Tiểu thương chợ Quảng Ngãi: Thẫn thờ trong đống tro tàn

Thật không thể diễn tả được cảm xúc đau xót tột cùng khi chỉ sau một đêm, không ít người ngày hôm trước còn là tỷ phú, giờ đã trắng tay.

Một ngày sau vụ cháy tại chợ Quảng Ngãi, chúng tôi có mặt tại đây để ghi nhận lại những thiệt hại to lớn của vụ cháy kinh hoàng này. Hơn 220 tỷ đồng là một con số quá lớn cho sự thiệt hại của một tỉnh nghèo. Đồng nghĩa với việc sự thiệt hại này đã đẩy hàng trăm tiểu thương vào cảnh khốn cùng. Bởi, nhiều gia đình đã dồn cả vốn liếng để nhập hàng về, hy vọng sẽ làm ăn khấm khá trong những ngày đầu năm. Nhưng ngọn lửa hung tàn đã cướp đi tất cả.

Những giây phút kinh hoàng...

Chợ Quảng Ngãi có quy mô 2 tầng: tầng trệt kinh doanh quần áo, giầy dép..., tầng 2 kinh doanh mỹ phẩm và các mặc hàng khác… vào khoảng 4 giờ 40 phút sáng 9/2/2012, chợ Quảng Ngãi trên địa bàn phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi bùng cháy dữ dội. thiêu hủy toàn bộ tài sản của khoảng hơn 700 hộ tiểu thương đăng ký kinh doanh tại khu chợ, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 220 tỉ đồng.

Theo một số người dân có mặt tại hiện trường, ngọn lửa xuất phát từ một quầy giầy dép ở tầng trệt nằm ở mặt đường Nguyễn Bá Loan (phía đông chợ) có khả năng bị chập điện. Ngọn lửa được phát hiện rất sớm, ngay từ khi là đám cháy nhỏ, nhưng lực lượng tại chỗ đã luống cuống không thể dập tắt. Cảnh sát PCCC đến muộn, lại không có nước khiến cho hỏa hoạn kéo dài tới 7 giờ, gây thiệt hại nặng. Bà Trần Thị Hoa, người đầu tiên phát hiện cháy chợ, kể lại rạng sáng 9/2, bà đến chợ sớm lấy hoa thì phát hiện những đốm lửa nhỏ ở bên trong cửa chính, phía Đông chợ Quảng Ngãi nên la lớn. Lúc ấy, nhiều người trên đường Nguyễn Bá Loan đã thức dậy tập thể dục, chuẩn bị hàng hóa buôn bán.

Chị Huỳnh Thị Thảo ngụ sát chợ Quảng Ngãi nói: "Phát hoảng, mọi người chạy đi tìm nhân viên bảo vệ chợ thì gặp ông Thanh. Ông này quýnh quáng nên không mở được cửa phía Đông của chợ cho mọi người nhào vô dập lửa. Đến khi phá được cửa, mấy ông dùng bình xịt CO2 rồi bất lực gọi cho lực lượng cứu hỏa". Hôm xảy ra sự cố có 7 người gồm ông Lương Công Hoàng (tổ trưởng), Nguyễn Trung (tổ phó) và 5 tổ viên, chia nhau đi tuần các khu vực. Ông Hoàng, tổ trưởng kíp trực nhớ lại, nghe người dân hô hoán chợ cháy ông đang ngủ liền bật dậy vội vã chạy đi cúp cầu dao điện, sau đó trở về nơi có đám cháy cùng mọi người dùng bình CO2 dập lửa. "Thế nhưng gió lớn, ngọn lửa cháy lan nhanh rộng, cao hơn 3 mét không thể dập được, chúng tôi mới phá cửa cho người dân vào bên trong chợ để hỗ trợ", ông Hoàng nói.

Một tiếng rưỡi sau khi phát hiện cháy, xe cứu hỏa mới đến hiện trường. Hai xe cứu hỏa của công an tỉnh có mặt song không thể vào đến nơi dập lửa vì vướng các dãy nhà tôn của chợ tạm xung quanh chợ trung tâm. Xe chỉ đứng trên đường Nguyễn Nghiêm bơm nước vào. Đám cháy bùng phát dữ dội hơn và lan ra khắp nơi, cao hàng chục mét, bao trùm cả chợ. Công an tỉnh Quảng Ngãi phải điều động thêm các xe chuyên dụng của nhà máy lọc dầu Dung Quất, cầu cứu lực lượng phòng cháy chữa cháy của tỉnh Quảng Nam và Công ty Doosan ở Dung Quất chi viện. Song việc cứu hỏa gặp nhiều khó khăn, nhất là không có nước để dập lửa.

Đại tá Phạm Hùng, Trưởng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Quảng Ngãi, thừa nhận công tác cứu hỏa triển khai chậm do nhiều kiốt của chợ tạm chắn lối vào chợ chính. "Anh em phải vất vả tháo dỡ và chặt cây thì xe cứu hỏa mới vào sát hai bên hông ngõ chợ Quảng Ngãi để bơm nước. Mặt khác gió liên tục đổi hướng nên lửa bùng phát mạnh", đại tá Hùng nói.

Trong đống hoang tàn và những giọt nước mắt...

Chợ có 424 hộ kinh doanh với gần 700 lô, sạp, hầu hết bị thiêu rụi trong đám cháy, ước tính thiệt hại 220 tỷ đồng. Khi chúng tôi có mặt, khung cảnh chợ tan hoang, hàng nghìn người dân ngồi thẫn thờ bên đống tài sản cháy rụi thành tro bụi, nước mắt ngắn dài đau đớn. 220 tỷ đồng, một con số quá lớn ấy như một đòn chí mạng giáng xuống đầu những tiểu thương đang buôn bán tại đây. Với họ, cả cơ nghiệp bây giờ chỉ còn lại đống tro tàn vẫn còn đang bốc khói đen.

Trong dòng người đang có mặt chứng kiến đám cháy, chúng tôi đã thấy rất nhiều những gương mặt thẩn thờ của hàng trăm người buôn bán có đồ đạc bị hỏa hoạn thiêu rụi. Trong giây phút tuyệt vọng, họ ngồi nhìn ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ tài sản của mình. Nhiều người ngậm ngùi đau xót, người khác thì nhận điện thoại chia buồn từ bạn bè, người thân. Sự thiệt hại tài sản quá lớn đối với người dân nghèo Quảng Ngãi chưa biết đến bao giờ, những tiểu thương này mới có thể vượt qua được cú sốc. Nhiều tiểu thương không chỉ để hàng hóa ở gian hàng trong chợ mà còn cất vàng, tiền, sổ nợ, thậm chí sổ đỏ... Trên những khuôn mặt nhem nhuốc, đầy khói bụi ấy là những giọt nước mắt, cố gắng vớt vát được chút của cải. Chưa biết đến bao giờ, những tiểu thương nơi đây mới có thể vực dậy được tinh thần.

Hàng trăm tiểu thương cả ngày qua như ngồi trên đống lửa. một tiểu thương cho biết: “Hàng hóa nhập hơn 200 triệu đồng từ TPHCM về 2 ngày qua cộng với hàng hóa còn lại ngót nghét 500 triệu đồng đã làm mồi cho lửa. Khi ngọn lửa bùng lên, tôi chỉ kịp vào lấy được sổ sách giấy tờ rồi chạy ra. Còn hàng hóa thì cứ nhìn lửa ăn dần mà chẳng biết làm sao, chậm một tí mất mạng như chơi!”. Có lẽ đây là người may mắn bởi còn lấy được sổ ghi nợ, còn hàng trăm tiểu thương khác vì chủ quan nên không những hàng hóa mà cả sổ sách và tiền cũng bị cháy hết. “Thấy lửa cháy tiền mà bất lực, chỉ biết khóc. Không thể mang được cái gì ra ngoài vì ngọn lửa bùng lên rất nhanh và dữ dội!” một chủ hiệu vải và quần áo lắc đầu chua chát. Chị Trần Thị Hải Vân (phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi), có 2 kiốt bán quần áo trong chợ, thất thần: “Trước tết, tôi đã tích góp, vay mượn gần 2 tỉ đồng nhập hàng về bán. Chưa bán được bao nhiêu thì lửa đã cuốn sạch hết rồi”... còn chị Hoàng Trang kể: “Trước đó vài ngày, gia đình tôi dành cả hy vọng vào sạp hàng mỹ phẩm mới sang lại của người bạn, với vốn liếng gần nửa tỉ đồng. Tôi dự định đúng ngày 9.2, sẽ làm lễ khai trương. Nhưng ai ngờ...”

Trong khi chúng tôi đang tìm hiểu về thiệt hại của vụ cháy với các nạn nhận, thì nhiều chủ cửa hàng liên tục nhận điện thoại từ các nơi gọi dồn dập về hỏi thăm chuyện cháy chợ. Người đàn bà tên Thanh nghẹn ngào, mắt rơm rớm lưng tròng, trả lời cho qua chuyện, rồi lại thẫn thờ nhìn ngọn lửa đang bốc cao ngất trời. Cả gia đình bà có 2 ki-ốt bán quần áo, bánh kẹo trong chợ, trên tầng 2. Bà nghẹn ngào: “Hàng mới nhập về trên 1 tỷ bạc chứ ít đâu! Cả hàng hóa, tiền bạc, cả gia sản của tôi đều để trong chợ. Giờ cháy hết rồi còn đâu. Còn nợ ngập đầu biết chừng mô mới trả được đây!”. Nói đoạn bà khóc ngất lên ngất xuống, gạt nước mắt không nói nên lời. Mãi lâu sau, mới ngước đôi mắt đỏ hoe nói: “Giá mà tui không để tiền mặt ở trong chợ, chỉ cháy hàng thì còn tiền kinh doanh. Giờ cháy rụi hết rồi”. Cũng như bà Thanh, có rất nhiều hộ kinh doanh trong chợ để lại tiền mặt, vàng bạc ở quầy kinh doanh nên khi xảy ra cháy họ đã bị trắng tay.

Trong cảnh hoang tàn, nhiều người được phép vào lại gian hàng của mình để tìm lại chút tài sản với hy vọng may ra còn lại chút gì đó. Có nhiều người may mắn đã bới tìm trong đống tro tàn chút tài sản chưa bị cháy. Như bà Mai bán quần áo đã tìm lại 20 cây vàng, còn con gái bà là Nguyễn Thị Nga bới tìm kiếm được 4 cây vàng, một sổ đỏ và 24 triệu đồng tiền mặt. Chị Nguyễn Thị Lục, kinh doanh quần áo, nghẹn ngào cũng đã tìm lại được 3 cây vàng. Chị Lê Thị Nhị, tiểu thương kinh doanh quần áo vui mừng tìm được chút vàng trang sức trong đống tro. Sau nhiều giờ tìm kiếm, cả nhà anh Lương Hồng Thắng đau khổ vì hàng hóa bị lửa thiêu rụi toàn bộ, còn số tiền mặt 430 triệu đồng bị đốt cháy gần hết... Ông Nguyễn Văn Hai bán sạp vải ở chợ Quảng Ngãi nghẹn ngào: "Cháy hết rồi. Bao nhiêu vốn liếng gia đình dồn hết vào đó, có bao nhiêu tiền tích cóp trong dịp Tết, tôi dồn hết mua hàng, trị giá mấy trăm triệu giờ thành tro than rồi". nhưng không phải ai cũng được may mắn như thế, khi tất cả tài sản của họ, cuộc đời của họ gửi cả vào trong những gian hàng đã thành tro này. Bà Thái Thị Hà Thanh, (62 tuổi) thỉnh thoảng lại đưa tay lên ngực thở ngắt quãng vì nỗi đau mất của: "Cả đời dành dụm, gia đình con cái tôi tích góp đầu tư 6 gian hàng mỹ phẩm ở lầu 2. Hàng hóa mới đưa về sau Tết tổng cộng chừng 6 tỷ đồng, giờ thì Có còn chi không con?..." Bà Trương Thị Én - chủ cửa hàng giày dép da, balô, túi xách tại gian hàng số 05, 06 ở tầng 2 thẫn thờ: “Gom góp, vay nợ ngân hàng, mượn nợ mua thêm một gian hàng hơn 200 triệu đồng trước tết, rồi mua nợ thêm 300 triệu đồng tiền hàng chất vào kiôt, chỉ trong chốc lát đã mất sạch, cháy sạch rồi. Lấy chi trả nợ đây hả trời!”. Chị Lê Thị Thanh Tâm có một cửa hàng và một kho hàng trong chợ nói như mếu: “Tài sản dành dụm trong 20 năm của gia đình giờ chỉ còn bấy nhiêu đây! Cả cái sổ đỏ của mảnh đất mới mua để trong cửa hàng cũng bị cháy mất. Hai đứa con tôi đang học trong TPHCM nghe chợ cháy gọi điện thoại về khóc nức nở!”... Khuôn mặt thất thần như vẫn không tin vào những gì vừa mới xảy ra với gia đình mình, anh Lương Hữu Thắng, người có 9 sạp kinh doanh hàng tạp hóa tại chợ Quảng Ngãi cho chúng tôi xem một túi nilon đựng số tiền mặt 430 triệu đồng giờ đã bị thiêu cháy, vón thành từng cục. Trước mắt anh giờ đây là khoản nợ ngân hàng trên 600 triệu đồng cùng 300 triệu đồng huy động từ bạn bè, bà con để lấy hàng kinh doanh đầu năm… Biết xoay xở ra sao khi sau lưng anh còn cả một gia đình với 2 đứa con nhỏ thơ dại cộng với khoản nợ chồng chất và một khối lượng tài sản trị giá trên 2 tỉ đồng đã thành tro bụi... Và còn biết bao cảnh xót xa như thế của các tiểu thương khi mồ hôi nước mắt bao năm giờ chỉ còn lại trước mắt là một khung cảnh chợ cháy hoang tàn...

Thật không thể diễn tả được cảm xúc đau xót tột cùng khi chỉ sau một đêm, hàng trăm tiểu thương ở chợ Quảng Ngãi đã lâm vào cảnh khốn đốn, hàng mất, tiền mất, không ít người ngày hôm trước còn là tỷ phú, giờ đã trắng tay. Bây giờ và những ngày sắp tới, cuộc sống của họ sẽ ra sao khi mà tất cả vốn liếng tích góp được đã thành tro bụi?!...

Theo ước tính, tổng giá trị tài sản thiệt hại trong vụ hỏa hoạn tại chợ Quảng Ngãi lên đến 200 tỷ đồng. Đây là công sức, là mồ hôi, nước mắt… của hàng trăm tiểu thương đang buôn bán, kinh doanh tại đây. Chính quyền cùng các cơ quan hữu quan cần nhanh chóng đưa ra những biện pháp kịp thời, hiệu quả, thấu tình đạt lý để giúp người dân sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất.

 

Cảnh tan hoang trong chợ.

Nhiều tiểu thương thẫn thờ nhìn hàng hóa thành đống tro tàn

Bà Thanh bới tìm trong đống tro tàn, hy vọn còn sót lại chút gì đó chưa bị cháy.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên