Lao động Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc và những hệ lụy
Việt Nam có nguy cơ mất thị phần là quốc gia được giới chủ lao động Hàn Quốc ưu ái nhất, khi có tới 10.000/60.000 lao động Việt Nam tại đây bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp.
- Lao động “chui” – hậu quả khôn lường
- Viết tiếp những tiêu cực trong xuất khẩu lao động ở Nam Định
- Lộ diện đường dây lừa liên tỉnh?
Hết hợp đồng, lao động vẫn chưa chịu hồi hương
Kết thúc hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc gần 1 năm nay, nhưng con trai ông Nguyễn Đình Hinh (xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vẫn chưa chịu hồi hương để thanh lý hợp đồng. “Tháng 4/2011 cháu gọi điện về báo với gia đình là sẽ ở lại Hàn Quốc thêm một thời gian kiếm thêm chút tiền. Bẵng đi mấy tháng nay gia đình không liên lạc được với cháu, không biết cháu nó làm gì, ở đâu, thu nhập thế nào”, ông Hinh lo lắng kể.
Cùng chung tâm trạng với ông Hinh, từ ngày biết con mình cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, gia đình ông Lê Văn Đãi (xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) cũng chẳng phút nào yên. Ông Đãi chia sẻ: “Cháu ở lại cũng vì thu nhập, giúp đỡ gia đình, nhưng cư trú bất hợp pháp bên nước bạn không biết sẽ bị phát hiện lúc nào, vả lại đi làm như vậy liệu có an toàn hay không?”.
Lao động bỏ trốn, không trở về nước khi hợp đồng lao động đã hết hạn như trường hợp con ông Hinh, ông Đại đang là vấn đề làm đau đầu cơ quan quản lý cả Việt Nam và Hàn Quốc. Trong đó Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình… là những “điểm nóng” về tình trạng này.
Chỉ riêng tại Nghệ An, năm 2011 có 144 lao động hết thời hạn lao động nhưng có tới 93 lao động bỏ trốn, không trở về nước. Ông Phùng Đức Thuật – cán bộ Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội (LĐ-TB-XH) thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An cho biết: Thị xã Cửa Lò hiện có trên 40 lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, con số này có thể còn cao hơn thực tế rất nhiều, vì mỗi năm Cửa Lò có khoảng gần 200 lao động sang Hàn Quốc làm việc.
Những lao động về nước đúng hạn như Phạm Văn Hưng (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) sẽ có nhiều cơ hội trở lại Hàn Quốc làm việc |
Với mức lương hấp dẫn, cao gấp 4-5 lần mức thu nhập tại quê nhà, nên nhiều lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc đã không chịu quay trở về nước, thậm chí bỏ trốn ngay khi đặt chân xuống sân bay nước bạn. Anh Phạm Văn Hưng (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), một lao động từng làm việc tại Hàn Quốc chia sẻ: “Người lao động lo lắng sau khi về nước không biết sẽ phải làm nghề gì và liệu sẽ có được quay trở lại Hàn Quốc làm việc nữa không, nên nhiều người đã chấp nhận rủi ro bỏ trốn ra ngoài làm việc. Với tôi, nhờ biết thông tin lao động cư trú bất hợp pháp không chỉ hại mình, mà còn ảnh hưởng đến nhiều người nên tôi về nước đúng hạn vào tháng 11/2011”.
Tuy nhiên theo ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH, cũng có một bộ phận lao động do mất nhiều tiền cho đối tượng trung gian, cò mồi ở trong nước nên khi sang Hàn Quốc có tâm lý bỏ việc ra ngoài làm nhằm sớm thu lại khoản tiền đã mất trước đó.
Cần mạnh tay với lao động bỏ trốn
Nếu như trong hai tháng 8 – 9/2011, tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã giảm từ 48% xuống còn 46%, thì những tháng gần đây, tỉ lệ này lại tăng lên trên 50%. Bà Hoàng Kim Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH khẳng định: Người lao động đang tự mình đánh mất thị trường đầy tiềm năng. Để lấy lại hình ảnh của người lao động Việt Nam, “giành lại thị phần” là quốc gia được giới chủ lao động Hàn Quốc “ưu ái” số 1, thì việc giảm tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống còn 27% trong năm 2012 (bằng mức trung bình của các nước khác) là hết sức cấp bách.
Bà Ngọc khẳng định, người lao động và các gia đình phải nâng cao ý thức, bởi mỗi lao động cư trú bất hợp pháp có nghĩa sẽ có nhiều lao động không có hội được cấp phép sang Hàn Quốc làm việc.
Hiện có khoảng 60.000 lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, nhưng có tới 10.000 lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp. Thu nhập trung bình của người lao động tại Hàn Quốc trên 1.000 USD/người/tháng. Tổng số ngoại tệ người lao động gửi về nước mỗi năm lên tới gần 700 triệu USD. |
Cùng chung boăn khoăn này, ông Lê Quang Thích, Phó giám đốc sở LĐ-TBXH tỉnh Thanh Hóa đưa ra đề nghị, Bộ LĐ-TB-XH, trực tiếp là Trung tâm Lao động ngoài nước, cần sớm thông tin, báo danh sách những lao động bỏ trốn để địa phương đến từng hộ gia đình vận động con em mình về nước đúng thời hạn.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ cơ sở, ông Phùng Đức Thuật, cán bộ Phòng LĐ-TB-XH thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An cho rằng các giải pháp triển khai trong suốt thời gian qua mới chỉ tập trung ở khâu tuyên truyền. Để ngăn ngừa tình trạng lao động bỏ trốn, ông Thuật đề xuất: Một lao động xuất cảnh, gia đình phải tự nguyện viết đơn cam kết với chính quyền địa phương không cho con em họ bỏ trốn; tăng số tiền phạt và tạm giữ một khoản tiền lương của người lao động.
Bên cạnh việc xử phạt người lao động, việc gây áp lực cho những doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động cư trú bất hợp pháp cũng được nhiều người đưa ra. Ông Nguyễn Đăng Nhượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, phía doanh nghiệp Hàn Quốc cần phải nói không với việc tiếp nhận lao động đã hết hạn hợp đồng. bởi họ có tiếp nhận thì lao động mới bỏ trốn ra ngoài làm.
Ưu đãi nào cho lao động hồi hương đúng thời hạn?
Mạnh tay với lao động bỏ trốn là biện pháp cần thiết. Tuy nhiên về lâu về dài, cần có những chính sách ưu đãi đối với lao động về nước đúng thời hạn. Anh Trần Đình Hữu (lao động ở Thanh Chương, Nghệ An) mong muốn: “Khi trở về nước, người lao động tiếp tục phải trải qua kỳ thi tiếng Hàn, có khi mất cả năm trời mới có thể quay trở lại Hàn Quốc. Nếu quy trình này rút ngắn lại, người lao động sẽ không lo ngại khi hồi hương nữa”.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Công Thành, Trưởng phòng Lao động huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho rằng, đối với lao động về nước đúng hạn, cần tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm tại chỗ, hoặc sớm cấp phép cho họ quay trở lại Hàn Quốc nếu có nguyện vọng.
Theo ông Jung –Jin-Yuong, Trưởng đại diện Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HDR) tại Việt Nam, để tránh tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp, từ tháng 12/2011, phía Hàn Quốc đã tổ chức kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính cho những lao động về nước đúng thời hạn. Kể từ tháng 7/2012, những lao động về nước đúng hạn, sau 3 tháng có thể quay trở lại Hàn Quốc thay vì 6 tháng như trước kia.
Cũng từ tháng 7/2012, lao động nào làm việc trung thành suốt 5 năm tại một doanh nghiệp Hàn Quốc, sau 3 tháng hồi hương có thể quay trở lại chính doanh nghiệp mình đã làm trước đó, mà không cần phải trải qua kỳ thi tiếng Hàn hay giáo dục định hướng.
Tuy nhiên, ông Jung –Jin-Yuong cũng khẳng định, nếu những chính sách ưu đãi này vẫn không phát huy hiệu quả, thì phía Hàn Quốc buộc phải điều chỉnh lại hạn ngạch, chỉ tiêu tuyển lao động là người Việt Nam./.