“Ông S.O.S”

Ông là Nguyễn Ngọc Tuy, 58 tuổi, sống gần ga Phạm Xá, huyện Kim Thành, người tự nguyện cấp cứu các nạn nhân tai nạn giao thông.

Nhiều năm nay, người dân sống gần quốc lộ 5, thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, đã quen với hình ảnh một người đàn ông luôn có mặt tại nơi xảy ra tai nạn để cứu người gặp nạn, đưa họ đến bệnh viện và bảo vệ tài sản cho họ.

Người đuổi… “thần chết”

Khi thấy chúng tôi hỏi đường về nhà ông Nguyễn Ngọc Tuy, một anh xe ôm nhanh nhảu xin tình nguyện dẫn đường: “Các anh cứ đi theo tôi. Nhà ông Tuy ở ngay ga Phạm Xá thôi. Mà tôi thấy phục ông ấy thật đấy. Chẳng hiểu vì điều gì mà mấy chục năm nay, ông ấy lại làm công việc cấp cứu người bị nạn mà không cần công sá gì. Nhờ ông ấy mà khối người thoát chết đấy. Chẳng thế mà có rất nhiều người gọi ông ấy bằng cái tên… “Ông S.O.S ”.

Ngôi nhà của ông Tuy nằm ngay bên quốc lộ 5. Gian phòng khách chỉ đủ kê một chiếc tủ thờ và chiếc bàn uống nước. Khi chúng tôi đến, ông Tuy và vợ đang quây quần bên hai đứa cháu nhỏ. Mái tóc của người đàn ông gần 60 tuổi này đã bạc gần hết, nhưng đôi mắt rất sáng và tinh nhanh.

Năm 1984, vợ chồng ông chuyển từ trong làng ra sống cạnh quốc lộ 5, mở quán bán nước kiếm đồng ra đồng vào. Kilomet số 67 -  nơi ông sinh sống - được coi là “điểm đen” tai nạn giao thông trên quốc lộ 5. Một lần, khi ông đang ngồi trước cửa quán bán nước thì xảy ra một vụ tai nạn giao thông. Sau khi gây tai nạn, lái xe tải chở cát phóng chạy mất. Người bị nạn do bị va đập mạnh vào dải phân cách đã ngất xỉu. Điều ông Tuy thấy bức xúc nhất là thay vì việc chạy đến cứu người bị nạn thì có một số kẻ cơ hội đã tìm cách lấy của cải, đồ đạc của người bị nạn. Rồi những cảnh như trên vẫn xảy ra nhiều lần. Hàng ngày, chứng kiến những cảnh tượng đau lòng như thế, ông thấy lòng mình đau xót và bất an. Từ những day dứt, lo lắng cho người bị nạn, ông đã quyết định giúp đỡ những người gặp tai nạn trên đường và bảo vệ tài sản cho họ.

Cứu người bị nạn.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tuy vui vẻ nói: “Các chú biết không, lúc đầu có  người cho tôi là “kẻ rỗi hơi”, toàn đi làm việc “không công”. Nhưng tôi lại nghĩ khác, thấy người lâm nạn mà không cứu thì không phải với lương tâm. Mình cần để phúc đức cho con cháu sau này chứ”.

Vợ ông Tuy, bà Bùi Thị Mát, lúc đầu thấy chồng mình làm chuyện “lạ lùng” này thì cũng có ý ngăn cản. Nhưng sau khi được ông thuyết phục, giãi bày tấm lòng thì bà không những động viên chồng mà còn là “đồng nghiệp” cùng ông tham gia cấp cứu nhiều ca tai nạn, dù là lúc nửa đêm. Thời đó, bà đã đem bán hơn 2 tạ thóc lấy tiền mua sắm các “dụng cụ” cho ông như đèn pin, kim tiêm, băng gạc…

Từ đó, ông Tuy cứ âm thầm cứu người bị nạn mà không cần công sá hay ai trả ơn. Nhưng có một số người ác khẩu thì tiếng to tiếng nhỏ, bàn ra tán vào rằng: “Cái nhà ông này đang làm việc kiểu “thả con săn sắt để bắt con cá rô”, cứu giúp người để người ta mang ơn rồi trả ơn bằng một cục tiền”. Nhưng ông Tuy không để bụng những lời ác khẩu đó. Cô con gái của ông ở bên Nga cũng hiểu được việc làm nhân nghĩa, không vụ lợi của cha nên đã gửi về cho ông một ít tiền để lắp điện thoại. Cũng từ đó, số điện thoại nhà ông được rất nhiều người nhớ và gọi tới mỗi khi có vụ tai nạn ở đâu đó.

Lúc nào bận việc thì thôi, cứ rảnh rỗi là ông lại băng từ đường bộ sang đường sắt xem có tai nạn không. Trước cửa nhà ông gắn tấm biển đỏ “Chốt sơ cấp cứu Hội Chữ thập Đỏ”. Đến năm 1999, ông Tuy được Hội Chữ thập Đỏ huyện Kim Thành và tỉnh Hải Dương đến đặt điểm sơ cấp cứu người bị nạn. Rồi ông Tuy được cử đi tập huấn các lớp sơ cấp cứu. Ông cũng là người đề xuất với chính quyền địa phương cho thành lập “Đội Thanh niên tự quản” để bảo vệ tài sản cho người dân.

Hết lòng vì người gặp nạn

Suốt hơn 20 năm làm việc cứu người, ông Tuy chưa bao giờ đòi hỏi hay muốn người khác phải trả công mình. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng tình nguyện, mong muốn giúp đỡ những người không may lâm vào cảnh tai nạn, rủi ro trên đường.

Đến năm 2006, Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Hải Dương có dự án nâng cao năng lực sơ cấp cứu tại quốc lộ 5. Lần đó, ông Tuy được Hội Chữ thập Đỏ phát cho một túi bông băng và một chiếc tủ để đựng các dụng cụ cấp cứu khác. Vậy là, mỗi khi đi ra khỏi nhà, ông lại đem theo bên người chiếc túi đó. Thành ra chiếc túi trở thành vật “bất li thân” của ông. Các tổ chức đoàn thể quan tâm hỗ trợ về tiền bạc thì ít, chủ yếu vẫn là động viên tinh thần. Ông Tuy phải tự bỏ tiền túi ra mua các đồ dùng cần thiết như bông, băng, gạc… Những thanh gạc nẹp chân tay có được cũng là nhờ những lần ông đến các xưởng mộc xin về.

Sau mỗi lần cấp cứu người bị nạn, ông Tuy lại ghi chép vào một quyển sổ theo dõi. Danh sách những người bị nạn giờ đã sang quyển sổ thứ 3. Riêng trong năm 2008, số ca ông đã cấp cứu được là 35, nhưng trong đó có 4 người do bị thương quá nặng đã không qua khỏi được. Từ đầu năm 2009 đến nay, ông Tuy đã cấp cứu cho 6 ca tai nạn. Nhiều người được ông đưa về nhà chăm sóc thuốc thang đến khi khoẻ lại. Ông còn thường xuyên được mời đi Hà Nội để báo cáo về tình hình giao thông.

Trong quãng thời gian làm việc thiện cứu người, có rất nhiều kỷ niệm đọng lại trong ông. Nhưng ông nhớ nhất vẫn là trường hợp của anh Đào Hồng Phúc, ở thành phố Hải Dương. Năm 2002, anh Phúc bị tai nạn và hôn mê tại chỗ, đứt 2/3 lưỡi và bị giập xương bánh chè. Ông Tuy không những đã cứu anh Phúc thoát khỏi “tử thần” mà còn cất giữ cho anh hơn 800USD và một số tài sản giá trị khác. Đến năm 2004, anh Phúc đã tìm đến nhà và cảm động đến rơi nước mắt khi gặp ông. Anh còn tỏ ý muốn tặng ông một số tiền để trả ơn nhưng ông Tuy đã từ chối.

“Điều làm tôi day dứt nhất là chứng kiến người bị thương nặng mà mình không cứu giúp được khiến cảnh vợ mất chồng, cha mất con”, ông Tuy tâm sự. Nhiều lúc, dù đã cố hết sức để cứu người nhưng ông cũng đành ngậm ngùi vì “lực bất tòng tâm”.

Cũng vì không muốn có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra nên ông Tuy đã làm thêm một việc nữa là dẫn trẻ qua đường. Ga Phạm Xá gần trường học, cảnh học sinh nhốn nháo khi qua đường mỗi khi tan trường rất dễ xảy ra tai nạn. Vì thế, ông đã tự nguyện làm chiếc “barie” để dẫn trẻ qua đường. Nhiều năm nay, người dân sống ở gần ga Phạm Xá đã quá quen với hình ảnh ông Tuy dang rộng hai tay để đưa học sinh qua Đường 5.

Năm 2006, ông Nguyễn Ngọc Tuy còn mở một xưởng dạy nghề và tạo việc làm cho trẻ khuyết tật, trong đó có 16 em bị khuyết tật như câm, điếc, dị tật về chân tay. Em Vũ Thị Xuân, bị liệt 2 chân, tâm sự: “Chúng em biết ơn bác Tuy lắm. Nhờ có bác mà chúng em đã vượt lên mặc cảm của số phận để làm việc có ích cho gia đình và xã hội. Chúng em coi bác như người cha thứ hai của mình”.

Không những thế, ở địa phương, ông Tuy là một công an viên xuất sắc luôn làm tròn công việc của mình. Ông đã 5 năm liền được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua.  Năm 2006, ông Nguyễn Ngọc Tuy được nhận giải thưởng KOVA - giải thưởng “Những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội”, do nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao tặng.

Chia tay ông, chúng tôi trở về trong dòng người xuôi ngược trên quốc lộ 5 mà lòng thầm cảm phục trái tim nhân hậu của ông - một người luôn vì hạnh phúc và sự an toàn của người khác để những cung đường bớt đi “bóng ma tử thần”./.

Số điện thoại nhà ông được rất nhiều người nhớ và gọi tới mỗi khi có vụ tai nạn ở đâu đó. Sau mỗi lần cứu người bị nạn, ông Tuy lại ghi chép vào một quyển sổ theo dõi. Danh sách những người bị nạn giờ đã sang quyển sổ thứ 3./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên