Về nơi chỉ có người già và con trẻ
“Mẹ cháu đi làm xa lắm, có khi cả năm mới về, ở nhà chỉ có chị em cháu với nội” – đó là tâm sự của một cô bé ở thôn Việt Sơn, xã Bình Trị, Thăng Bình, Quảng Nam.
- Chuyện lạ ở “xóm thánh nhân”
- Chuyện bốn “nam hộ sinh” trên đỉnh Ngọc Linh
- Má hồng đợi "nửa" ngày xưa
Những đứa trẻ lớn lên như cỏ dại
“Cả xóm đi đâu vắng tanh hết vậy bà?”, tôi dừng xe lại hỏi một bà cụ chống gậy bên đường. Đôi mắt già nua nhìn tôi rồi nói: “Có mấy ông ở ngoài đồng, còn phụ nữ thì đi làm xa tận miền Nam. Đi giúp việc nhà cho người ta hết rồi cậu ạ!”. Không để tôi hỏi thêm, bà lão đã lụm khụm chống gậy đi tiếp. Chúng tôi đi quanh con đường trải đá cấp phối trong làng vắng bóng người lớn, chỉ có những đứa trẻ tụm năm tụm ba chơi với nhau. Thấy người lạ chúng chỉ biết đứng lại nhìn rồi tiếp tục chơi.
Tôi mon men lại gần để hỏi chuyện. một cô bé chừng 10 tuổi, dạn dĩ nói: “Mẹ cháu đi làm xa lắm. Có khi cả năm mới về. Ở nhà chỉ có mấy chị em cháu với nội thôi!”. Hỏi chuyện, cô bé tên Vũ Thị Phương (SN 2001) cho biết: “3 chị em cháu ở với ông bà nội. Ngày mẹ đi làm xa, đứa em út chưa đầy 1 tuổi, 3 chị em cháu nhớ mẹ khóc suốt. Hồi trước chưa có điện thoại nên toàn viết thư, đứa nào cũng nhớ mẹ”. Tôi hỏi số điện thoại, cô bé ngẩn ra một lúc rồi mới đọc.
Trong xóm chỉ có những đứa trẻ tha thẩn |
Tôi bấm số, hỏi có phải chị Phan Thị Ánh, mẹ của cháu Phương không. Chị nói phải, rồi sụt sùi: “Thương lắm anh ơi! Con mình thì không chăm được, cứ để chúng sống lăn lóc như cây cỏ vậy, ốm đau phó mặc ông bà nội đã già. Sáu tuổi đã phải vào bếp nấu cơm ăn. Cũng vì cái nghèo, cái khổ mà ra thế này anh ạ!”.
Tôi đưa điện thoại cho cháu Phương nói chuyện, nói được mấy câu, đã nghe thấy tiếng cháu khóc. Mấy đứa em cũng bu lại bên chị để nghe giọng nói của mẹ, mấy mẹ con khóc qua điện thoại mà thấy lòng mình rưng rưng. Qua điện thoại chẳng nói được gì nhiều, chỉ thấy người mẹ dặn mấy đứa nhỏ ở nhà phải ngoan, nghe lời ông bà, đến tết mẹ về sẽ mua cho mỗi đứa một bộ quần ào mới…
Cô bé Phương gạt nước mắt, nghẹn ngào: “Tết vừa rồi mẹ cháu cũng nói như rứa! Mấy chị em cháu chờ mãi mà mẹ không về, chỉ gửi tiền về cho ông bà nội mua quần áo cho chúng cháu thôi. Tết năm nay không biết mẹ có về được không nữa. Mấy chị em cháu đành chờ vậy”. Nhìn đôi mắt ầng ậng nước của cô bé mới hơn mười tuổi mà già dặn như thế, lòng tôi cũng không kìm được…
Đi tiếp một đoạn đường làng nữa, thấy có 2 bà cháu ngồi hong nắng ngoài hiên, tôi vào hỏi chuyện. Con dâu bà là chị Nguyễn Thị Xín, mới 36 tuổi nhưng có “thâm niên” đi làm giúp việc gần 14 năm. Bà ngậm ngùi: “Con bé nó bao nhiêu tuổi thì cũng chừng đó năm phải sống xa mẹ. Nó ở với tôi từ nhỏ, thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ nên quấn hơi bà hơn mẹ. Nhiều lúc thấy nó cứ thui thủi một mình mà tội”…
Vào sâu trong làng, sự vắng vẻ càng hiển hiện. Ngoài những đứa trẻ đang túm tụm chơi đùa, mấy cụ già ngồi lặng lẽ bên mép cửa với gương mặt buồn thiu, thì những người đàn ông, phụ nữ nơi đây đều “thoát li” ra thành phố kiếm kế sinh nhai. Ngang qua những ngôi nhà cửa đóng im ỉm như thế, những đứa trẻ con ở làng này cứ ngày ngày lớn lên như cỏ dại hoa đồng, thao thức những bàn tay người mẹ chăm bẵm lo toan.
Đã nhiều năm nay, mấy chục nóc nhà lợp bằng tôn xộc xệch, thỉnh thoảng lại run lên bần bật theo những đợt gió tạt vào, và làng thường vắng bóng người phụ nữ…
Những ông chồng ở nhà chăm con, lo đồng áng |
Xin một tiếng “ầu ơ”
Xã Bình Trị có 4 thôn, trong đó Việt Sơn là thôn có nhiều phụ nữ đi làm ăn xa nhất. Có 117 hộ nhưng thôn này đã có hơn một nửa số hộ có phụ nữ tha phương giúp việc nhà. Hầu như phụ nữ thôn Việt Sơn đều có thâm niên làm giúp việc hơn 10 năm trở lên. “Đó là những hộ có phụ nữ đi giúp việc nhà thường xuyên, từ năm này sang năm khác, chứ làm giúp việc thời vụ thì nhiều lắm, không tính nổi”, chị Lê Thị Minh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Trị cho biết.
Quả thật có đến thôn Việt Sơn, mới hiểu tại sao làng này lại nhiều người đi làm giúp việc đến thế. Giữa vùng đất bán sơn địa khô cằn, chỉ toàn sỏi đá gan gà, nước ở hồ Đông Tiển thì không đủ tưới những cánh đồng khô hạn quanh năm. Cứ như thế, đàn ông ở đây dẫu không muốn cũng phải “nhắm mắt” cho vợ tha phương kiếm tiền gửi về nuôi gia đình.
Câu nói của ông Phàn, một người cũng có vợ đi giúp việc như lời khẳng định: “Vì đất đai cằn cỗi nên chuyện đồng áng trở thành việc quá nặng, phụ nữ không kham nổi nên phải đi khắp nơi để buôn gánh bán bưng, bán vé số, làm công nhân. Nhưng việc chọn làm giúp việc là nhiều nhất vì không phải lo lắng đến chuyện thuê nhà, bị giựt hàng… Vì thế đó nên thôn Việt Sơn mới thành “làng giúp việc” như thế này đấy”.
Xóm làng vắng bóng phụ nữ |
Khi được hỏi về “nghề” giúp việc có ở đây từ bao giờ, chị Lê Thị Minh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Trị thở dài: “Nói chính xác thì khó lắm. Nhưng, khoảng năm 1997, sau một năm đi làm giúp việc, chị Nguyễn Thị Cẩm (SN 1966) có mang được một số tiền về trang trải cho gia đình. Thấy chị bảo trên thành phố rất nhiều gia đình cần người giúp việc, công việc nhàn nhã, được ăn ngon mặc đẹp, tiền kiếm được lại gấp mấy lần so với làm nông nghiệp nên mọi người trong làng cứ ùn ùn kéo đi làm nghề giúp việc như thế”.
Dẫu biết nghề nào cũng là nghề, miễn kiếm tiền một cách lương thiện. Khi nhìn thấy cảnh những đứa con xa mẹ, khóc thổn thức khi được nghe lời mẹ nói qua điện thoại, cả những đôi mắt buồn buồn nhìn về chốn xa xôi sao nghẹn ngào đến thế. Chắc hẳn ở nơi xa ấy, những người mẹ, người vợ đang vất vả giúp việc cho nhà người cũng chẳng muốn sự cách xa như thế này. Nhưng vì cuộc mưu sinh đầy khốn khó, họ vẫn phải chấp nhận.
Chỉ buồn một nỗi làng vắng tiếng ầu ơ, vắng cảnh những buổi chiều bên mâm cơm có bàn tay người phụ nữ, vắng cả tiếng í ới gọi nhau đi chợ sớm mỗi buổi sáng mai. Và những đứa trẻ ấy vẫn cứ cun cút sống như cỏ dại bên đời, khi những người mẹ Việt Sơn phải xa con biền biệt hơn chục năm trời./.