Gieo chữ trên đất lá vàng

Giáo viên căm bản ở đâu cũng gian nan, vất vả. Nhưng với những giáo viên ở trường tiểu học Pa Ủ, phải nói hai từ “hy sinh” thì mới hết được công lao to lớn của họ  

Đói nghèo, lạc hậu cũng khiến con chữ cứ xa mãi tầm tay của con em người La Hủ ở xã Pa Ủ (Mường Tè - Lai Châu). Trong muôn vàn khó khăn, bộn bề ở nơi biên ải, những giáo viên cắm bản vẫn âm thầm vén mây mù để mang con chữ đến với con em đồng bào La Hủ. Năm nay là năm đầu tiên Pa Ủ xoá được tình trạng trắng lớp học ở các bản.

“Sờ tu lờ ô” đi các em ơi

Mới sáng sớm tinh mơ, trời vẫn còn mù mịt sương mù, thầy Đoàn Danh Tuyên (dạy lớp 3) đã chụm hai bàn tay lại rồi đưa lên miệng gọi với lên bản Pa Ủ: “Sờ tu lờ ô” đi các em ơi - Đi học thôi các em ơi. Rất nhiều năm qua cái giọng nói lơ lớ giống thổ ngữ của người La Hủ của thầy Tuyên khiến bà con nghe riết thành quen. Đứa trẻ nào còn ngủ quên mất giờ học thì được bố mẹ đánh thức: Dậy đi con ơi! Thầy Tuyên gọi rồi đấy! Chỉ chưa đầy mười lăm phút sau, học sinh đã đến lớp đầy đủ. Để có được sự gần gũi, tình cảm chân thành đó, thầy Tuyên cũng có quãng thời gian đầy thử thách ở nơi địa đầu Tổ quốc này.

Quê của thầy ở tận Hưng Yên, sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Bắc, thầy xung phong lên Pa Ủ dạy học. Thấm thoát thế mà thầy đã gắn bó với mảnh đất này được 6 năm. Nhớ lại những ngày đầu lên đây dạy học thầy vẫn chưa hết bàng hoàng. Đường ô tô mới chỉ về tới xã Mường Mô (cách Pa Ủ hơn một trăm cây số đường rừng), đi mất hai ngày mới đến nơi khiến đôi chân phồng rộp, hàng tuần sau vẫn chưa khỏi. Chưa nghỉ lấy một ngày thầy Tuyên đã được các “vị khách” không mời mà đến là ruồi vàng đến “hỏi thăm”. Loài côn trùng này đến là hiểm độc, chỉ khi đốt xong mới phát hiện. Ai nhẹ thì thâm da, tím thịt, người nặng thì thối da, thối thịt, thậm chí phát sốt. Chỉ khi nghe thầy Tuyên kể về ruồi vàng, tôi mới hiểu vì sao giáo viên ở đây phải đi tất quanh năm và mặc áo kín cổ để tránh ruồi vàng đốt. Mọi thứ ở đây mua đều đắt gấp đôi, gấp ba so với vùng xuôi.  

Sau “cửa ải” ruồi vàng là đến việc dạy học. Trường học những năm trước đây, chưa được khang trang như bây giờ. Lớp chỉ là những phên tre ghép lại. Trời mưa thì dột, mùa rét thì lạnh. Có những hôm cả thầy và trò phải đốt lửa để học. Học sinh buổi đến, buổi không, thầy phải ra nương vận động từng học sinh đến lớp.

…và chăm sóc học sinh như con của mình

Cách lớp của thầy Tuyên không xa là lớp mầm non của cô Nguyễn Thị Kim Hải. Hơn 14 bông hoa nhỏ đang ngồi co ro bên lớp học, gió thổi tứ bề. Giữa trời rét căm căm mà chúng chỉ mặc độc một bộ quần áo mỏng, chân không dép. Khi chúng tôi đến, cô đang phùng mồm, trợn má để nhóm cái bếp củi ở gần lớp cho các cháu sưởi ấm. Không giống như ở dưới xuôi “cháu lên ba cháu ra mẫu giáo”, ở miền biên ải này các cháu lên ba đã có nhiệm vụ trông em. Muốn có học sinh thì cô giáo phải đến nhà vận động. Rất may cho cô Hải là các giáo viên đến trước đã bày cách cho chị là phải học tiếng La Hủ trước khi đến lớp dạy. Thế là cô giáo và học sinh cùng học với nhau, cô học tiếng dân tộc của các cháu, còn các cháu học chữ của cô giáo. Phải mất thời gian dài cô Hải mới học được tiếng La Hủ. Được cái thầy cô giáo nào mà nói được tiếng La Hủ thì bà con vui lắm. Việc vận động học sinh ra lớp cũng dễ hơn.

Lần này lên Pa Ủ, chúng tôi có vinh dự là được “cắt băng” khánh thành lớp học ở bản Hà Si. Đây là bản cuối cùng của xã Pa Ủ có lớp học. Từ nay Pa Ủ đã xoá được bản trắng về giáo dục. Có được lớp học này là công sức của các thầy cô giáo và các chiến sĩ ở bộ đội biên phòng ở đồn 309. Bản Hà Si cách trung tâm xã khoảng 2 ngày đi bộ, nên từ nhiều năm qua các em ở bản hầu như không biết chữ, cả bản chỉ có duy nhất 2 người biết chữ.

Khi lớp học được hoàn thành bà con người La Hủ ở đây mừng lắm. Thầy Lò Văn Dũng đã xung phong lên bản Hà Si dạy lớp mầm non. Ngày đầu tiên nghe tiếng học sinh đánh vần ê, a ở bản Hà Si, trong bản rộn lên một niềm vui khó tả. Ông Phừ, trưởng bản Hà Si cứ nắm lấy tay thầy giáo và nói: “Thầy giáo na (thầy giáo tốt). Thầy đến đây là con của đồng bào La Hủ rồi. Thầy giáo đừng về dưới xuôi nha!”. 

Vì học sinh thân yêu

Đa phần các giáo viên lên đây dạy học là người ở dưới xuôi. Cô Hải vốn là người con gái của miền đất tổ Phú Thọ, đã lập gia đình và có 2 cô con gái. Khi cô xung phong lên đây dạy học thì không thể mang con theo được. Đường xá xa xôi, cách trở, muốn về nhà ít nhất phải được nghỉ một tuần, nên một năm cô chỉ được gặp con có 2 lần là vào dịp hè và Tết. Ở Pa Ủ không có điện thoại, nên muốn gọi điện cô phải đi cách nhà 25 cây số đường rừng, cả đi và về “tròn” một ngày đường. Chị Hải kể:  Mỗi lần nói chuyện điện thoại là không dứt ra được. Hai đứa con cứ léo nhéo ở đầu dây và hỏi: Bao giờ mẹ về với con? Mẹ ơi! Con nhớ mẹ lắm! Cứ mỗi lần nghe con nói vậy, chị cảm thấy như có ai cắt từng khúc ruột của mình ra vậy.

 Cũng giống như cô Hải, thầy Tuyên đã có vợ con ở quê nhà Hưng Yên. Cách đây 2 năm thầy có đưa con lên đây ở cùng. Tuy nhiên ở nơi “trưa nắng đốt, đêm giá rét” này con trẻ cứ ốm liên tục. Đặc biệt là bị ruồi vàng đốt khiến chúng cứ phát sốt, phát rét. Anh đành gửi cháu về quê. “Bố mẹ ai chẳng muốn gần con gần cái, nhưng vì công việc đành phải chịu thôi”, anh Tuyên tâm sự.

Gặp mỗi giáo viên ở trường tiểu học Pa Ủ có hoàn cảnh, số phận khác nhau, nhưng họ đều ngời lên một niềm lạc quan yêu đời. Và chính ở mảnh đất biên ải đầy nắng gió và khắc nghiệt này, nhiều mối tình “cắm bản” đã nảy sinh và họ đã nên vợ nên chồng. Tại trung tâm trường tiểu học Pa Ủ có một mối tình đẹp mà các giáo viên hết lòng ca tụng là anh Trường, chị Tâm. Chị Tâm ở Thái Nguyên, còn anh Trường quê ở Phú Thọ. Họ lên đây dạy học rồi quen nhau và họ cùng có chí hướng là góp phần nhỏ bé của mình để xây dựng mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Kết tinh của mối tình đó là một cháu trai kháu khỉnh ra đời. Họ đặt tên con là Quyết Tâm để khẳng định thêm tình cảm gắn bó của họ với vùng đất này. Hôm chúng tôi đến thăm trường cô Tâm đang dạy học. Hình ảnh cô giáo vừa đặt con bên chiếc xe đẩy, vừa đứng lớp giảng bài cứ in đậm vào tâm trí tôi. Cũng may cu cậu Quyết Tâm rất ngoan, không khóc, cứ ngồi im trên xe nghe mẹ giảng bài cho các anh chị. Cô Tâm bảo, không còn ai trông cháu đành phải để cháu như vậy. Chồng cô hôm nay phải tăng cường lên bản Pa Ủ dạy. Giờ có một mình cô ở nhà, nên cu cậu có “vinh dự” được cùng mẹ ra lớp.

Theo anh Hà Anh Hùng, hiệu trưởng trường Tiểu học Pa Ủ, đến nay Pa Ủ có 6 điểm trường tiểu học, 21 giáo viên và 165 học sinh. “ Số lượng học sinh bỏ học giữa chừng hầu như không có. Các em ở bản xa xôi nhất đến tuổi đi học đều được đến trường”, anh Hùng nói. 

Với các giáo viên ở xã Pa Ủ, ngoài nhiệm vụ dạy học họ còn kiêm luôn cả “cán bộ dân vận”. Huyện Mường Tè đã đưa ra một chương trình được giáo viên hưởng ứng rất nhiệt tình: Mỗi giáo viên nhận đỡ đầu cho một gia đình. Ngoài giờ lên lớp họ thường xuyên giúp đỡ gia đình, hướng dẫn mọi người từ việc ăn ở hợp vệ sinh đến đi ngủ phải mắc màn, chống sốt rét (người La Hủ có thói quen đi ngủ chẳng bao giờ mắc màn).

Chỉ tính sơ sơ toàn xã có hơn trăm giáo viên cũng giúp được hơn một trăm hộ gia đình có cách nghĩ, cách làm khác. Ông Thào Phi Xè, trưởng bản Pa Ủ rất hài lòng khi nói về đội ngũ giáo viên ở bản mình. 5 thầy cô giáo là năm tấm gương sáng của bản. Các thầy cô đã mang cái chữ cho con em đồng bào La Hủ, giờ lại giúp đỡ các gia đình làm ăn, lẫn sinh hoạt hàng ngày. Bà con ơn các thầy cô lắm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên