Tiêp loạt bài “Thanh Hóa: Hàng trăm văn nghệ sĩ khẩn thiết kiến nghị”

Kêu "trời" chẳng thấu?

VOV.VN - Dự án đang biến nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình văn nghệ sĩ xứ Thanh thành một công trường bụi mù

Thời gian qua, Báo TNVN đăng loạt bài “Thanh Hóa: Hàng trăm văn nghệ sĩ khẩn thiết kiến nghị”- xung quanh những bất cập, thậm chí vi phạm quy định pháp luật của các đơn vị liên quan tại Dự án Khu dân cư Nhà hát nhân dân. Mới đây, những lá đơn khẩn thiết lại tiếp tục được gửi tới tòa soạn...

Tiếp tục cầu cứu

Ngày 5/7/2016, có mặt tại Dự án Khu dân cư Nhà hát nhân dân (phường Ba Đình, TP. Thanh Hóa) chúng tôi thấy nhà thầu đang hối hả, gấp rút giải phóng mặt bằng. Những chiếc máy xúc hoạt động hết công suất, tiếng gàu máy vang lên, tiếng ầm ầm của phế thải xây dựng... đang biến nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình văn nghệ sĩ xứ Thanh thành một công trường thực sự. Dọc đường đi vào khu tập thể, gạch đá bê tông được chất thành đống, vương vãi khắp nơi.

Dãy nhà 2 tầng bị phá dỡ nham nhở trong khi nhiều hộ dân đang sinh sống tại đây.
Dự án Khu dân cư Nhà hát nhân dân, theo công văn số 5104/UBND-CN ngày 20/5/2016 của UBND tỉnh, đến nay còn đang trong quá trình điều chỉnh mặt bằng quy hoạch, UBND tỉnh chưa có quyết định phê duyệt điều chỉnh. Nhưng theo phản ánh của người dân, từ ngày 11/6/2016, nhà thầu đã cho máy san ủi, phá dỡ toàn bộ khu vực sân khấu ngoài trời và khu nhà làm việc của Trung tâm văn hóa tỉnh mà không hề có rào che chắn. Lửa cháy, gạch đá rơi, bụi bay mù mịt... làm mất vệ sinh môi trường, mất an toàn đối với tính mạng của người dân. Đây là khu dân cư đông đúc, người dân các nơi đang buôn bán quanh khu vực này, đặc biệt là các hộ dân sinh sống tại Khu văn công, nhưng đơn vị giải tỏa mặt bằng bất chấp tất cả để thi công GPMB bằng được.

Không giấu nổi bức xúc, một người dân phản ánh: "Lúc 11h30 phút ngày 13/6, trời nắng nóng 38 - 39 độ, đơn vị GPMB đã dùng đèn khò cắt thép trần nhà, để lửa cháy bắt vào các miếng xốp, khói lửa mù mịt, lửa bốc cao bén vào cả nhà dân đang ở. Lực lượng an ninh đã phải gọi xe cứu hỏa đến dập lửa kịp thời, mới không gây tai họa cho cả khu phố! Họ quá coi thường mạng sống của người dân. Chúng tôi đã báo cho phường Ba Đình, nhưng chính quyền không cử người quán xuyến. Sự việc gây mất an toàn vẫn tiếp diễn, từ 15h ngày 14/6 đến ngày 16/6, họ đập phá sân khấu mà vẫn không có hệ thống bao che khiến đất, gạch, kính, dây điện rơi lả tả xuống đường đi, bụi bay mù mịt. Đường Đào Tấn là đường đi lại của cả khu dân cư nhưng ngày 16/6, nhà thầu đã tự ý rào cấm không cho dân đi lại. Họ bất chấp luật pháp và ngang nhiên uy hiếp người dân".

Giải tỏa hay uy hiếp?

Nỗi sợ hãi của người dân về tính mạng của mình và gia đình dường như lên đến đỉnh điểm vào ngày 29/6 khi đơn vị thi công phá dỡ tầng 2 của dãy nhà 2 tầng (gồm hội trường của Đoàn cải lương và một số gia đình đã nhận tiền đền bù đi nơi khác) trong khi toàn bộ các hộ ở tầng 1 đang sinh sống.

Một nghệ sĩ lau nước mắt, nói trong u uất: “Khu nhà hai tầng này được xây những năm 80 của thế kỷ trước, đến nay ngót nghét 35 năm, nó đã sập xệ, cũ nát. Ngày trước, cả khu nhà này hễ gặp mưa đã thấm dột, giờ họ phá tan hoang tầng hai, mấy ngày nay hễ có mưa là chúng tôi sống khổ cực vô cùng. Không biết chính quyền có nhìn thấu nỗi khổ của những văn nghệ sĩ như chúng tôi bây giờ hay không?".

Việc phá dỡ không tuân thủ các quy định về an toàn trong GPMB.

 
Điều nguy hiểm hơn là những hộ dân đang sinh sống ở khu nhà này không biết toàn bộ tầng 1 sẽ đổ sập bất cứ lúc nào sau khi đã phá dỡ tầng 2. Những ngày qua, nỗi sợ hãi ấy hằn in trên khuôn mặt những văn nghệ sĩ đã hàng chục năm lao động cống hiến cho nền nghệ thuật tỉnh nhà.

Cùng chung tâm trạng đó là hoàn cảnh trớ trêu của 6 hộ gia đình với gần 30 nhân khẩu đang sinh sống trong khu nhà cấp bốn sập xệ đằng sau dãy nhà gara ô tô của các đoàn nghệ thuật. "Khổ lắm, nhà có ba thế hệ sinh sống, gồm 5 nhân khẩu, người lớn còn cầm cự được cảnh ồn ào, bụi bặm, chứ trẻ nhỏ chịu sao nổi. Chúng tôi đành phải gửi các cháu đi chỗ khác sống. Công trường đang phá dỡ ngổn ngang, đâu đâu cũng thấy những khối bê tông treo lủng lẳng trên đầu, chỉ cần một tác động nhỏ là có thể rơi xuống nguy hiểm đến tính mạng" - một người dân ở dãy nhà này bày tỏ.

Lời hứa có "gió bay"?

Một nghệ sĩ nói: "Chúng tôi thấy lạ là chỉ một cái nhà nhỏ của dân thi công cũng được đội quy tắc phường tới "hỏi thăm". Cả dự án to lớn này, đa số hộ dân chưa chấp thuận việc đền bù đang ở đây, thế mà họ vẫn thản nhiên phá dỡ, việc phá dỡ gây mất trật tự, mất an toàn, chúng tôi kêu từ phố lên phường mà không hề thấy nhà chức trách xuất hiện. Chính quyền vô cảm hay cố tình phớt lờ, dung túng cho việc làm sai trái đó?".

Khu văn công Nhà hát nhân dân, phường Ba Đình, TP. Thanh Hóa được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định Giao quyền sử dụng đất số 777/NN- UBTH ngày 24/8/1990. Theo các hộ dân văn nghệ sĩ, đến nay tỉnh chưa ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất này thì họ vẫn đang là "chủ đất". Từ khi triển khai dự án đến nay còn nhiều điều vướng mắc, thiếu minh bạch cần được chính quyền và nhà đầu tư giải đáp, họ đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cấp lãnh đạo tỉnh và thành phố nhưng chưa được hồi âm.

Ngày 29/6 vừa qua, cũng vì quá bất bình với việc thi công GPMB, các hộ dân đã điện thoại phản ánh với ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL. Ông Thanh báo cáo với ông Lê Trọng Thụ, Phó Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa. 20h cùng ngày, ông Thụ cùng một số cán bộ đã đến hiện trường và hứa với các hộ dân: "Sẽ yêu cầu dừng ngay việc phá dỡ tầng 2 và sẽ cho khắc phục những hậu quả đã làm sai...”. Nhưng cho đến hôm nay đã chục ngày trôi qua vẫn chưa thấy ai đến "khắc phục hậu quả".

Rõ ràng, những quy định về an toàn trong công tác GPMB đã không được thực hiện ở công trình này. Đơn vị thi công giải tỏa đã bất chấp sự hiểm nguy đe dọa tính mạng người dân, còn những người "có trách nhiệm" thì làm ngơ khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi: "Có hay không sự dung túng, bao che cho sai phạm?"

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Trọng Thụ, Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa nói: “Tôi có xuống hiện trường, chỉ đạo mọi hoạt động dừng lại”. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về lời hứa của ông trước dân là sẽ cho khắc phục hậu quả ngay, ông Thụ lấy lý do bận và từ chối trả lời.

Chú thích ảnh:

- Nha hat ND: Dãy nhà 2 tầng bị phá dỡ nham nhở trong khi nhiều hộ dân đang sinh sống tại đây.

- 2 ảnh còn lại là cảnh phá dỡ trong Khu không tuân thủ các quy định về an toàn trong GPMB.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thanh Hóa: Hàng trăm văn nghệ sĩ khẩn thiết kiến nghị
Thanh Hóa: Hàng trăm văn nghệ sĩ khẩn thiết kiến nghị

VOV.VN -Mỗi hộ được đền bù 100 triệu - 500 triệu đồng và rời khỏi căn nhà mà họ đã sinh sống hàng chục năm qua để phục vụ cho một dự án kinh doanh thương mại.

Thanh Hóa: Hàng trăm văn nghệ sĩ khẩn thiết kiến nghị

Thanh Hóa: Hàng trăm văn nghệ sĩ khẩn thiết kiến nghị

VOV.VN -Mỗi hộ được đền bù 100 triệu - 500 triệu đồng và rời khỏi căn nhà mà họ đã sinh sống hàng chục năm qua để phục vụ cho một dự án kinh doanh thương mại.

“Màn kịch vụng” làm khổ văn nghệ sĩ xứ Thanh
“Màn kịch vụng” làm khổ văn nghệ sĩ xứ Thanh

VOV.VN - Có quá nhiều điều lạ lùng xung quanh dự án với mục đích là cải thiện đời sống của văn nghệ sĩ xứ Thanh và nơi làm việc của các đoàn nghệ thuật 

“Màn kịch vụng” làm khổ văn nghệ sĩ xứ Thanh

“Màn kịch vụng” làm khổ văn nghệ sĩ xứ Thanh

VOV.VN - Có quá nhiều điều lạ lùng xung quanh dự án với mục đích là cải thiện đời sống của văn nghệ sĩ xứ Thanh và nơi làm việc của các đoàn nghệ thuật 

Cận cảnh “mảnh đất cắm dùi” của văn nghệ sĩ xứ Thanh
Cận cảnh “mảnh đất cắm dùi” của văn nghệ sĩ xứ Thanh

VOV.VN -Thất vọng, cay đắng, lo lắng... là cảm xúc của nhiều văn nghệ sĩ Khu văn công Nhà hát nhân dân Thanh Hóa khi họ tận mắt thấy nơi tái định cư

Cận cảnh “mảnh đất cắm dùi” của văn nghệ sĩ xứ Thanh

Cận cảnh “mảnh đất cắm dùi” của văn nghệ sĩ xứ Thanh

VOV.VN -Thất vọng, cay đắng, lo lắng... là cảm xúc của nhiều văn nghệ sĩ Khu văn công Nhà hát nhân dân Thanh Hóa khi họ tận mắt thấy nơi tái định cư