Hồi kết có hậu cho những nạn nhân bị lừa đảo

Những nạn nhân bị lừa đảo XKLĐ đã đòi lại được tiền của mình. Đây cũng là điều chúng tôi mong muốn khi thực hiện loạt bài điều tra này.

Khát khao cháy bỏng của người dân nghèo chính là thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên do thiếu thông tin, nhẹ dạ cả tin vào những lời hứa “chạy chọt” thi tốt, đi nhanh, họ đã trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ lừa đảo. Tình cảnh càng trở nên bi đát khi họ không những không đi được mà còn trở thành con nợ với tiền lãi nhân lên hàng ngày.

Ở vào bước đường cùng, những nạn nhân đã gọi điện cầu cứu chúng tôi với hy vọng mong manh là giúp họ đòi lại tiền. Và chúng tôi, những người thực hiện loạt bài điều tra này đã phải vào cuộc với vai người “đòi nợ” bất đắc dĩ.

Sự căng thẳng của những lao động khi đi đòi lại tiền

“Cảm ơn Đài đã giúp chúng tôi đòi lại được tiền”

Chiều muộn ngày 18/10, ngồi ôm cháu trên chiếc võng nhiều sợi đã đứt tả tơi, ánh mắt bà Trần Thị Hiển, mẹ của Trần Phú Cường buồn mênh mang. Bà nói với chúng tôi ngữ điệu đong đầy nỗi day dứt: “Các bác phải xác định lấy được tiền về thì hẵng làm. Chứ đây là quan hệ thông gia với bề trên gia đình chúng tôi, nhỡ tiền không lấy được mà tình cảm cũng sứt mẻ thì chúng tôi không làm”.

Lời đề nghị của bà Hiển khiến tâm trạng chúng tôi nặng trĩu. Đương nhiên là không có lời khẳng định nào được đưa ra. Đôi lần qua lại tư gia của bà Vũ Thị Bích Ngọc cùng Cường cũng là bởi muốn giúp gia đình bà vơi đi nỗi băn khoăn mối quan hệ thông gia.

Trưa ngày 20/10, điện thoại của tôi đổ chuông với dòng tên người gọi: “Cường, nạn nhân lừa đảo”. Tôi bắt máy và nghe giọng nói đầy sự phấn chấn của Cường: “Em chào chị, chị khỏe không? Chị ơi, hôm qua, ngay sau khi các chị về thì bác Ngọc đã mang tiền đến tận nhà trả cho gia đình em. Em rất cảm ơn các anh chị, cảm ơn Đài TNVN đã giúp gia đình em đòi lại số tiền này”.

Với ông Trần Văn Thuận - bố Cường, người đã không thể kìm được cảm xúc với những uất ức trào dâng khiến không ít lần ông phải xin lỗi do văng tục thì hôm nay, ông cũng lại là người vui nhất: “Tôi phấn khởi quá, nhờ có Đài TNVN mà chúng tôi qua được hoạn nạn này. Đúng là chỉ cách đây mấy ngày thôi, tôi nhìn cuộc sống tiêu cực lắm, chẳng biết tin vào ai. Mình là dân nghèo nên chẳng biết kêu ai. May mà có các anh, chị giúp, nếu không thì không biết khi nào chúng tôi mới đòi được món nợ này. Cảm ơn chương trình, cảm ơn Đài TNVN”.

Tôi nhớ lại hình ảnh ông Trần Văn Thuận cách đây không lâu khi ông ứa nước mắt chỉ vào đứa cháu hơn 2 tuổi trên tay và nói: “Cháu tôi nhiều tháng nay không dám mua sữa cho cháu uống, chỉ pha nước đường để dành tiền trả nợ!”. Giờ thì sự bình yên, niềm vui lại trở về bên ngôi nhà ấy. Vợ chồng Cường lại cần mẫn với công việc của công nhân nhà máy may. Ông Thuận, bà Hiển lại có thể cười tươi bên gánh rau góc chợ. Biết đâu họ đã mạnh dạn mua cho cháu mình hộp sữa để bù đắp cho những ngày khốn khó? Và cuộc sống của họ, dẫu nghe qua điện thoại thôi, tôi cũng như thấy được ánh cười.

Hợp đã nhận đủ tiền.

Phải dựa vào chính thực lực của mình

Nếu như sự ‘hoàn trả tiền” của bà Ngọc cho gia đình Cường nhanh ngoài dự kiến, thì sự “chây bửa” của ông Nguyễn Văn Khuyến, Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực Việt - Nhật (VITECH, JSC), số 7 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội đối với 3 lao động người Nam Định cũng nằm ngoài sự tính toán của chúng tôi. Dẫu không “vừa ăn cướp vừa la làng” như bà Ngọc song sự trượt dài của những lời hứa khiến 3 lao động là Thắng, Lộc, Toàn, cũng như chúng tôi phải nản lòng.

9h45’ sáng 28/10, ngay sau khi bài điều tra kỳ 2 tố cáo hành vi lừa đảo của ông Khuyến được đưa lên ít phút, tôi nhận được cuộc gọi của nhân vật này. Sau một hồi tra khảo danh tính, biết tôi là nhà báo, ông Khuyến đã buông lời trách cứ: “Chị lấy chứng cứ ở đâu mà khẳng định tôi ăn tiền của lao động? Nếu biết chị là nhà báo thì tôi đã không nói thành thật như vậy!!!... Và sau nhiều cuộc gọi, nhắn tin qua lại, ngày trả tiền cho 3 lao động đã được ấn định.

Trưa 3/11, tại hành lang của một nhà hàng ngay gần trụ sở của Công ty ông Khuyến. Gương mặt của cả người trả (ông Khuyến) và người nhận (3 thanh niên người Nam Định) tỏ ra khá căng thẳng. “Em viết đi: Giấy nhận lại tiền, Hà Nội ngày… tôi tên là… Cái này là do các em tự nguyện chứ anh không bắt ép đâu nhé”, ông Khuyến đọc cho 3 thanh niên viết.

Nhận lại 2.000 USD từ tay ông Khuyến, với Trần Văn Hợp, nó không đơn thuần là yếu tố kinh tế, là việc hoàn nợ cho người thân chóng thành mà còn mang đến cho em một bài bọc đắt giá: “Qua chương trình Các vấn đề xã hội của Đài TNVN, chúng em đã hiểu rõ quy trình XKLĐ đi Hàn Quốc. Từ việc làm thủ tục ra sao, đăng ký như thế nào, kinh phí hết bao nhiêu… Thực ra, những thông tin đó em cũng có biết, nhưng vì nghe nhiều người nói phải mất tiền mới đi được nên em sợ mình không bỏ tiền thì không đi nổi. Giờ em hiểu rằng, con đường này là hoàn toàn lừa đảo. Mình phải dựa vào sức mình thôi”, Trần Văn Hợp nói.

Sau 2 lần thi tiếng Hàn không thành như lời cam kết của ông Khuyến, Phạm Văn Tâm ở đội 10, xã Trực Đại, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cũng “đeo” vào cổ số tiền vay nợ tương đương 2.000 USD. Hôm nay, trong vai trò của một chàng thợ may với lương tháng trên 3 triệu, Tâm không còn ôm giấc mơ đi Hàn Quốc nữa. Một giấc mơ có thật là em đã có được công việc ổn định, nhưng trên hết là Tâm đã lấy lại được số tiền này.

“Chắc em sẽ không thi nữa vì mình thi 2 lần rồi, mất tiền mà chẳng đỗ, mình không đủ năng lực nên không cố nữa. Em mong rằng Đài TNVN tiếp tục lên tiếng để bảo vệ những lao động bị lừa đảo như chúng em’, Phạm Văn Tâm tâm sự với chúng tôi.

Giấy nhận lại tiền của nạn nhân Thắng

Trường hợp Nguyễn Văn Thắng ở Trực Đại, Trực Ninh, Nam Định - người thanh niên đặt hết niềm tin vào mối quan hệ thân tình với ông Khuyến lại khiến chúng tôi trăn trở hơn cả. Dẫu đã nhận ra chân tướng của mối quan hệ này, nhưng Thắng vẫn hồn nhiên nói: “Anh Khuyến là bạn của anh rể em. Trước đây anh ấy cũng đưa anh của em đi theo kiểu này!”.

Thắng hồn nhiên đưa cho chúng tôi xem tờ giấy với nội dung: “Đã nhận lại đủ số tiền 2.000.000 USD từ anh Khuyến” (thực tế là 2.000 USD nhưng Thắng viết nhầm là 2 triệu USD) dù trong tay chưa cầm bất cứ đồng tiền nào. Vẻ ngây ngô của Thắng khiến chúng tôi vừa bực lại vừa thương!. Sự cả tin khiến những lao động như Thắng dễ dàng trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ lừa đảo.

Và cuối cùng, những lời kẻ cả của ông Khuyến khiến chúng tôi không khỏi rùng mình: “Chị thông cảm, tôi chỉ là giúp các em. Các em quan tâm đến tiền và tôi cũng quan tâm đến, nhưng giờ không đi được thì tôi trả lại cho các em. Thực ra tôi chi phí cũng rất nhiều rồi. Nhưng thôi, mình trả cho nó khỏe người, đỡ lăn tăn…”.

Giấc mơ được đi làm việc tại Hàn Quốc của những thanh niên như Cường, Hồng, Thắng, Lộc có trở thành hiện thực hay không, không ai có thể trả lời giúp các em. Song nhìn những gương mặt đã đậu nét cười lấp lánh, chúng tôi như cũng vui lây. Vâng, niềm vui của những người góp phần mang lại cho họ niềm tin vào cuộc sống này.

Chương trình của chúng tôi tiếp tục tiếp nhận được những nguồn tin quan trọng, hé lộ những đường dây lừa đảo XKLĐ sang thị trường Hàn Quốc. Qua đây, chúng tôi cũng mong nhận được sự phối hợp của các bên liên quan nhằm làm sáng tỏ vụ việc. Trong một thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập vụ việc nêu trên cũng như những vấn đề liên quan đến thị trường này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên