tâm sự với ông Thân về hoàn cảnh người vợ trẻ của mình là bà Nguyễn Thị Minh Nga cùng đứa con trai mới 7 tháng tuổi đang ở quê trong nỗi nhớ mong da diết không được gặp mặt con trước khi lên đường.
Ông Thân còn nhớ rõ, trước đêm diễn ra trận đánh ác liệt ngày 12/7/1984, dưới gốc đa làng Lò (huyện Vị Xuyên), ông Hòa bảo rằng: "Ngày mai bước vào cuộc chiến, không biết rồi sẽ ra sao. Nhưng chúng mình hứa với nhau là ai còn sống sẽ chăm lo cho gia đình người kia nhé!". Ông Thân đồng ý. Và như một định mệnh, người lính Hòa đã hi sinh trong trận đánh vào cao điểm 685, còn ông Thân chỉ bị thương và đưa về tuyến dưới.
Sau này nhớ lại lời hứa dưới gốc đa với bạn, ông Thân đã tìm về gia đình ông Hòa, lúc đầu với mục đích giúp đỡ vợ bạn. Nhưng sau đó dần dần, chính ông đã có cảm tình với người y tá Nguyễn Thị Minh Nga và xin phép gia đình nối nghĩa với bà. Cứ thế, hai người nương tựa vào nhau, cùng chăm lo con cái và gia đình.
Ông Thân xin được nhận là con nuôi của gia đình liệt sĩ Hòa để chăm lo cho gia đình bạn. Trong căn nhà nhỏ của hai ông bà tại Phú Thọ, ông Thân tự tay lập bàn thờ đồng đội khói nhang thờ cúng. Và cứ đến ngày 12/7, ngày giỗ trận hàng năm, hai vợ chồng ông lại về Vị Xuyên, thắp hương cho liệt sĩ Hòa cũng như nhiều đồng đội của mình.
Những người cựu binh của trận chiến biên giới phía Bắc năm xưa khi được hỏi đều có chung nỗi day dứt, đó là không nguôi nhớ về những người lính đã hi sinh chưa tìm được hài cốt. Họ bảo, đâu đó ngoài những điểm cao kia: 468, 772, 1509... giờ xương cốt họ đã hoá thành đá và trở thành bất tử như lời thề khắc trên báng súng của liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Văn Ninh: "Sống trong đá, chết trong đá hoá thành bất tử".
Biên cương hôm nay chỉ một màu xanh thăm thẳm của rừng, của núi. Biên cương hôm nay mây trắng bay nhiều lắm. Những bản làng mọc lên san sát, tiếng trẻ thơ nô đùa hòa vào tiếng suối tiếng chim thành bản nhạc mang tên hòa bình. Tấm bản đồ với đường biên màu đỏ đã được giữ vững, chủ quyền lãnh thổ được vẹn toàn, bởi ở đó có những cột mốc chủ quyền được dựng bằng máu xương và tuổi trẻ của những người lính vô danh như thế!.../.