Sự học hành ở nơi cơn lũ tràn qua

2 tuần sau cơn lũ lịch sử tàn phá miền Trung, chúng tôi trở lại Hương Khê (Hà Tĩnh), đến với xã Hòa Hải và Hà Linh.

Đây là miền đất cách xa nhất thị xã Hương Khê, giáp ranh với đất bạn Lào, nơi mà chưa có lũ đã nghèo lắm rồi, nay thì gần như vườn không nhà trống. Dấu tích của trận lũ vẫn còn ở khắp mọi nơi.

Chúng tôi đến trường Thống Nhất, ngôi trường khá rộng rãi, nhưng hôm nay các em học sinh vẫn phải nghỉ. Tất cả các lớp, các phòng học đều còn rất ngổn ngang. Sân trường đã được bộ đội về dọn dẹp, vét đi lớp bùn đất. 

Dẫn chúng tôi xuống xem phòng thiết bị và đồ dùng học tập, cô Phan Thị Anh, Hiệu trưởng nhà trường, nghẹn ngào kể: “Hôm trận lũ đầu tiên nhà trường chủ động chạy lũ nên không bị thiệt hại nhiều, khi cơn lũ có chiều hướng rút chúng tôi dọn dẹp và chuyển đồ đạc xuống… Không ngờ cơn lũ tiếp theo ác liệt và khủng khiếp quá, trường trở tay không kịp. Mọi thứ hư hỏng hết cả, giờ không biết làm sao đây!”

Sách học ướt và nát

Còn tại trường tiểu học Phương Mỹ, khi chúng tôi đến mọi thứ vẫn còn rất ngổn ngang, nhà trường kết hợp cùng phụ huynh học sinh và các em đang dọn dẹp phần sân trường. Hai ngôi trường cấp 1 và cấp 2 nằm sát ngay cánh đồng, vào đúng lưu vực dòng chảy mạnh, nên thiệt hại vô cùng nặng nề. Đây là ngôi trường bị ngập sâu nhất trong tất cả các trường học ở Hương Khê, hôm đỉnh lũ lên đến 6m. 

Tiếp chúng tôi tại sân trường, thầy Trần Văn Phúc Hiệu trưởng  trường cấp 2 Phương Mỹ kể: “Trường có 282 em học sinh. 24 giáo viên thì trong đó có 14 cô ở nội trú, có cô ở nội trú ở đây gần 30 năm. Hôm lũ, toàn bộ dãy nhà của các cô chìm nghỉm trọng nước lũ, nước cuốn sạch trơn không còn thứ gì đáng giá cả và các cô cũng phải sơ tán khẩn cấp, đến nay chỗ ăn chỗ ở của các cô vẫn chưa được ổn định”.

Thầy chỉ cho chúng tôi vài cái cánh của những trạn bát còn vất vưởng trên ngọn cây bàng. Sách vở, đồ dùng thiết bị giảng dạy còn phơi la liệt trên ban công tầng 2 nhưng hầu hết không còn sử dụng được.

Còn đây là ngôi trường Hương Thu thuộc xã Hà Linh. Trường nằm ngay gần con sông Ngàn Sâu hung dữ.

Trường Hương Thu

Mời chúng tôi uống tạm chén nước trắng, cô Hiệu trưởng Lê Thị Hôi tâm sự: “Trường chúng tôi có 12 giáo viên thì có tới 8 cô nhà bị lũ cuốn, nên mấy ngày gần đây chính các cô cũng phải vật lộn với chỗ ăn chỗ ở. Tranh thủ thời gian lại ra trường cùng các phụ huynh học sinh dọn dẹp. Trường cũng đã cho các con đi học từ hôm thứ 3, nhưng đồ dùng và sách vở thiếu quá nên chúng tôi phải thu gom tận dụng triệt để: những quyển sách phơi khô được tới đâu thì phát cho các con tới đó. Đối với các gia đình lúc này cần nhất là lương thực cứu đói để các con có sức tới trường. Trường hiện đang rất khó khăn, mới chỉ nhận được sự ủng hộ từ một đoàn đến từ TP HCM còn địa phương chỉ ủng hộ được nhân lực dọn dẹp“- Cô Hiệu trưởng không kìm được những giọt nước mắt.

Trường mầm non Hoà Hải

Trường mầm non Hoà Hải mới đây được địa phương xây cho 1 dãy nhà mới liền kề, nhưng khi đồ đạc của nhà cũ còn chưa chuyển kịp lên nhà mới thì nước lũ đã ập về. Giường chiếu chăn gối của các con học bán trú hỏng mục hết cả, may còn lại được những đồ chơi bằng nhựa. Phòng ở vẫn rất ẩm mốc và hôi hám, chăn gối thì chưa có cho các con ngủ trưa nên việc cho đón học sinh tới lớp vẫn chưa thể thực hiện được.

“Người dân ở đây nghèo lắm”, vừa nói cô Anh vừa chỉ tay sang đường. “Quanh đây thôi cũng đã có hàng chục hộ nghèo có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc nên việc học hành của con trẻ gia đình họ cũng chẳng còn sức lực đâu mà chú tâm nữa.”

Càng đi sâu vào vùng lũ, quang cảnh càng tiêu điều, tan hoang xơ xác. 

Căn nhà của cô Hằng và thày Toàn

Đây là căn nhà của cô giáo Dương Thị Hằng và thầy Nguyễn Đức Toàn giáo viên trường tiểu học Hương Đô. Hàng xóm cho biết hai vợ chồng anh chị đã phải đi ở nhờ vì nhà cửa đổ nát, đồ dùng thì đã bị nước cuốn trôi hết.

Nhà ông bà Linh

Đây là nhà ông bà Nguyễn Đức Linh, xóm 9, Phương Điện. Ngôi nhà chỉ còn trơ trọi cái giường và bộ bàn ghế kê xộc xệch. Gà lợn chết sạch. Nhà làm nông, chỉ trông chờ vào mấy mảnh ruộng, mà ruộng ngập lúa chết hết.

Tiếp theo chuyến cứu trợ đầu tiên ngày 23/10/2010 đến huyện Can Lộc, Hà Tĩnh và trường tiểu học xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, với tổng trị giá các phần quà cứu trợ là khoảng 160 triệu đồng, ngày 8/11/2010  nhóm thiện nguyện Chia sẻ tình thương chúng tôi lại trở lại mảnh đất này, mang theo 322 suất quà gồm những vật dụng thiết yếu như cặp sách, vở, đồ dùng học tập, màn, sữa đặc, mì chính, bột canh, dầu cao Sao vàng…  cho toàn thể học sinh 2 trường tiểu học Thống Nhất 1 – xã Hoà Hải và trường Hương Thu – Xã Hà Linh – Huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.  


Những vành khăn tang trắng trên sân trường làm tim chúng tôi se sắt lại



Nước đã rút, cuộc sống trở lại vòng quay của nó. Người dân gồng mình lên vượt qua nỗi đau mất người thân, lại bươn chải kiếm sống, lo cái ăn cái mặc, lo việc học hành của con cái. Làm sao đây để không còn cảnh một ngày nào đó, lũ về, họ lại tay trắng, và rồi lại một vòng quay chống chọi mới…
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên