Một ngày ở “làng Holywood”

(VOV) -“Làng Holywood” – cái tên gọi ám chỉ làng Tây Mỗ - nơi hàng chục năm qua đã là bối cảnh cho hàng loạt phim về đề tài nông thôn.

Những dấu vết thời gian…

Biết chúng tôi tìm đường vào làng Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội) một cụ già đầu vấn khăn xếp đang xách làn đi chợ bảo: “Các cô chú tìm đường vào làng Holywood chứ gì, cứ theo con đường lát gạch kia đi thẳng là đến cuối làng. Từ sáng đến giờ, có mấy xe của đoàn làm phim đã vào rồi đấy”. Cụ già tốt bụng còn quay lại nhìn, ra dấu hiệu và đợi chúng tôi đi khuất sau mấy bức tường gạch loang lổ mới bước tiếp.

Vừa vào cổng làng, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước khung cảnh làng quê bình dị và yên ả đến khó tin ở một vùng quê cách nội thành Hà Nội không xa. Tưởng như tiếng xe máy của chúng tôi lúc này cũng trở nên lạc lõng giữa không gian làng quê yên bình. Chiếc cổng làng (còn gọi là cổng Phượng) có hai hàng chữ Nho lớn ở hai bên. Theo các cụ cao niên trong làng, nó đã có niên đại hàng trăm năm tuổi.

Chiếc cổng nhà có niên đại hàng trăm năm này là bối cảnh cho nhiều bộ phim. ảnh: T.N

Ngay giữa làng là ngôi đình lớn với chiếc sân rộng lát bằng gạch đỏ. Cây bàng già xù xì xòe tán rộng cả một khoảnh sân. Những chiếc lá bàng đỏ như càng tôn thêm nét cổ kính, trầm mặc cho không gian nơi đây. Tây Mỗ được nhiều đoàn làm phim tìm đến vì nơi đây vẫn giữ được những nét đặc trưng của làng cổ vùng đồng bằng Bắc bộ với hàng chục ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm và nhiều đình, chùa,  với các hoành phi, câu đối được chạm trổ rất công phu …

Vòng qua chiếc ao bèo nhỏ và hàng ô rô được tỉa tót gọn gàng, chúng tôi tới nhà bà Hoàng Thị Yên, người vẫn được các đoàn làm phim yêu mến gọi là “chị nuôi” của đoàn. Không gian phảng phất mùi hương bưởi và lảnh lót tiếng hót của mấy con chim sẻ thỉnh thoảng lại sà xuống mái ngói đã ngả màu. Ngôi nhà vắng lặng khiến chúng tôi e dè khi bước vào.

Trên chiếc sập gỗ giữa nhà là một người đàn ông đã luống tuổi nhưng dáng vẻ nghệ sĩ và ăn mặc rất bảnh bao đang chăm chú ngồi xem ti vi. Thấy chúng tôi, ông mời vào nhà rồi bảo: “Chị Yên đang bận ở sau vườn, các cô các cậu cứ vào đây. Tôi cũng chỉ là khách ở đây thôi”. “A, thế ra chú là diễn viên à?” - Tôi hỏi ông. Người đàn ông gật đầu cười bảo: “Phải rồi, khách nhà chị Yên chủ yếu là cánh nghệ sĩ chúng tôi thôi!”

Nói rồi ông lặng lẽ rót nước, pha trà mời chúng tôi. Có cảm giác như mọi thứ trong ngôi nhà này đều đã rất thân thuộc với người đàn ông này. Ông là nghệ sĩ Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1962, diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội. Ông bảo, sáng nay ông cùng đoàn làm phim về đây để thực hiện cảnh quay cho bộ phim truyền hình dài tập “Chuyện kể lúc 0 giờ” của đạo diễn Khải Hưng. “Anh Hưng và mọi người vừa ra sau vườn quay. Chưa đến cảnh của tôi nên tôi ngồi đây đợi, chắc cũng phải tới chiều”, ông phân trần.

“Lần nào về đây, anh em chúng tôi cũng bảo nhau: Về đến nhà rồi!”, ông hồ hởi kể. Lần đầu tiên nghệ sĩ Nguyễn Thanh Tùng về đây là từ những năm 1990. Gần 20 năm đã trôi qua nhưng với ông, ngôi nhà ấy vẫn không hề thay đổi. Từ chiếc cổng loang lổ màu thời gian, chiếc giếng khơi trong vắt với chiếc gàu múc nước bằng gáo dừa, tới những ấm tích cổ để pha trà… Tất cả nhuốm một màu cổ kính và gợi lại trong ông một cảm giác ấm áp, thân thương đến nao lòng.

“Người làng tôi ai cũng háo hức được lên ti vi!”

Một lát sau, bà Yên và đạo diễn Khải Hưng từ sau vườn bước vào nhà. Bà Yên có thân hình nhỏ bé, dáng đi hơi nghiêng sang một bên nhưng gương mặt thuần hậu, chất phác. Tiếp xúc với bà, tôi mới hiểu vì sao người phụ nữ này lại được các đoàn làm phim yêu mến đến vậy. Bà nói rất ít về mình. Bà kể, bà bị tật từ ngày nhỏ do một lần bị trúng gió nên lúc nào đi cũng tập tễnh như vậy.

Bà thật thà bảo, bà biết mình xấu lắm nên rất ngại mỗi khi có phóng viên đến phỏng vấn, ghi hình. Với lại, bà chỉ nghĩ, mình làm thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho các anh em nghệ sĩ đến đây là thấy vui rồi. Bà chuẩn bị chu đáo từ miếng ăn, giấc ngủ, chén trà ấm đến chiếc khăn rửa mặt để các anh chị trong đoàn làm phim bớt vất vả. “Lần đầu được chị Yên nấu cho ăn, tôi đã bảo với mọi người trong đoàn: Từ bé đến giờ tôi mới được ăn bữa cơm ngon đến vậy!”, đạo diễn Khải Hưng lúc này mới cất tiếng.

Có những hôm có tới 4, 5 đoàn làm phim về Tây Mỗ quay, nhưng đoàn nào cũng nhất định muốn ăn cơm của “chị Yên” nấu, dù muộn đến mấy cũng đợi. Vậy là bà Yên lại tất bật đi chợ, nấu cơm cho cả vài trăm người ăn. “Ăn cơm chị Yên không bao giờ phải đặt trước và ăn gì là do chị ấy chọn. Chỉ là những món ăn quê như cá kho, canh cua, nem rán nhưng sao mà ngon đến thế”, đạo diễn Khải Hưng tâm sự.

Hàng chục năm qua, Tây Mỗ là bối cảnh cho hàng loạt phim về đề tài nông thôn như: “Khi đàn chim trở về”, “Bác cả - người sung sướng”, “Đất và người”, “Vị tướng tình báo và hai bà vợ”, “Làng ven đô”… Nhiều tiểu phẩm của chương trình “Gặp nhau cuối tuần”, “Tôi yêu Việt Nam”, “Vui khỏe có ích”… cũng đều lấy bối cảnh ở Tây Mỗ và từ đường Nghiêm Xuân.
Mỗi khi đoàn làm phim cần, bà Yên cũng lại là người đi tìm trong làng các diễn viên quần chúng. “Người làng tôi, từ trẻ đến già đều đã có rất nhiều người tham gia đóng vai quần chúng trong các phim. Mỗi lần như thế, ai cũng háo hức đợi đến lúc xem người làng mình lên ti vi trông như thế nào”, bà Yên vui vẻ kể.

Khi câu chuyện đã vãn, bà Yên đưa chúng tôi đi thăm từ đường của dòng họ Nghiêm Xuân. Chồng bà là con trai cả của dòng họ nhưng đã mất gần 20 năm nên bà là người trông nom, thờ cúng từ đường bấy lâu nay. Ngôi từ đường cổ có niên đại vài trăm năm này được các đạo diễn rất “tâm đắc” khi thực hiện các cảnh quay về nông thôn xưa của Việt Nam.

Bà Yên bảo, sau này bà mất đi rồi cũng sẽ di chúc lại cho con cháu rằng từ đường và ngôi nhà hỏng đâu thì sửa đấy chứ nhất định không được phá đi xây lại. Bởi đó chính là hồn cốt, là những gì thiêng liêng, cao quý nhất mà các thế hệ ông cha đi trước đã để lại.

Chúng tôi ra về khi chiều đã xế bóng. Ánh nắng cuối cùng của buổi chiều đông hắt lên chiếc cổng làng phủ màu rêu phong càng tôn nên nét trầm mặc, cổ kính nơi đây. Rời con đường làng, chúng tôi ùa vào dòng người xe đông đúc mà lòng vẫn nuối tiếc cảm giác yên bình, ấm áp giữa ngày đông ở ngôi làng cổ ngay giữa lòng Thủ đô./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên