Phú Mưa cần lắm một cây cầu

Mỗi khi mùa mưa về, thôn Phú Mưa lại thường xuyên bị chia cắt với thế giới bên ngoài. Từ chuyện mua bán thiết yếu đến chuyện học hành của bọn trẻ đều bị lũ làm gián đoạn.

Cách trung tâm huyện lỵ Đông Giang 20km về phía đông, thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, Quảng Nam) nằm lọt thỏm ở một thung lũng nhỏ kề ngọn núi Acheng cao vút. Nơi đây là vùng “lãnh địa” cư trú trú lâu đời của 24 hộ dân đồng bào Cơtu (gồm 103 nhân khẩu). Nằm cạnh con sông Kôn đục ngầu chảy xiết, mỗi mùa mưa bão về là hàng chục hộ đồng bào Cơtu bị “tách biệt” hẳn với bên ngoài…

“Chèo” bè đến lớp

Ông Alăng Chô - Trưởng thôn Phú Mưa chỉ tay về phía gốc cây sung già: “Trước đây, năm nào chúng tôi cũng huy động lực lượng làm bè để đưa bà con qua sông. Chúng tôi chọn gốc cây sung già đó làm nơi trụ để giăng dây thép bắc ngang qua sông giữ bè. Năm ni, mùa lũ cũng đang đến, chúng tôi sẽ tiếp tục làm bè đưa bà con và trẻ em qua sông”.

Mùa mưa, người lớn không đi lên rẫy, lên nương được nên ở nhà giúp con em đến lớp, qua sông. Thôn phân công lực lượng thanh niên trong làng canh gác, túc trực ở bờ sông để dưa đón các cháu học sinh và người dân trong bản. Tuy nhiên, ông Chô cũng không khỏi băn khoăn: “Điều kiện đi lại khó khăn như ri, nhiều em không chịu nổi nên đã lũ lượt kéo nhau bỏ học hết!”.

Hôm chúng tôi đến, bản nhỏ Phú Mưa vẫn đang trong tình trạng bị lũ chia cắt. Thôn có 33 em đang đi học từ mẫu giáo đến phổ thông trung học. Nhìn cảnh nhiều em học sinh dắt nhau qua sông để đến lớp, chúng tôi không khỏi chạnh lòng... Mấy ngày đó, lượng mưa vẫn tiếp tục kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 9. Nước sông dâng lên, nhiều em học sinh phải ở nhà.

Một góc thôn Phù Mưa

Một đoạn sông Kôn qua địa phận thôn

Dùng ruột xe lớn để đưa trẻ qua sông

Già làng Alăng Chúc nói: “Năm mô cũng rứa thôi, mưa đến là các cháu học sinh trong làng phải nghỉ học. Người lớn còn đi qua không nổi chứ đừng nói chi đến mấy cháu học sinh. Năm mô cả làng cũng đều làm bè nứa nhưng vì lũ quá to nên nhiều lần bè bị trôi”.

Cũng theo già Alăng Chúc, khi lượng mưa bắt đầu giảm, nước sông cũng bắt đầu rút thì người dân đã thấp thỏm qua sông, đưa con em đến trường. Đáng lo hơn, mặc dù không có người lớn đi cùng nhưng nhiều em vẫn tự mình dắt nhau đến lớp.

Em Bh’nướch Thị Bé học lớp 9 tại trường THCS bán trú Lê Văn Tám (xã Jơ Ngây, Đông Giang), từ nhà đến trường phải mất hơn 5 cây số nếu đi băng qua đường sông. “Nhà gần trường như rứa nhưng nhiều hôm vì mưa lũ to nên cũng không thể qua sông được, đành phải nghỉ học. Nghỉ nhiều thì sợ không tiếp thu bài vở kịp nên khi nước lũ vừa rút là bọn em phải qua sông liền” - Bé kể. Mặc dù Phú Mưa có đường tắt gần 10 km đi được tới trường, nhưng đi lối ấy vừa trơn, lại lắm suối khe, lũ dâng cũng khó vượt nổi…

Chị Alăng Thị Tất nhớ lại cách đây hơn một tháng, nhóm của chị gồm 6 người qua sông để bán măng. Đi tới giữa sông, do nước lũ lớn nên cả 6 chị em bị trôi dạt cách đó gần 100 mét. “Nếu lúc đó không có người phát hiện gọi cánh đàn ông đến cứu chắc tụi mình chết dưới nớ rồi!” - chị Tất chưa khỏi bàng hoàng. Chỉ tay về phía tụi nhỏ đang nô đùa, chị tiếp: “Đó, gần tháng ni tụi nó có đi học được mô. Như ri thì làm răng còn nhớ con chữ nổi…”.

Ước mơ về một cây cầu

Mỗi khi cơn mưa về, thôn Phú Mưa lại bị chia cắt với thế giới bên ngoài. Từ chuyện mua bán thiết yếu đến chuyện học hành của bọn trẻ cũng bị lũ làm gián đoạn. Chúng tôi vào nhà Ating Thị Lơơl, một người đàn bà Cơtu góa bụa. Ngôi nhà tạm bợ tềnh toàng. Chị đang nấu cơm chiều với những cọng rau rừng vừa mới hái từ trên rẫy. “Cũng do mấy bữa ni trời mưa nên không đi ra ngoài kia mua thức ăn được, chỉ ăn tạm rau rừng thôi. Mà chừ cả gạo, dầu ăn và muối sắp hết rồi!” - chị lo ngại.

Ngay cả nhà của trưởng thôn Alăng Chô cũng lâm cảnh tương tự. Ông bảo: “Bữa trước thấy trời nắng ráo nên cũng hơi chủ quan. Ai ngờ mưa gió đột ngột nên không kịp trở tay. Chừ thiếu muối, mì chính cũng mặc, chứ thiếu gạo ăn thì hơi lo”.

Mỗi khi mùa mưa về, người dân Phú Mưa lại khốn đốn. Nước sông ngập lũ nên người dân không thể lội qua để mua những mặt hàng nhu yếu phẩm. Để “giải nguy” cho cả làng, nhiều khi phải nhờ đến mấy anh thanh niên trai trẻ bơi qua sông mua hàng, rất nguy hiểm.

Ngay đến những người ở bên ngoài cũng khó tiếp cận thôn Phú Mưa. Một người tên Hùng (quê ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) chuyên bán heo giống kể: “Có bữa trời mưa, nước sông ngập lũ, dù biết đã có người trong thôn dặn mua heo nhưng tôi không tài nào qua được đành quay về…”.

Vết tích của đợt cơn bão số 9 vừa qua vẫn còn để lại nhiều thiệt hại cho người dân thôn Phú Mưa. Tại đoạn sông ngang qua làng, hai bên bờ taluy đã bị sạt lở nặng, dòng nước chảy xiết. Trưởng thôn Alăng Chô ngậm ngùi: “Sạt lở hoài, không biết hồi mô dân mới có được cây cầu. Đã từ nhiều năm nay, chúng tôi mong đợi Nhà nước xây cho một cây cầu để tiện đi lại, nhưng đợi miết có thấy chi mô?”. 

Khoảng cách mặt nước tại một khúc sông đoạn ngang qua thôn Phú Mưa khoảng 50 mét, nhưng nếu tính khoảng cách giữa hai bên bờ taluy sông thì đúng là khá rộng. Anh Alăng Báy, một người dân Phú Mưa tâm sự: “Cả thôn có gần chục chiếc xe máy. Mỗi khi lũ về, anh em không thể “dắt” chiếc xe qua nên đành phải gửi nhờ tại nhà bên kia sông”.

Theo người dân Phú Mưa, trước đây, từ dự án chương trình 135, huyện Đông Giang đã có chủ trương cho tiến hành xây dựng cầu treo bắc qua sông của thôn Phú Mưa. Niềm vui của người dân chưa trọn vẹn thì công trình bất ngờ ngừng thi công. Sau đó không lâu, người dân Phú Mưa lại nhận được tin vui khi nghe được chủ trương dự án làm đường liên thôn về (trên cơ sở nâng cấp lại tuyến đường tắt dài gần 10km của thôn Phú Mưa giáp với cầu Sông Voi) gọi là đường tránh để tiện lợi cho người dân và trẻ em qua lại. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, công trình phúc lợi này vẫn còn đang “treo” đâu đó.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Jơ Ngây - ông Jơđêl Bốc cho biết, do đoạn sông quá rộng nên tạm thời chưa có dự án làm cầu treo cho Phú Mưa. “Về lâu dài, chúng tôi cũng đang nghiên cứu để tìm hướng giải quyết tình trạng chia cắt này, sẽ tìm nguồn vốn phù hợp từ các chương trình dự án để mở tuyến đường giao thông liên thôn. Chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần nguyện vọng của nhân dân thôn Phú Mưa lên huyện nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Đành phải đợi!” - ông Bốc khẳng định.

Vậy là Phú Mưa tiếp tục… sợ nước. Tại huyện miền núi Đông Giang, tình trạng bị chia cắt ngoài thôn Phú Mưa còn có thôn K’Đắp (thuộc xã ARooi). Thôn K’Đắp cách thị trấn P’Rao khoảng 3 km dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn đi qua huyện Nam Giang. Cả thôn có dân số 92 người, đều là đồng bào Cơtu sinh sống. Nơi đây, cũng như Phú Mưa, đang cần lắm một cây cầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên