Phá rừng phòng hộ tại Gia Lai: Lâm tặc thản nhiên xẻ gỗ trên đường

Tình trạng phá rừng phòng hộ Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai diễn ra trước Tết Nhâm Thìn khiến hàng chục ha rừng đã bị xóa sổ.

>> Ông Lê Viết Phẩm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đăk Đoa cho rằng, việc phá rừng nghiêm trọng trong thời gian qua là do các ngành, cấp thiếu trách nhiệm, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện không đến nơi đến chốn

Con đường từ cuối xã Đăk Smei vào xã Hà Đông thuộc huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai dài gần 26 km, được bao phủ bởi những cánh rừng phòng hộ. Ven đường lộ ra những mảng rừng bị phá nham nhở. Lâm tặc đốn hạ từng cây to, nhỏ để ngay ven đường, thản nhiên cưa xẻ.

Dọc con đường độc đạo từ xã Đăk Sơmei vào xã Hà Đông, hàng trăm đường luồng, lối mòn cũ, mới được mở để lâm tặc vận chuyện lâm sản.

Những cánh rừng bị tàn phá tại các Tiểu khu 410, 412, 415, 416…. Mảng rừng bị phá nhỏ nhất khoảng vài nghìn m2, lớn thì chừng vài ha, trong số đó, có nhiều nơi vừa bị chặt phá, lá cây vẫn còn xanh tươi. Những khoảnh rừng bị tàn phá nặng nề nhất là nằm trên đoạn đường dài chừng 10 km từ ngã ba Hà Đông đến gần trung tâm xã.

Một khoảnh rừng nguyên sinh vừa bị tàn phá

Ông Chiên - Chủ tịch UBND xã Hà Đông thừa nhận, việc bà con tại làng Kon Ma Har tham gia phá rừng chiếm đất làm nương rẫy là có thật. Theo ông Chiên, dù đã tuyên truyền, đặt hương ước với từng làng nhưng do ý thức người dân kém nên việc phá rừng vẫn tồn tại.

Tình trạng phá rừng phòng hộ ở Đăk Đoa là vậy, nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không hề có biện pháp kiểm tra, tổ chức ngăn chặn kịp thời.

Về vấn đề này, ông Hoàng Thi Thơ - Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa biện minh rằng, lực lượng của ban quản lý chỉ có 7 người mà bảo vệ hơn 18.000ha. “Khi chúng tôi vào kiểm tra thì bắt được một số đối tượng, còn một số thấy cán bộ bảo vệ rừng thì chạy trốn vào rừng. Khi mình đi điểm khác thì họ lại tiếp tục ra để phá rừng”.

Một lối mòn trong rừng

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Đoa, chỉ tính trong thời gian hơn 1 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, trên địa bàn huyện đã xảy ra 8 vụ phá rừng với diện tích 13,6ha.

Ông Nguyễn Trọng Khẩn, Phó hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Đăk Đoa cho biết hiện đang tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để vào điều tra, xác minh làm rõ khu vực nào là rừng, khu vực nào là đất tái sinh để xử lý theo pháp luật.

Chỉ từ đầu mùa khô đến nay đã có hàng chục ha rừng phòng hộ ở Đăk Đoa bị tàn phá, nhưng chưa một ai bị quy trách nhiệm, chưa một đối tượng nào bị bắt, bị xử lý theo pháp luật. Tình trạng này cứ tiếp diễn thì vùng rừng phòng hộ này sẽ sớm bị xoá sổ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên