Khát vọng của Rơ Châm Tih

Ở làng Jút, xã IaDêr, huyện Iagrai, Gia Lai, ai cũng biết tài làm nhạc cụ, tài đánh đàn Goong, đánh cồng, chiêng của Rơ Châm Tih.

Với ước mơ bảo tồn, phát huy những giá trị của nền văn hóa dân tộc, anh đã thành lập “Hợp tác xã sản xuất hàng mỹ nghệ Tây Nguyên”, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở đây. Tiếng đàn T’rưng, tiếng đàn Goong một thời dần xa vắng nay lại dập dìu, vang khắp các bản làng của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Rơ Châm Tih - “Nghệ nhân chân đất”

Người già ở làng Jút còn nhớ như in tuổi thơ của cậu bé Rơ Châm Tih bởi niềm đam mê của cậu với những thanh âm phát ra từ những ống tre, ống nứa tưởng như là vật vô tri vô giác. Thuở đó, cứ ở đâu có tiếng nhạc, tiếng cồng chiêng, tiếng đàn T’rưng vang lên là Tih như quên hết công việc, quên ăn, quên ngủ để “chạy theo” những già làng làm nhạc cụ.

Nói về mình, Rơ Châm Tih tự nhận là “nghệ nhân chân đất”. Anh nhớ lại: “Hồi nhỏ, thấy các cụ già trong làng vót những ống tre, ống nứa làm đàn mình cũng vót theo, thấy họ thổi mình cũng thổi. Cái gì không hiểu thì lại hỏi. Dần dần, mình cũng làm được những loại nhạc cụ đơn giản khi mới 12 tuổi. Các cụ trong làng thấy mình thích các loại nhạc cụ này nên truyền dạy lại cho mình”.

Nhưng đáng buồn khi cậu học thành thạo các loại nhạc cụ thì những hoạt động văn hóa văn nghệ trong thôn bản không còn được sôi nổi như trước. Rơ Châm Tih chỉ làm đàn Goong khi cây đàn của mình hoặc của người bạn nào đó trong làng Jút hay các làng bên bị hỏng. Tuy vậy, tài làm nhạc cụ và tài đánh đàn T’rưng, đánh cồng, chiêng của Rơ Châm Tih vẫn vang xa đến tất cả các làng bản.

Tên tuổi và tài năng âm nhạc của Rơ Châm Tih thực sự được mọi người biết đến là vào năm 1991, khi huyện Ia Grai tìm người cho hội diễn nhạc cụ dân tộc cấp tỉnh. Trong hội diễn, mọi người mới thực sự ngỡ ngàng về tài năng chơi nhạc cụ dân tộc của Rơ Châm Tih. Gần 40 năm cuộc đời là chừng ấy năm Tih không ngừng học tập, vừa kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc vừa bảo tồn, phát huy giá trị của nền văn hóa trong đời sống cộng đồng Tây Nguyên.

Tiếng đàn bay xa

Rơ Châm Tih cho biết: “Nếu để được xem là một dàn nhạc cụ đầy đủ của người Jrai hay Barnah thì phải đủ 15 loại nhạc cụ. Trừ cồng chiêng là phải mua, còn các nhạc cụ làm bằng tre, nứa của đồng bào, Rơ Châm Tih đều tự mình làm ra”.

Mỗi dịp lễ Tết, trai làng này lại thể hiện tài làm nhạc cụ, chơi nhạc cụ với trai làng kia trước mặt các cô gái. Nhưng giờ đây, người trẻ không còn cầm dao vót tre, không đan gùi, không biết làm nhạc cụ nữa. Tôi muốn tụi trẻ con nhìn thấy mình làm, sẽ có nhiều đứa theo học, yêu mến nghề này và làm theo.

Rơ Châm Tih chia sẻ

Là một nghệ nhân trẻ tuổi và thành công nhất ở Gia Lai trong việc bảo tồn và phát triển nhạc cụ của dân tộc, năm 2.000, Tih vinh dự được vào TP. Hồ Chí Minh tham gia Hội diễn “Gặp gỡ đất phương Nam”. Sau lần biểu diễn đó, có một khách hàng yêu thích nhạc cụ dân tộc đã hỏi mua lại Tih cây đàn T’rưng. Cũng từ đấy, Tih nảy ra ý nghĩ: “Tại sao mình và bà con trong buôn làng không làm những nhạc cụ của dân tộc mình để bán?”. Về làng, Tih cùng một người bạn quyết định thành lập “Hợp tác xã sản xuất hàng mỹ nghệ Tây Nguyên”.  Lúc đầu, mỗi ngày xưởng của Tih chỉ làm được hơn 20 đàn T’rưng, giá loại nhỏ khoảng 25.000 đồng/chiếc, loại lớn từ 50 - 250.000đồng/ chiếc. Sản phẩm làm ra đến đâu khách hàng đến mua hết từng đó. Mức thu nhập bình quân của mỗi công nhân từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Bà con trong làng ai cũng mừng vì từ ngày có hợp tác xã của Tih, đời sống dân làng được cải thiện và nâng lên đáng kể.

Chị K’Pã H’mir cho biết, trước khi vào hợp tác xã của Tih, cuộc sống của gia đình chị phụ thuộc vào làm nương, làm rẫy, thu nhập bấp bênh lắm. Từ khi hai vợ chồng vào làm ở đây, con cái có cái ăn, cái mặc, cuộc sống của gia đình đổi thay rất nhiều. Uy tín của hợp tác xã do Tih đứng đầu ngày một lan truyền đi xa hơn. Nhiều người ở khắp đất nước đến đặt hàng. Hàng khách đặt nhiều, có khi xưởng của Tih làm khổng xuể. Bởi theo như lý giải của Tih “đàn được coi là “tiếng tơ đồng”, vật “tâm linh” của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, không thể làm nhanh, làm ẩu mà phải làm bằng chính sự rung động của bàn tay và tâm hồn người nghệ nhân”.

Để làm được một cây đàn T’rưng không đơn giản. Rơ Châm Tih kể: “Ngày xưa, người già làm một cây đàn T’rưng phải tốn nhiều công sức lắm, cả tháng trời mới xong. Tre phải ngâm dưới bùn ao đến 3 năm mới có thể mang lên để làm đàn. Giờ những công đoạn đó đơn giản hơn. Tre chặt về phơi nắng 3 tháng, rồi đem luộc, sau đó lại đem sấy trên dàn bếp. Sau công đoạn ấy, những đoạn tre thẳng nhất, già và vàng nhất mới được đem làm đàn. Một cây đàn T’rưng làm chỉ trong một ngày là xong nhưng nguyên liệu để làm nó phải chuẩn bị trước hơn 4 tháng. Để làm được một cây đàn T’rưng ba giàn có giá bán 1,5 triệu riêng tiền làm vật liệu đã lên đến 500.000 - 600.000 đồng rồi.

Rơ Châm Tih muốn khôi phục lại nghề làm nhạc cụ bởi trong ký ức của Rơ Châm Tih thuở bé, mỗi dịp lễ Tết, làng Jút luôn vang lên tiếng cồng chiêng, tiếng đàn Goong, đàn Krông Put, T’rưng... “Mỗi dịp lễ Tết, trai làng này lại thể hiện tài làm nhạc cụ, chơi nhạc cụ với trai làng kia trước mặt các cô gái. Nhưng giờ đây, người trẻ không còn cầm dao vót tre, không đan gùi, không biết làm nhạc cụ nữa. Tôi muốn tụi trẻ con nhìn thấy mình làm, sẽ có nhiều đứa theo học, yêu mến nghề này và làm theo” - Rơ Châm Tih chia sẻ.

Nói với chúng tôi về những dự định sắp tới trong việc bảo tồn và phát triển các loại nhạc cụ dân tộc, Tih nói như khoe: “Mình mới mở lớp dạy nghề cho 45 học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các học sinh sẽ vừa học vừa làm, học xong một số sẽ ở lại cùng “thầy giáo” làm việc. Số còn lại về các làng, bản là những hạt nhân vừa truyền đạt, vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các loại đàn trong đời sống cộng đồng các dân tộc”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên