Thầy giáo mù với lớp học đặc biệt

16 đứa trẻ với những số phận khác nhau, cùng một thẩy giáo - tất cả đều chung nỗi đau tật nguyền, đang hàng ngày vượt khó để “vẫn vui tươi vẫn ước mơ”.

Họ là những con người có một số phận không may mắn, không có điều kiện về kinh tế, lại chẳng lành lặn như những người bình thường khác, nhưng vẫn cố gắng vươn lên trong cuộc sống bằng những công việc hết sức bình thường, nhiều khi còn quá sức lực của họ để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chúng tôi đến thăm thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy và lớp học đặc biệt dành cho những đứa trẻ tật nguyền của anh trong một căn nhà nhỏ anh thuê tại số 67 đường Tiểu La, TP Tam Kỳ, Quảng Nam trong một buổi sáng mùa đông ướt lạnh…

Những mảnh vỡ của số phận…

Ngôi nhà cấp bốn nhỏ nằm lọt thỏm bên những ngôi nhà cao tầng của con phố sôi động, nhưng đi ngang qua ai cũng phải chú ý vì những tiếng học bài phát ra từ khung cửa sổ bằng sắt đã hoen gỉ vì thời gian. Mới dừng lại ngoài cổng, một cậu bé đầu trọc tếu nhanh nhảu chạy ra hỏi: “Chú tìm ai ạ!?” rồi mở chiếc cổng sắt nặng nề mời người khách lạ.

Lớp học cũng là nơi ăn chốn ở của những đứa trẻ tật nguyền có hoàn cảnh hết sức khó khăn, cùng với một thầy giáo mù. Bao nhiêu năm qua, những thân phận ấy như những mảnh vỡ của cuộc đời gắn lại với nhau, cùng dìu nhau sống giữa cuộc đời.

Thầy Đặng Ngọc Duy đang dạy học trò của mình

Thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy, 33 tuổi, cho biết, 16 cháu ở đây đều tật nguyền với nhiều dị tật khác nhau như khiếm thị, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, đa tật. Một người bình thường trông nom những đứa trẻ ấy cũng vô cùng vất vả, nói chi đến một người cũng khuyết tật như anh. Nhưng bằng tình thương, bằng trách nhiệm, bằng sự thông cảm với nỗi đau, những thiệt thòi mà lũ trẻ phải chịu đã khiến một chàng trai khiếm thị như anh vượt lên tất cả.

Ngồi trò chuyện với anh trong căn phòng nhỏ được ngăn lại làm chỗ ngủ của lũ trẻ, những giọt nước mưa theo mái tôn thủng cứ thỉnh thoảng nhỏ xuống bàn tay tôi lạnh buốt. Mùa này ở miền Trung đang là mùa mưa, mùa lũ lụt, bức tường thấm nước ướt nhèm, chảy cả xuống nền nhà lõm bõm nước.

Bằng giọng đầy thương cảm, Duy kể cho tôi nghe về những mảnh vỡ buồn của 16 cuộc đời đang ê a học bài phía bên ngoài. Các cháu đến từ nhiều địa phương khác nhau của tỉnh Quảng Nam, từ các huyện đồng bằng như Núi Thành, Điện Bàn, Thăng Bình hay các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa như Trà My, Tiền Phước, Phước Sơn… Các cháu không giống như bao em bé bình thường khác. Những khuôn mặt thơ dại và có những số phận đáng buồn bởi cuộc đời gắn với hai chữ "khuyết tật".

Cháu Lê Hà Vi, 8 tuổi, ở Tiên Lãnh, Tiên Phước, Quảng Nam mồ côi mẹ từ nhỏ lại bị khiếm thị, bố đi lấy vợ khác nên 4 anh em phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền. Bé Vi còn quá nhỏ nên sống với bà ngoại hơn 80 tuổi. Ngày ngày hai bà cháu dắt nhau đi đầu đường cuối chợ nhận lòng thương của mọi người. Duy nghe chuyện thương quá, tìm bằng được bé Vi đưa về đây.

Duy chỉ cô bé có khuôn mặt buồn ngồi phía cuối lớp học của mình rồi nói: “Bé Vi ngoan lắm, nhưng nhiều lúc bé buồn không ăn uống gì cả khiến mình sợ. May mà có bạn bè cùng trang lứa, cùng hoàn cảnh nên cũng giúp đỡ được nhiều!”. Rồi anh chỉ vào hai cô bé người dân tộc Ka Dong đang chụm đầu lại bên trang giấy chữ nổi, khuôn miệng chúm lại cố gắng phát âm nhưng rất khó khăn. Hai chị em ruột đó là Hồ Thị Sinh và Hồ Thị Bình, gần 12 tuổi. Cha của hai cô bé ấy cũng bị tật một tay, làm lụng không được nên gia cảnh cực kỳ khó khăn.

Biết hòan cảnh, Duy đưa hai bé về lớp học này.

Bên cạnh đó, một cậu bé ngồi nhìn chăm chăm vào cây bút để trên bàn. Rồi tự nhiên thấy hai hàng nước mắt chảy rưng rưng. Một cô bé nói vọng vào bằng một giọng nói ngọng nghịu: “Thầy ơi! Bình khóc.” Anh Duy lại lần theo mép bàn ra ngồi bên cạnh cậu bé vỗ về an ủi. Huỳnh Thanh Bình mắc chứng tự kỷ, dù đã 8 tuổi đầu nhưng Bình không giao tiếp được, phát âm rất khó khăn. Hoàn cảnh của Bình cũng rất thương tâm khi cả cha và mẹ đều lần lượt ra đi sau cơn bạo bệnh, là hệ quả của những ngày tháng lao lực trên bãi vàng Phước Gia, Phước Sơn, Quảng Nam, bỏ lại cậu bé bơ vơ một mình giữa rừng, được người dân đưa xuống và Duy nhận vào lớp học đặc biệt của mình.

Trong lớp còn có cô bé Ung Nha Hòa, người dân tộc Chăm mặc dù đã 23 tuổi nhưng bị thiểu năng trí tuệ vì bị ảnh hưởng chất độc da cam nên vẫn cứ như đứa trẻ mới lên mười. Thi thoảng Hòa lại cười ngây ngô với mấy đứa trẻ, lại trêu chọc và đùa nghịch những trò trẻ con rất vô tư. Là “chị cả” trong lớp vì “lớn nhất” nhưng Hòa không biết gì. Nhiều đêm ngủ vẫn còn đái dầm và vẫn hay khóc bất chợt.

Và còn đó những đứa trẻ khác trong lớp học đặc biệt của Duy mà chúng tôi không thể kể ra hết được. Những đứa trẻ không may mắn ở khắp nơi được Duy tìm về nuôi nấng, dạy dỗ. Mỗi em có mỗi hoàn cảnh, mỗi khiếm khuyết khác nhau của cơ thể và tất cả đều chung nỗi đau tật nguyền. Nhưng các em cũng có được một người thầy, một người anh lúc nào cũng tận tâm, thương yêu hết mực.

Người thầy mù và mơ ước nhỏ nhoi…

Nói chuyện với Duy, lúc nào cũng thấy anh cười, nụ cười của một người đã biết tự vượt lên chính nỗi đau của mình, với tình yêu của mình để chia sớt những nỗi đau của người khác. Duy kể, ngày định mệnh ấy là mùa hè năm lớp 7, trên cánh đồng còn đầy nắng và những gốc mạ loang lổ những vết chân trâu của phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ, cậu bé Duy hí hửng giấu chúng bạn “chiến lợi phẩm” vừa tìm thấy đó là một đầu đạn chưa nổ để “chơi” một mình. Hậu quả trò chơi, Duy bị mù lòa với bàn tay trái cụt ngón. Từ đó phải sống trong sợ hãi, bóng tối, không dám khóc vì sợ sẽ có một thứ nước đen ngòm chảy ra từ hai hốc mắt.

Duy và lớp học đặc biệt của mình cùng với những học sinh khuyết tật tại mái ấm Hướng Dương

Làm bạn với bóng tối và sự tuyệt vọng về tương lai, Duy vẫn khát khao được đi học, được thấy thế giới tươi đẹp qua những dòng chữ nổi Braille. Năm 1992, khi trường Nguyễn Đình Chiểu dành cho người khuyết tật được thành lập tại Đà Nẵng, ba mẹ Duy lặn lội hơn 60 km, đưa con ra xin nhập học. Tại đây, Duy được mở mang kiến thức, giao tiếp với thế giới bên ngoài bằng ngôn ngữ dành riêng cho người khiếm thị. Và cũng từ đó, chàng trai tật nguyền đã đánh vật với kiến thức, mò mẫm với chữ Braille, đau buốt với những ngón đàn và trải lòng mình ra trong những bài thơ và ước ao có một nơi dành cho người khuyết tật như mình. Bởi chính anh đã trải nghiệm nỗi khát khao được đi học, được hoà nhập cộng đồng và cả nỗi hờn tủi vì những khiếm khuyết hình thể của một người khuyết tật.

Năm 2008 tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Quảng Nam, Duy cặm cụi hoàn thành cho được đề án xây dựng lớp học mái ấm dành cho người khiếm thị đầu tiên ở Tam Kỳ. Mái ấm Hướng Dương ra đời, mọi người mừng cho Duy đã thực hiện được tâm nguyện và mừng cho những đứa trẻ tật nguyền được học tập, nuôi dưỡng dưới mái ấm này.

Bao nhiêu tiền chắt chiu, vay mượn bạn bè Duy dồn hết cho mái ấm của mình. Tất tần tật mọi thứ ở đây đều do bàn tay không lành lặn của Duy sắp xếp. Những chiếc bàn, chiếc ghế khi thì Duy đi xin lại, khi thì tự tay đóng lấy từ những tấm gỗ thô kệch xù xì. Duy đi xin quần áo, sách vở… cho lũ trẻ. Thi thoảng có một vài nhà hảo tâm cũng đến cho quà, hay vận động người dân quanh phố đóng góp ít tiền ít gạo cho lớp học đặc biệt này.

Hiện tại, người thầy mù vẫn đau đáu một nỗi niềm, bởi lớp học này vẫn phải đi thuê hàng tháng với số tiền hơn 1,5 triệu/tháng, trong khi chẳng có một nguốn thu nhập nào khả dĩ có thể kiếm được để trả tiền thuê nhà. Chưa kể đến chuyện ăn uống hàng ngày của 17 con người đang từng ngày dựa vào nhau mà sống, cũng như tiền thuốc men mỗi khi trái gió trở trời các em đổ bệnh. Ngay cả thầy giáo Duy, 3 năm nay cũng chẳng đủ tiền để mua bảo hiểm cho mình, dù mỗi khi thời tiết thay đổi, những đau đớn của Duy không bút nào tả xiết.

Nhìn mái ấm này trong mùa mưa lũ, thương cảm người thầy mù có tâm, thương cho lũ trẻ tật nguyền đang cố gắng chống chọi từng ngày để sống, để vượt lên số phận mới thấy nghị lực và niềm tin của họ lớn đến chừng nào. Được biết, ngoài một số em được nhận trợ cấp tật nguyền hàng tháng 180.000 đồng, còn lại tất cả đều không có một chế độ gì, ngay cả Duy cũng vậy. Duy bảo: “Em phải cố gắng nỗ lực từng ngày một để duy trì mái ấm này. Giá như có được một sự tài trợ nào để đưa các em đến nơi ở mới, có sự ổn định cho các em thì tốt biết mấy! nhưng… như anh thấy đấy!”.

Tôi hiểu sự ngập ngừng trong câu nói của Duy, khi nhìn cơ sở vật chất của lớp học này còn vô cùng thiếu thốn. Chỗ ngủ của thầy và trò chỉ là 3 chiếc chiếu đôi trải trên những tấm gỗ thô ghép lại. Bàn ghế xộc xệch cái gãy chân, cái bong mặt. Bữa ăn chỉ có cơm với vài con cá nhỏ rẻ tiền nhờ hàng xóm mua giúp. Những bộ quần áo cũ rách của lũ trẻ, với đôi dép mỗi bên một kiểu cũng là tươm tất lắm với thầy và trò. Cứ thế, 17 con người này gắng sống, gắng nỗ lực để “vẫn vui tươi vẫn ước mơ, để thấy chung quanh em vẫn ấm áp tình người, để mặt trời lên vẫn hướng về nơi ấy” (lời bài hát thầy Duy tự sáng tác), chỉ mong được sống trọn kiếp người mà thôi…

Phút chia tay, cả thầy lẫn trò ra đứng trước cửa tiễn tôi, Duy nắm chặt tay tôi bằng bàn tay 3 ngón còn lại, thảng thốt: “Cảm ơn anh đã ghé thăm! Em biết ở đời vẫn còn nhiều người tốt lắm! Bọn em ở đây vẫn sẽ cố gắng từng ngày anh ạ!”. Tôi chỉ biết ôm Duy thật chặt, cảm thông, khâm phục. Ngoài trời mưa đã tạnh, nắng hửng lên…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên