Hũ gạo nuôi con chữ

Tấm lòng của những cựu binh ở Phong Thổ (Lai Châu) đã và đang tiếp sức cho nhiều học sinh vùng cao biên giới này không phải bỏ học giữa chừng.

Mặc dù nhiều hội viên còn thuộc diện khó khăn, nhưng với phương châm “lá lành đùm lá rách”, Hội Cựu chiến binh huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã phát động một phong trào quyên góp “hũ gạo nuôi con chữ” tới toàn thể cán bộ, hội viên và được ủng hộ rất cao.

“Cháu không phải đứt bữa nữa”

  Chuẩn bị suất ăn cho học sinh.

Những ngày cuối năm 2009, tiết trời miền biên ải Phong Thổ, Lai Châu lạnh se sắt, hoa cúc quỳ nở vàng rực rỡ khắp núi rừng báo hiệu một mùa Xuân mới sắp sang. Cứ đi được một đoạn đường dốc lên xã vùng biên Dào San, chúng tôi lại bắt gặp những người dân trong bản xa nô nức ra đội nguyên vật liệu cát, sỏi được đổ sẵn thành đống ven đường về sửa sang lại “nơi ăn, chốn ở” với hy vọng kịp đón Tết trong ngôi nhà mới. Mải miết leo dốc, rồi ngừng lại khám phá cuộc sống người dân vùng biên nên chừng giữa trưa chúng tôi mới đến Trường THCS trung tâm cụm xã Dào San. Trái với cảnh cứ đến tầm trưa là cả khu nội trú khói bếp nổi nghi ngút, ở trường Dào San tịnh không thấy một em nào nấu ăn. Hóa ra từ năm học này, các thầy cô trong trường đã tổ chức nấu ăn cho những học sinh ở nội trú.

Vào khu nhà ăn, chúng tôi thấy 3 - 4 thầy cô đang cặm cụi đơm cơm, múc canh ra những bát nhựa, rồi phân chia từng hạt lạc cho đều khắp các bát. Trống tan trường vang lên, các em cắp cặp về phòng rồi tập trung xuống khu nhà ăn. Gần 100 suất cơm đã được bày sẵn trên bàn. Tuy bữa ăn vẫn chủ yếu là cơm trắng, canh cải và một ít lạc rang, nhưng cháu nào cũng vui và ăn rất ngon miệng. Ăn xong suất cơm của mình, em Phàm Thị Phua, học sinh lớp 8B 17, nở nụ cười mãn nguyện và khoe: “Cháu ăn no rồi. Từ ngày đi học cháu được ăn 3 bữa, không phải đứt bữa như trước”.


Phua là chị cả của 4 đứa em trong một gia đình ở bản Sì Phài, cách trung tâm xã nửa ngày đi bộ. Nhà Phua nghèo lắm, mỗi năm vẫn thiếu ăn mấy tháng. Có lúc Phua phải nhịn đói cả ngày trời, cố học cho hết buổi rồi mới xin phép thầy cô cho nghỉ học để về nhà lấy gạo. Nhiều lần về nhà lấy gạo nhưng gạo trong nhà cũng hết sạch khiến Phua đứng trước nguy cơ phải bỏ học. Rất may đầu năm học này, Phua là 1 trong 20 học sinh ở nội trú có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận gạo hỗ trợ từ “hũ gạo nuôi con chữ” của các bác cựu chiến binh trong xã. Tuy số gạo không lớn nhưng cũng giúp Phua đỡ đói trong những ngày giáp hạt.

Đa phần những học sinh ở trường nội trú đều thuộc diện nghèo khó. Các em đến trường, bên cạnh con chữ vẫn canh cánh nỗi lo về cái ăn. Nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng vì gia đình không có đủ gạo cho con đi học. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Dào San Nguyễn Anh Tuấn, hiện tại, tỷ lệ đói nghèo của xã Dào San là 63,53%. Nhiều em học sinh đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng đến trường vẫn phải nhịn đói vì không có cơm, gạo để ăn…

Vì thế, hôm các bác cựu chiến binh ở xã Dào San lên trao gạo cho học sinh ở khu nội trú diễn ra rất cảm động. Ông Ma A Già, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Dào San vừa trao quà, vừa động viên: “Các gia đình cựu chiến binh của xã đều rất nghèo nhưng các bác vẫn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo để ủng hộ các cháu. Vì thế, các cháu phải học hành chăm chỉ để không phụ tấm lòng của các bác”. Lời dặn ân cần của ông Chủ tịch Hội cũng như sự quan tâm của các thầy cô giáo ở trường Dào San đã phần nào khuyến khích tinh thần học tập của học sinh nơi đây.

Theo thầy Hoàng Kim Đô, Hiệu trưởng Trường THCS trung tâm cụm xã Dào San, hiện tại cả trường có 95 học sinh ở bán trú trên tổng số 408 học sinh của 12 lớp, số học sinh bỏ học giữa chừng không có. Các em đi học rất đều đặn. Vui hơn cả là nhờ có sự hỗ trợ của các cựu chiến binh xã, nhiều học sinh đã không bị đứt bữa. Giống như các em học sinh nghèo ở trường Dào San, 500 học sinh khác ở 8 trường nội trú của huyện Phong Thổ cũng được các cựu chiến binh hỗ trợ gạo.

No cái bụng, con chữ sẽ đẹp

Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, nằm trong số 62 huyện nghèo của cả nước. Đời sống của bà con các dân tộc nơi đây rất khó khăn, điều kiện sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên nên đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều học sinh của huyện bỏ học, nghỉ học là vì thiếu gạo ăn. Nhất là vào thời điểm giáp hạt, không ít học sinh phải nghỉ học theo bố, mẹ vào rừng kiếm từng củ sắn, củ mài về ăn thay cơm... Trong hoàn cảnh ấy, hũ gạo nhỏ bé nhưng đầy tình người của Hội CCB huyện Phong Thổ mang ý nghĩa rất lớn, có sức lan toả cao, đáng để các đơn vị, hội, đoàn thể khác của địa phương làm theo.

Ông Phàng Lử, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: “Xuất phát từ tình hình thực tiễn những năm gần đây, học sinh trong huyện có nhiều em bỏ học do thiếu ăn, nhà nghèo. Dù chính quyền, đoàn thể và cán bộ, giáo viên các trường đã kiên trì vận động nhưng nhiều học sinh vẫn không quay lại lớp học. Đây chính là một lý do dẫn đến chất lượng học tập của huyện xuống mức thấp nhất toàn tỉnh. Vì vậy, chúng tôi đã phát động tới 1.238 hội viên CCB hãy nêu gương sáng “Bộ đội Cụ Hồ”, mỗi tháng ủng hộ các cháu học sinh nghèo 1 kg gạo”.

Các CCB huyện Phong Thổ đã quyên góp được trên 1,2 tấn gạo. Số gạo này đã được chuyển trực tiếp tới các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc thông qua các bếp ăn tập thể tại 8 xã có trường bán trú dân nuôi trên địa bàn.

Ông Mai Thanh Hải, Chủ tịch Hội CCB xã Mường So tâm sự: “Chúng tôi vừa tổ chức quyên góp gạo theo phong trào của Hội. Kể cả những hội viên còn khó khăn cũng muốn được đóng góp vào “hũ gạo nuôi con chữ” nên số lượng đủ 290kg/290 hội viên. Thấy anh em CCB chúng tôi làm như vậy, nhiều đoàn thể khác đang theo dõi và học cách làm này. Có thể trong thời gian tới, “hũ gạo nuôi con chữ” sẽ phát triển tới nhiều đoàn thể, khi ấy hiệu quả sẽ cao hơn hiện nay rất nhiều”. Và khi học sinh no cái bụng thì con chữ sẽ đẹp hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên