Phần 1:

Nơi tận cùng nỗi đau

Đến tầng 7, Bệnh viện Nhi Trung ương, khó ai có thể cầm lòng được khi chứng kiến nỗi đau tột cùng của những ông bố, bà mẹ đang ngày đêm cùng các bác sĩ giành giật sự sống cho những đứa con của mình- dù chỉ là chút hy vọng mong manh.

Bệnh nhi ở Khoa Ung Bướu, bệnh viện Nhi Trung ương đủ mọi lứa tuổi, từ vài tuần đến các cháu 14-15 tuổi, thậm chí có cả 17-18 tuổi. Hầu như lúc nào, các phòng bệnh cũng đông chật bệnh nhi, nhiều giường phải nằm ghép 2-3 cháu. Đối với bệnh nhi bị bệnh bình thường đã là điều khó khăn, nhưng đối với bệnh nhi ung thư thì khó khăn gấp bội. Trên người các cháu lúc nào cũng loằng ngoằng dây dợ truyền, cơn đau lại thường xuyên hành hạ. Khổ nhất là những cháu mới mổ, nằm co người cũng khó, nằm thẳng lại không có chỗ. Vậy mà các cháu vẫn thường xuyên chịu đựng như vậy.

Chúng tôi đến khoa Ung Bướu đúng lúc bố con anh Nguyễn Sỹ Tú, 49 tuổi, ở xã Tam Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đang thu xếp quần áo về quê. Con anh-cháu Nguyễn Tùng Lâm (6 tuổi) bị u ruột. Sau đợt truyền hóa chất lần thứ 4 này, bác sĩ cho cháu về nghỉ 10 ngày, chuẩn bị cho đợt truyền mới. Trước khi về quê khoảng 1 giờ đồng hồ, cháu Lâm còn phải truyền thêm tủy sống. Dù vừa bị tiêm khá đau, nhưng Lâm luôn cười thật tươi mỗi khi nhắc tới việc sắp được về nhà. Nhìn con cười, thỉnh thoảng anh Tú lại quay đi, đưa tay lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt sưng húp vì khóc nhiều.

Anh Tú kể, phải sau 5 tháng gần như “bám trụ” ở Khoa Ung Bướu, anh mới dần tin là con mình bị ung thư. Vì trước đó, Lâm là một đứa trẻ rất hiếu động và khỏe mạnh. Chỉ sau ngày khai giảng năm học mới mấy hôm, Lâm hay kêu đau bụng. Nghĩ con đau bình thường, gia đình anh Tú cho con đi khám ở khắp các cơ sở y tế ở tỉnh Thái Bình nhưng không nơi nào chẩn đoán được Lâm bị bệnh gì.

Dù mang trọng bệnh, nhưng bé Lâm rất hay cười

Ra khám ở bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán Lâm bị lồng ruột. Sau khi tháo lồng ruột, bệnh tình của Lâm không đỡ lại có phần nặng lên. Bệnh viện quyết định mổ cấp cứu. Mổ xong, Lâm được xác định là ung thư ruột non. Anh Tú suy sụp hoàn toàn vì nỗi đau này gia đình anh không bao giờ nghĩ đến.

Mọi vốn liếng dành dụm được từ đồng lương giáo viên ít ỏi của người vợ và tiền nghỉ chế độ của chồng đều dồn hết vào việc chạy chữa cho con. Để tiếp tục có tiền cho Lâm nằm viện lâu dài, vợ anh phải ở nhà dạy học, chăm sóc đứa con gái lớn, còn anh đem bé Lâm ra Hà Nội để chạy chữa.

Lâm đã qua 4 lần hóa trị. Bác sĩ cho biết, còn 2 đợt nữa thì sức khỏe của cháu mới dần ổn định. “Các bác sĩ cũng đã thông báo để tôi xác định tinh thần chuẩn bị điều không may có thể xảy ra trong những lần hóa trị, nhất là 2 lần đầu. Những lần ấy, mặc dù hóa trị chỉ 4-5 ngày nhưng lại phải điều trị cả tháng trời vì sức đề kháng của trẻ con yếu. Có lần 15 ngày liền cháu không ăn uống được, đau đớn, vật vã, tôi đã muốn buông xuôi…”- Anh Tú tâm sự.

Bé Lâm đã hết tuổi được hưởng chế độ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, nên mọi chi phí gia đình đều phải lo. Anh Tú kể, sau 4 lần hóa trị, số tiền dành dụm và vay mượn được cũng đã cạn. Nhưng bằng bất cứ giá nào, anh cũng phải cứu con, dù phải bán hết nhà cửa.

Cùng nỗi đau với anh Tú là ông Nghiêm Đình Tác (60 tuổi) ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Bé Nghiêm Thị Lương- con gái ông bị bệnh ung thư máu. Dù đã hơn 6 tuổi, nhưng Lương nhỏ bé chẳng khác gì một đứa trẻ lên 4. Đôi mắt bé lúc nào cũng buồn rười rượi. Nhìn cảnh người cha già chăm đứa con thơ bị bệnh hiểm nghèo, ai cũng thấy xót xa. Ông Tác là thương binh hạng 3/4, trông già nua, khổ sở hơn nhiều so với tuổi của mình.

 

Mẹ bỏ đi từ nhỏ, giờ Lương lại mắc bệnh ung thư

Chuyện đời của người đàn ông này cũng lắm truân chuyên. Cả tuổi xuân cống hiến cho cuộc chiến tranh chống Mỹ, khi giải ngũ, mang trên mình nhiều thương tật với 53% sức khỏe mất vĩnh viễn. Ông lấy vợ, sinh con. Những tưởng cuộc sống cứ thế trôi đi nhưng vợ ông qua đời sớm, để lại 3 đứa con thơ dại. Ông một mình “gà trống nuôi con”. Khi dựng vợ, gả chồng cho các con xong, ông mới dám tái giá và sinh ra bé Lương. Số phận vẫn không thôi trêu đùa người đàn ông khốn khổ, người vợ mới đột ngột bỏ bố con ông trốn biệt. Bé Lương khi ấy mới chưa đầy 2 tuổi. Lại một lần nữa, ông lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”.

Khi bé Lương bước chân vào lớp 1, ông Tác tạm nguôi ngoai nỗi buồn, dồn sức lo cho con được học hành để bằng chúng bạn. Nhưng bất hạnh dường như luôn rình rập người đàn ông đang ngày càng sức mòn lực kiệt vì tuổi già và vết thương chiến tranh hành hạ cơ thể. Sau một lần phải phẫu thuật vì đau ruột thừa, các bác sĩ  đã phát hiện ra Lương bị bệnh bạch cầu. “Lương thương binh của tôi một tháng cũng chỉ được 1,1 triệu đồng. Con bé không ốm đau, hai bố con cũng đủ chật vật. Giờ con bị bệnh hiểm nghèo, không biết tôi xoay sở thế nào”- Đưa tay xoa đầu con, nhưng nước mắt ông chỉ chực trào ra.

 

Bà Nương: “Biết cháu mình sắp chết mà không thể nào cứu được”

Căn bệnh quái ác không loại trừ ai, kể cả những cháu bé mới 2-3 tuổi, thậm chí mới được vài tuần tuổi. Các cháu bé như vậy đều rất yếu sau mỗi lần “vào thuốc”. Bà Trịnh Thị Nương (thôn Phú Lão, xã Đào Viên, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), bà nội của cháu Nguyễn Thị Hạnh- một bệnh nhi ung thư gan kể, bé Hạnh năm nay chưa đầy 3 tuổi nhưng đã hơn nửa năm phải làm bạn với giường bệnh ở Khoa Ung Bướu. Khi hơn 2 tuổi, gia đình thấy Hạnh bụng ngày một to ra, nghĩ là trẻ con đứa nào cũng vậy. Nhưng một ngày bụng Hạnh to quá cỡ, mặt phù thũng chảy xệ và nôn ra máu thì gia đình mới tá hỏa đưa con đi khám. Các bệnh viện tuyến dưới đều lắc đầu. Gia đình đưa Hạnh lên khám ở bệnh viện Nhi Trung ương thì mới biết cháu bị bạch cầu.

Để đem con lên bệnh viện Nhi chữa trị, gia đình bà Nương đã phải bán tất cả đồ đạc, lợn gà trong nhà và cầm cố luôn cả sổ đỏ căn nhà đang ở. Sau 5 lần truyền hóa chất, Hạnh chỉ còn da bọc xương, nặng chưa đầy 7kg.  Có ngày Hạnh phải cắm ống truyền và tiêm đến 10 chỗ khác nhau trên cơ thể. Trên người bé chằng chịt các mũi tiêm và ven bị vỡ. Có lẽ do ảnh hưởng của nhiều loại thuốc hóa trị, bé Hạnh bị liệt hẳn hai chân. Vén quần của bé, chỉ cho chúng tôi xem đôi chân bị teo chỉ còn trơ lại hai ống xương, bà Nương sụt sùi: “Các bác sĩ bảo cháu đã di căn giai đoạn cuối, vô phương cứu chữa. Tôi đã đem cháu về để mong đứa em mới sinh được gặp mặt chị. Về đến nhà, không ai đành lòng nhìn cháu cứ vật vã, đau đớn, tôi lại đem cháu lên Viện. Thôi thì còn nước còn tát. Biết cháu mình sắp chết mà không thể nào cứu được”.

Những “chú lính chì” dũng cảm

Dường như những em bé điều trị ở Khoa Ung Bướu không chỉ giống nhau ở cái đầu trọc lốc, lưa thưa vài sợi tóc, da trắng bệch hoặc xám ngoét do hậu quả của những lần trị xạ, mà các em còn có chung lòng dũng cảm, đến ngay cả người lớn cũng thầm cảm phục.

Anh Tú kể, ngay từ khi con bị bệnh, anh đã cho Lâm biết về căn bệnh của mình cũng là để hai bố con cùng lên giây cót tinh thần. Mới đầu, Lâm hốt hoảng vì biết mình sẽ phải nghỉ học, phải nằm viện lâu dài. Nhưng khi đã xác định được bệnh tình nguy hiểm, Lâm dũng cảm đối mặt với nó. “Khi mới biết mình bị ung thư, Lâm chán nản và không muốn lên Viện điều trị nữa, nó hay bỏ ăn uống. Những ngày đầu, trong phòng có một vài cháu mất làm Lâm hoảng sợ, nhất định đòi về... Nhưng giờ đây cháu đã nghe ra, mỗi lần về quê để nghỉ chuẩn bị cho đợt truyền tiếp theo, Lâm không bao giờ quên ngày phải trở lại Viện. Mặc dù đau đớn, nhưng Lâm ít khi kêu khóc, chỉ nhờ bố xoa bóp chân tay. Bây giờ Lâm cũng chịu khó ăn uống hơn vì cu cậu luôn mong nhanh khỏe được về đi học”- Anh Tú tâm sự.

Lâm luôn nở nụ cười thật tươi kể về ngày khai giảng

Khi chúng tôi hỏi chuyện, bé  Lâm luôn nở nụ cười thật tươi kể về ngày khai giảng, về niềm vui vì tin rằng sắp được cắp sách đến trường. Lâm còn ước mơ sau này lớn sẽ làm thầy giáo, vì theo cháu lý giải “thầy giáo cái gì cũng biết, lại còn được nhiều người yêu quý nữa”. Nhìn Lâm cười, chúng tôi chỉ biết cầu mong cho nụ cười hồn nhiên sẽ luôn ở trên môi, giúp bé chiến thắng được bệnh tật và thực hiện được ước mơ của mình.

 

Dù đau đến tái mét mặt mày, Nguyên không bao giờ khóc

Lớn hơn bé Lâm một chút, cháu Nguyễn Hữu Nguyên, 10 tuổi (xã Hoàng Vinh, Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa)- bệnh nhi ung thư xương lại tỏ ra như một người lớn thực thụ. Nguyên mới nhập viện được 2 tuần nhưng lại tỏ ra khá bình tĩnh khi đón nhận căn bệnh của mình. Dù khá mệt mỏi vì đang truyền hóa chất, nhưng Vinh luôn cố giơ tay lên ra hiệu cho mẹ mỗi khi thấy chị Hiền xúc động rơm rớm nước mắt. Chị Hiền nói, hai mẹ con đã quy định với nhau là không ai được khóc. Vì thế, dù đau đến tái mét mặt mày, Nguyên cũng không bao giờ khóc. “Chúng tôi những tưởng cuộc sống cứ thế trôi đi, vợ chồng chăm chỉ làm lụng nuôi hai con khôn lớn. Tai họa bất ngờ quá. Nghe con kêu mỏi chân, tôi đưa đi khám, ai ngờ nó bị ung thư xương. Khi nghe tin dữ, tôi chết đi sống lại. Nhưng chính Nguyên là người động viên tôi, tiếp thêm cho tôi nghị lực. Nguyên bảo, dù bệnh hiểm nghèo, đau đớn mấy con cũng gắng chịu”. Chị Hiền khoe, năm nào Nguyên cũng là học sinh giỏi và cũng luôn mong ước mình sau này sẽ trở thành thầy giáo. Niềm tin đã cho Nguyên sức chịu đựng mãnh liệt để chống chọi với bệnh tật.

Chi Linh mong được tiếp tục đi học

 Cô bé Phạm Thị Chi Linh, 12 tuổi (xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, Hải Dương) có thâm niên nằm viện khá lâu. Linh bị u ác ở bắp chân và bị hoại tử chân phải, bác sĩ đã phải cắt bỏ 2/3 chân để cứu mạng sống cho cháu. Linh cũng đã truyền hóa chất được 6 đợt. Giờ đây, sức khỏe của Linh khá yếu, cứ mỗi lẫn truyền thuốc vào người là em lại đi tiểu ra máu. Nhưng Linh vẫn luôn hy vọng mình sẽ khỏi bệnh và lại được đến trường. “Cháu chỉ mong mình khỏi bệnh và tiếp tục được đi học. Cháu có nhiều ước mơ lắm, nhưng nhà cháu nghèo lắm, bệnh cháu lại rất nặng…”- Linh bỏ dở câu nói và ngập ngừng đưa gửi chúng tôi lá đơn em viết rằng, dù bệnh nặng, phải cắt bỏ 2/3 chân phải, nhưng Linh vẫn khát khao được chữa bệnh và học tập. Ngặt một nỗi nhà cháu nghèo quá, mẹ phải cầm cố căn nhà và vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho con. Giờ đây, không còn có chỗ nào để có thể mượn thêm được nữa, trong khi bệnh của Linh phải điều trị lâu dài. Cháu cũng không còn ở trong độ tuổi khám chữa bệnh miễn phí, nên phải trả tiền các loại hóa chất qua các lần truyền lên đến hàng chục triệu đồng. Linh mong những tấm lòng hảo tâm hãy giúp đỡ cháu được sống và tiếp tục đến trường.

Nhìn nét chữ ngay ngắn, đẹp như in của Linh trên trang giấy học trò, tôi biết trong cơn bạo bệnh, cháu đã rất khó nhọc để viết ra những lời khẩn cầu này. Hy vọng, có thật nhiều những tấm lòng hảo tâm đến với Linh, để cháu tiếp tục thực hiện ước mơ được sống và đến trường của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên