Kỷ niệm 10 năm tái lập huyện Tây Giang:

Sức sống mới ở cực Tây Quảng Nam

VOV.VN - Trung tâm hành chính của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đang dần hình thành dáng vẻ của một đô thị giữa núi rừng

Dòng sông Bung và sông A Vương uốn lượn quanh co trên các sườn núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam, từ bao đời nay đã mang lại nguồn sống cho hàng vạn hộ dân ở các bản làng. Người Cơ Tu ở huyện miền núi cao Tây Giang có quyền tự hào được sống nơi khởi nguồn của 2 con sông này. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Tây Giang vẫn sừng sững như ngọn núi Até. Mười năm trở lại đây, chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang đã chung sức, chung lòng xây dựng huyện nghèo mới tái lập thành vùng đất giàu sức sống.      
      

Những cụm bản tái định cư như thôn Tary, xã Lăng ngày một nhiều lên

Gây dựng từ điểm xuất phát rất thấp
Ngày 8/9/2003 là một ngày đáng nhớ đối với cán bộ và nhân dân huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Thực hiện Nghị định số 72 của Chính phủ, huyện Hiên được chia tách thành 2 đơn vị hành chính là huyện Đông Giang và Tây Giang. Cũng bắt đầu từ thời điểm này, huyện Tây Giang được trở về với tên gọi của hơn 40 năm trước. Sau khi chia tách, Tây Giang có 10 đơn vị hành chính cấp xã, 14 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc Cơ Tu chiếm hơn 91% dân số, 8/10 xã có đường biên giới nước bạn Lào. Với vị trí quan trọng như vậy, Tây Giang trở thành một trong những địa bàn trọng yếu về chính trị, an ninh, quốc phòng của tỉnh Quảng Nam.

Nhiều tuyến đường lên các xã vũng cao biên giới đã được mở

 

Nhớ lại những ngày đầu tái lập, nhiều người không khỏi bàng hoàng trước những con số thống kê của một huyện mới Tây Giang: 10/10 xã chưa có điện thoại, 8/10 xã chưa có điện thắp sáng, 5/10 xã chưa có đường ô tô, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 80 %. Từ trong gian khó, chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Xác định giao thông là “mạch máu” cho sự phát triển của một huyện nghèo, chính quyền huyện Tây Giang tập trung vào việc quy hoạch, xây dựng nhiều tuyến đường xung yếu nhất. Chính những con đường này đã mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển giữa các bản làng vùng cao huyện Tây Giang. Trong vòng 10 năm qua, huyện vùng cao Tây Giang đã xây dựng hàng trăm ki-lô-mét đường liên xã, huy động hàng ngàn ngày công tham gia làm đường nối liền các bản làng vùng cao. “Tr’hy giờ đã có đường đến trung tâm xã. Ngày trước cách trở lắm, đi bộ 3, 4 ngày mới đến trung tâm huyện. Rồi có trạm y tế, có giáo dục mầm non, đúng là thuận tiện cho nhân dân rất nhiều”- ông Zơ Râm Bh’ rưới, thôn Voòng, xã Tr’hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam vui mừng.

Trung tâm xã Lăng ngày một sầm uất hơn 

 

Cùng với đó, Tây Giang triển khai quy hoạch, sắp xếp, bố trí tái định cư, ổn định đời sống lâu dài cho đồng bào Cơ Tu. Bằng các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và tỉnh, đến nay, huyện Tây Giang đã xây dựng được 61 điểm tái định cư. Trong đó, có 51 điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 10 điểm đang triển khai thi công. Bắt đầu từ xã A Nông, địa phương được huyện và tỉnh chọn triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới. Cách đây gần 4 năm, A Nông còn là một xã nghèo, đời sống của các hộ đồng bào dân tộc chủ yếu dựa vào đốt nương làm rẫy, nhưng qua quá trình phấn đấu xây dựng xã điểm nông thôn mới, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đến nay, xã A Nông đã xây dựng đạt 15 trên 19 tiêu chí nông thôn mới. Ngôi làng A- Noonh được xem là điểm tái định cư lý tưởng cho gần 50 hộ đồng bào Cơ Tu. Ông A Lăng Bao, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã A Nông cho biết: “Diện mạo A Nông thay đổi từng ngày. Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, tất cả mọi mặt đời sống kinh tế văn hóa, xã hội đều phát triển. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, không có hộ dân nào đói trong mùa giáp hạt”

Những đám ruộng bậc thang đã hình thành dưới thung lũng

 

Bứt phá phát triển kinh tế
Cũng từ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ đồng bào dân tộc bước đầu tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi nhận thức trong đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ít ai nghĩ rằng, từ một mảnh đất cằn cỗi, hoang hóa nhưng với cách nghĩ, cách làm táo bạo, vợ chồng Đh’ đêl Nhê ở thôn A Rớt, xã A Nông đã biến thành ao nuôi cá, kết hợp với nuôi ếch cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. “Trước đây gia đình mình khó khăn quá, làm cái gì cũng thất bại nên vợ chồng mới quyết định vay ít vốn của Ngân hàng về mở trang trại. Để có được 2 cái ao cá này mình phải thuê máy múc hàng tháng trời, nhưng dù khó mấy vợ chồng mình cũng quyết tâm làm cho được, vì có như vậy mới thay đổi được cuộc sống, kinh tế mới khá lên, con cái được học hành”- anh Đh’ đêl Nhê tâm sự.

Người dân đưa vào trồng giống lúa cải tiến cho năng suất gấp 3 lần trước kia

 

Thay đổi tư duy theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển của một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ như huyện Tây Giang. Trong năm 2012, diện tích lúa rẫy trên địa bàn huyện giảm gần 43 ha so với năm 2011, trong khi đó, diện tích lúa nước tăng 24 ha. Người dân đã hạn chế được nạn phá rừng làm rẫy. Hiện nay, huyện Tây Giang đang ưu tiên phát triển các cây trồng bản địa như đẳng sâm, ba kích, giống lúa Xươn, giống nếp Proong. Đồng thời, khảo nghiệm các giống cây trồng con vật nuôi phù hợp khí hậu địa phương như cây Táo mèo, cá tầm nước lạnh. Trong đó đáng chú ý là việc phát triển cây cao su. Đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 1.300 ha cao su. Với suất đầu tư 78 triệu đồng/ 1ha, tổng kinh phí thực hiện dự án trồng cây cao su ở huyện Tây Giang gần 200 tỷ đồng.

Ông Bh’ling Mia, Chủ tịch  Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang cho biết: “Cái được lớn nhất là thay đổi nhận thức cho bà con.  Phải nói rằng sau 10 năm, cái cách nghĩ, cách làm của bà con hoàn toàn khác. Từ thay đổi cách nghĩ dẫn đến thay đổi cách làm. Đã có sắp xếp, bố trí lịch thời vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón. Từ sản xuất lúa nước mà chỉ có độc canh là trồng cây lúa thôi, không phân bón, không căn cứ lịch thời vụ, giờ thì đã khác. Trước đây chỉ có phát rẫy thôi, bây giờ đồng bào tham gia trồng cây cao su. Khái niệm “công nhân cao su” là hoàn toàn mới. Tôi cho rằng đây  là cái cách tiếp cận mới mà bà con tiết kiệm ngày công lao động, biết vận dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất”
Điểm sáng về bảo tồn văn hóa truyền thống của Quảng Nam

Văn hóa truyền thống được lưu giữ, bảo tồn
Bên cạnh việc triển khai các mô hình điểm trong phát triển kinh tế, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam còn được biết đến với những cách làm hay trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Một ngôi làng cổ Cơ Tu tọa lạc trên một ngọn đồi phía Đông Trung tâm huyện Tây Giang, nơi được xem là “ mái nhà chung” của các bản làng Cơ Tu. Ở đây có những căn nhà sàn truyền thống, và căn nhà dài được phục dựng theo mô hình nhà dài ở thôn A Tu, xã Ch’Ơm, giữa ngôi làng cổ có Gươl bề thế. Tất cả được hình thành bởi đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Cơ Tu. Họ đã dày công tỉa tót, đục đẽo chế tác ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm yếu tố tâm linh người Cơ Tu.

Làng cổ Cơ Tu ở trung tâm huyện lỵ Tây Giang không chỉ là nơi giới thiệu văn hoá Cơ Tu cho bạn bè gần xa, thu hút du khách thúc đẩy phát triển du lịch văn hoá, du lịch sinh thái ở địa phương, mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào nơi đây. Cùng với việc xây dựng ngôi làng cổ mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa, đến nay, hầu hết các thôn trên địa bàn huyện đều xây dựng nhà Gươl. Hơn 50 % số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Huyện cũng đã khôi phục được 03 Làng truyền thống Cơ Tu đó là: làng Pơrning ở xã Lăng, làng Tàvàng, xã Atiêng và Làng Truyền thống Cơ Tu ở trung tâm huyện.
Thôn Pơr' ning tưng bừng vào hội

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, huyện Tây Giang tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu công việc ở một huyện miền núi. Ngoài việc bố trí cán bộ đi đào tạo chính qui, Tây Giang còn liên kết với nhiều trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh để mở các lớp vừa học vừa làm ngay tại huyện. Cách làm này đã đem lại hiệu quả thiết thực, đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, là lực lượng tiên phong trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. “ Cán bộ rất tâm huyết, làm việc nhiệt tình nên dân tin tưởng. Từ khi tái lập huyện đến nay có mấy cái đổi mới, thứ nhất là các xã đều có đường ô tô, thứ 2 là nhân dân xóa được cái nhà tạm, thứ 3 đời sống khấm khá hơn, 90% số hộ không còn thiếu ăn”- già làng C’Lâu Nâm đánh giá.

Con đường từ trung tâm huyện đến các xã Tr’hy, A Xan mới ngày nào còn lầy lội, nay đã được rải nhựa phẳng lì. Đây là một trong những yếu tố để hình thành nên cặp cửa khẩu phụ Tây Giang- Kà Lừm, tại thôn Chờ Nooc xã Chờ Ơm. Ngày khai trương cặp cửa khẩu phụ này có sự chứng kiến của cán bộ và nhân dân 2 tỉnh Quảng Nam và Sê Kông ( Lào). Điều đó thể hiện mối quan hệ thắm thiết lâu đời của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh, đây còn là cơ hội lớn để phát triển kinh tế, giao thương giữa 2 quốc gia láng giềng. Chính quyền 2 tỉnh cùng nhìn lại mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt hai nước Việt-Lào nói chung và hai tỉnh Quảng Nam-Sê Kông nói riêng. Hai bên cũng đã phối hợp tốt đảm bảo an ninh, hoàn thành xây dựng 60/60 cột mốc dọc tuyến biên giới.

Cơ khẩu mở ra cơ hội giao thương giữa 2 nước Việt - Lào

Dáng vẻ đô thị giữa núi rừng
Chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang đã vượt qua bao vất vả, chạy đua với thời gian để xây dựng nên một diện mạo mới. Năm 2013 là năm đầy ý nghĩa đối với người dân Tây  Giang. Bởi, đây là thời điểm để họ nhìn lại những gì đã làm được để đưa ra những định hướng cho những năm tiếp theo. Ông Bhríu Liếc, Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang khẳng định:10, 15 năm tới, huyện Tây Giang chúng tôi xây dựng cho được những mục tiêu cụ thể: có mặt bằng dân cư ổn định, có khu sản xuất bền vững trồng cao su và ruộng bậc thang, có trường lớp cho các cháu học hành, có bộ mặt mới của huyện, của xa, của thôn đảm bảo theo 19 tiêu chí. Xóa bỏ những tập tục lạc hậu và từng bước đầu tư xây dựng con người mới để làm sao đảm đương cho được nông thôn mới sau này.

Trung tâm hành chính huyện Tây Giang

 

Giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, trung tâm hành chính của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đang dần hình thành dáng vẻ của một đô thị giữa núi rừng. Sông A-Vương, nơi từng chứng kiến biết bao thăng trầm của vùng đất này vẫn lặng lẽ mang dòng nước mát đến các bản làng CơTu.

10 năm chưa phải là quãng đường dài so với lịch sử hình thành vùng đất này, nhưng cũng không phải ngắn so với nỗ lực gây dựng một vùng đất nghèo. Hơn ai hết, mỗi người dân Tây Giang sẽ cảm nhận sâu sắc điều này. Quá khứ vinh quang là nền tảng để hình thành nên những giá trị vật chất, tinh thần cho ngày mai tươi sáng hơn. Thế hệ con cháu mai sau sẽ kế thừa và phát huy truyền thống của một huyện Tây Giang anh hùng, chăm lo vun đắp để cho vùng đất cực Tây của tỉnh Quảng Nam ngày càng giàu đẹp ./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt
Vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt

Sau gần 1 tháng mưa kéo dài, ngày 23/10, ở các xã vùng cao huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, trời tạnh mưa, nước rút, đường huyết mạch từ biên giới về trung tâm huyện Tây Giang đã đi lại được bằng xe ôm

Vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt

Vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt

Sau gần 1 tháng mưa kéo dài, ngày 23/10, ở các xã vùng cao huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, trời tạnh mưa, nước rút, đường huyết mạch từ biên giới về trung tâm huyện Tây Giang đã đi lại được bằng xe ôm

Khai trương cặp cửa khẩu phụ Tây Giang- Kà Lừm
Khai trương cặp cửa khẩu phụ Tây Giang- Kà Lừm

(VOV) -Mở cặp cửa khẩu phụ Tây Giang-Kà Lừm nhằm mục đích tăng cường giao lưu kinh tế thương mại

Khai trương cặp cửa khẩu phụ Tây Giang- Kà Lừm

Khai trương cặp cửa khẩu phụ Tây Giang- Kà Lừm

(VOV) -Mở cặp cửa khẩu phụ Tây Giang-Kà Lừm nhằm mục đích tăng cường giao lưu kinh tế thương mại

Xem người Cơ Tu làm nông thôn mới
Xem người Cơ Tu làm nông thôn mới

(VOV) -Đời sống phát triển, xã Lăng đang tiến tới một nông thôn mới hiện đại mà vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống

Xem người Cơ Tu làm nông thôn mới

Xem người Cơ Tu làm nông thôn mới

(VOV) -Đời sống phát triển, xã Lăng đang tiến tới một nông thôn mới hiện đại mà vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống

Điểm tựa của vùng cao Tây Giang
Điểm tựa của vùng cao Tây Giang

Với những việc làm thắm tình quân dân, cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng 649, AXan huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam trở thành điểm tựa tinh thần của đồng bào dọc tuyến biên giới Việt - Lào.

Điểm tựa của vùng cao Tây Giang

Điểm tựa của vùng cao Tây Giang

Với những việc làm thắm tình quân dân, cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng 649, AXan huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam trở thành điểm tựa tinh thần của đồng bào dọc tuyến biên giới Việt - Lào.

Nông thôn mới ở Quảng Nam: Mục tiêu định cư bền vững
Nông thôn mới ở Quảng Nam: Mục tiêu định cư bền vững

(VOV) -Huyện Tây Giang xác định tái định cư bền vững, ổn định đời sống đồng bào là một trong những tiêu chí quan trọng.

Nông thôn mới ở Quảng Nam: Mục tiêu định cư bền vững

Nông thôn mới ở Quảng Nam: Mục tiêu định cư bền vững

(VOV) -Huyện Tây Giang xác định tái định cư bền vững, ổn định đời sống đồng bào là một trong những tiêu chí quan trọng.