Rừng tại Nghệ An bị “làm xiếc”: Chính quyền nói gì?
Các cán bộ chính quyền tỉnh Nghệ An đều thoái thác trách nhiệm việc rừng ở xã Tân Thắng đang trở thành “đất trống đồi trọc”.
"Tôi không biết..."
Ở phần đầu của phóng sự điều tra “Hàng trăm ha rừng ở xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bị làm xiếc”, chúng tôi đề cập sự xót xa của nhiều hộ dân khi bị xua đuổi, hành hung ngay trên đồng đất của mình. Vậy, những người liên quan, các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An nói gì trước vụ việc hàng trăm ha rừng bị làm xiếc? Ai đã được hưởng lợi từ sự tráo trở này, mặc cho nỗi khổ của người dân?
Ông Dương Văn Thước, người từng đại diện cho huyện UBND huyện Quỳnh Lưu ký hợp đồng giao khoán với các hộ dân khi nghe chúng tôi kể chuyện hàng trăm ha rừng bị “biến mất” chỉ còn biết thở dài ngao ngán.
8 năm rời nhiệm sở, người đàn ông gần 70 tuổi này vẫn không lường được rằng, sau 17 năm cầm khế ước với dấu đỏ và chữ ký của ông, những người dân Bắc Thắng lại lao đao đến thế?
Những cánh rừng xanh ngày nào giờ trở thành đất trống đồi trọc |
Ông kể, ngày ấy, hơn ai hết đồng bào dân tộc Thanh (một nhánh người Thái) là những người hăng hái nhất trong việc hồi sinh những cánh rừng gần như đã “chết”.
Hăng hái vì họ luôn sống dựa vào rừng, được bảo đảm quyền lợi ghi rõ trong hợp đồng giao khoán. Chính vì vậy, việc UBND xã Tân Thắng phù phép Quyết định chuyển đổi mục đích, không một lời giải thích, không một đồng đền bù cho dân là điều không thể chấp nhận được. “Cứ theo văn bản đền bù cho dân thỏa đáng. Chính sách đã rõ thế rồi còn gì. Anh lấy của dân thì anh phải đền bù. Một điều đơn giản thế có gì đâu. Tất cả những gì có trong văn bản mà nó còn hiệu lực thì phải thực hiện đúng. Cái đó là bất di bất dịch”.
Làm việc với phóng viên Đài TNVN, ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Tân Thắng vẫn “chắc như đinh đóng cột”: Không có chuyện ủy ban xã làm sai vì xã đã thực hiện đúng theo Quyết định 1805 của UBND tỉnh Nghệ An. Nhưng khi chúng tôi hỏi nội dung của Quyết định này thì ông Chủ tịch xã hồn nhiên trả lời “tôi không biết”. Rồi ông phân trần, ngày đó ông đang làm Phó Chủ tịch xã, thời gian chủ yếu là đi học nên không nắm chắc vụ việc
Sau khi qua mặt được người dân, một phần trong hàng trăm ha rừng đã được UBND xã Tân Thắng “sang tên” cho một số tổ chức, cá nhân, trong đó có cả quan chức của UBND huyện Quỳnh Lưu như: Ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường; ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp; ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc Bệnh viện huyện Quỳnh Lưu; ông Phạm Văn Bình - nguyên Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện… Và như lời Chủ tịch UBND xã Tân Thắng Phan Tiến Dũng thì tất cả là để trồng dứa nguyên liệu phục vụ Nhà máy dứa cô đặc của tỉnh. Dứa đâu không thấy, chỉ biết rằng hàng trăm ha rừng xanh tốt ngày nào giờ đã trở thành “đất trống đồi trọc”.
9 năm qua, những hộ dân thật thà như đếm liên tục “đội mưa” gõ cửa các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An tìm lại quyền lợi cho mình, mà xa hơn là hi vọng cứu lấy những cánh rừng Bắc Thắng. Nhưng tất cả cũng chỉ là con số không tròn trĩnh. Ấy vậy mà, trong buổi làm việc với phóng viên Đài TNVN, ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quỳnh Lưu vẫn tỉnh bơ “có kiện cáo gì đâu”.
Cũng giống như ông Chủ tịch UBND xã Tân Thắng, ông Năm Trưởng phòng thoái thác rằng, thời điểm diễn ra vụ việc ông chỉ làm Phó phòng Tài nguyên Môi trường nên không theo sát sự việc.
“Khi thực hiện Quyết định 1805 thì thời gian đó tôi không giữ chức vụ lãnh đạo phòng nên không rõ về bồi thường, giải phóng mặt bằng ở đó. Về nguyên tắc khi thu hồi đất thì phải bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật” - ông Năm thoái thác.
Nhưng có một điều mà ông Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quỳnh Lưu “không thể lắc đầu” là hơn 4ha đất rừng mà ông có được từ “thành quả phù phép” Quyết định 1805 của UBND xã Tân Thắng. Ông Trưởng phòng còn “nói nhỏ” với chúng tôi rằng, ngày trước việc mua đất rừng tại Tân Thắng rất dễ, giá rẻ; bây giờ thì khó hơn vì có mỏ đá, có nhà máy xi măng ở đó (theo tìm hiểu của phóng viên Đài TNVN, hiện 1ha đất rừng tại Tân Thắng có giá trên dưới 40 triệu đồng).
"Cố ý làm trái"
Không đến mức quanh co, né tránh như chính quyền cấp xã, như ông Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu ông Lê Đức Cường thừa nhận: Quyết định không sai nhưng quá trình thực thì đã sai. Cái sai của các cấp chính quyền khi đó là không làm các thủ tục minh bạch, rõ ràng và đây có thể gọi là cố ý làm trái. “Sai phạm là rõ rồi. Sai và có thể gọi là cố ý làm trái. Vì Quyết định không ghi như vậy mà anh cố tình thực hiện như vậy. Cấp nào sai và đối chiếu với quy định của Nhà nước tại thời điểm đó xử lý”, ông Cường nhấn mạnh.
Khẳng định là cố ý làm trái, nhưng ông Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu lại lẩn tránh trách nhiệm trong giải quyết hậu quả vụ việc. Ông cho rằng, UBND huyện Quỳnh Lưu đã giải quyết một cách thấu đáo. Cụ thể là có đoàn thanh tra, hướng dẫn cho dân khởi kiện và tất nhiên, quả bóng trách nhiệm được ông Chủ tịch đẩy sang cơ quan tố tụng, cụ thể là Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu. Vì như ông nói sự việc bây giờ ở Tân Thắng là tranh chấp đất rừng giữa Nhà máy dứa và các hộ dân, thẩm quyền giải quyết không thuộc về huyện mà thuộc về cơ quan Tòa án. Chính vì vậy, ông chưa thể trả lời bao giờ những sai phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất tại xã Tân Thắng được giải quyết.
Vẫn là những con người ấy
Trao đổi với phóng viên Đài TNVN qua điện thoại, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cáo lỗi vì quá bận và gợi ý chúng tôi sang làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường. Nhưng ông Phó Chủ tịch quên rằng, gần 3 năm trước (tháng 9/2009) trong Công văn gửi Đài TNVN, trên cương vị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, ông Đinh Viết Hồng đã thừa nhận những sai phạm về đất đai tại xã Tân Thắng và đề nghị UBND tỉnh Nghệ An giao UBND huyện Quỳnh Lưu kiểm tra, xác minh nguồn gốc đất tại thời điểm thu hồi để xem xét, bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Nhưng không hiểu vì sao, những đề xuất và hướng xử lý sai phạm trong Công văn của ông Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường ngày ấy và là đương kim Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An bây giờ vẫn nằm nguyên trên giấy?
Rõ ràng, sự thờ ơ, vô trách nhiệm của các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An trong việc xử lý những sai phạm về quản lý, sử dụng đất tại xã Tân Thắng là điều không còn phải bàn cãi. Ở đó, hành vi cố ý làm trái của cán bộ xã Tân Thắng đã được cán bộ chức năng của huyện bao che. Bởi, phía sau hành vi ấy, một số “công bộc” ở huyện Quỳnh Lưu thấy rất rõ giá trị của “rừng vàng”.
Sai phạm đã quá rõ ràng và ngay cả những người có trách nhiệm ở tỉnh Nghệ An cũng nhận ra, kết luận. Nhưng có vẻ như Nghệ An đang thực thi pháp luật và cách thức quản lý theo cách riêng của mình. Không thể đẩy những người dân “chăm chỉ làm ăn” vào cảnh trắng tay, bơ vơ trên đồng đất của mình./.