Về Quảng Xương vẳng câu hò vào lộng, ra khơi

Toàn tỉnh Thanh Hóa có trên 8.500 thuyền đánh cá, sản lượng khai thác ước đạt trên 77.000 tấn/năm.

“Tận diệt nguồn lợi thủy sản” là những từ mà người dân Thanh Hóa đã nhắc đến để chỉ những hành động dùng xung điện, kích điện hay mắt lưới quá nhỏ đánh bắt cá ven bờ. Hành động này có thể khiến nhiều loài cá không còn hiện diện quen thuộc trong những bữa ăn của người dân vùng biển. Vì vậy, từ năm 2008, UBND tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đề án “Bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển”.

Về Quảng Xương, Thanh Hóa những ngày hè nóng nực, cả vùng biển tanh nồng mùi cá trong cái nắng gay gắt. Dưới tán dừa, ông Nguyễn Văn Khương tay đan lưới, miệng lẩm bẩm câu vè: "Tốt gió ta chạy buồm ba/ Nhược bằng không gió chúng ta cầm chèo/ Dòm ra thấy sóng ngã vào/ Cá lớn, cá nhỏ cá nào cũng đi".

Mắt lưới này quá nhỏ để đánh bắt cá ven bờ.  

Ông Khương là ngư dân xã Quảng Lợi, đã gần 60 tuổi, cả đời ông gắn với nghề biển nhưng bây giờ, nguồn lợi từ biển không còn là vô tận. Ông Khương phải dùng lưới đánh cá mắt nhỏ để tận bắt cá con: “Bây giờ đánh bắt kém hơn ngày xưa, các thuyền lớn họ đánh ngoài khơi bắt hết rồi, có con mô lọt được vào trong ni thì tụi tôi thuyền bé mới được vơ vào. Con lớn, con bé đều phải bắt, cá lớn đi rồi phải bắt cá bé. Cá như rứa là ở trong trứng vừa xả ra và chưa kịp lớn được, nhưng không đánh bắt cá bé thì lấy gì mà ăn”. Bằng giọng sền sệt, tiếng nọ quánh vào tiếng kia, ông Khương chẳng ngại công khai việc mình đang vi phạm quy định đánh bắt cá vùng ven biển của UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành từ năm 2008. 

Thực tế này phản ánh đời sống người dân vùng biển. Nhiều gia đình không thể mua tàu lớn để ra khơi xa. Họ quanh quẩn kiếm ăn gần bờ. Khi nguồn thủy sản ven bờ dần kiệt, cuộc sống của họ cũng bấp bênh như biển. Ông Vũ Văn Thọ, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết, việc thực hiện quy định mắt lưới đánh cá không được nhỏ quá kích cỡ quy định chưa thực hiện triệt để. Ngoài biển, việc quản lý đánh bắt cũng chưa tốt, còn nhiều người dùng giã cào, đánh bằng mìn, bằng xung điện: “với tổng số 178 bè mảng, người dân tập trung đánh bắt thì cá mô cho đủ, cạn kiệt hải sản là điều khó tránh”-ông Thọ nói.

Tỉnh Thanh Hóa đang quyết tâm triển khai đề án “Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển”, mục đích là làm cho người dân khai thác thủy sản vùng ven biển đúng quy trình, cá đủ trọng lượng mới đánh bắt. Hơn 4 năm tuyên truyền với hàng chục văn bản, chỉ thị, sử dụng ngân sách nhà nước hàng tỉ đồng, nhiều cấp, nhiều ngành hô hào nhau vào cuộc nhưng chưa đạt kết quả. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ra chỉ thị quản lý tàu cá có công suất dưới 30 sức ngựa, là loại tàu chỉ chuyên dùng để đánh bắt cá ven bờ. Tuy nhiên, như ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thừa nhận: để thay đổi thói quen đã gắn với người lao động bao đời nay không thể chỉ một sớm một chiều. Dù vậy, việc làm này đã ít nhiều tác động đến người dân vùng biển.

Trở lại huyện Quảng Xương, ông Nguyễn Văn Hán chuyên thu mua hải sản và sản xuất nước mắm ở xã Quảng Lợi vẫn luôn miệng phàn nàn vì công việc thu mua nguồn sứa khó hơn trước. Sứa là nguyên liệu xuất khẩu chính của gia đình ông với mỗi tấn sơ chế, khi xuất hàng, ông thu về hàng triệu đồng. Nhưng năm nay, có tìm khắp vùng ven biển Quảng Nham, Quảng Lợi, Quảng Thạch hay lấn sang biển Sầm Sơn, Tĩnh Gia thì lượng sứa đánh bắt cũng chỉ bằng phần nhỏ những năm trước. Thực tế này khiến nguồn thu của gia đình giảm sút đáng kể. Nhưng không như lão ngư Nguyễn Văn Khương, ông Hán không thu mua cá đánh bắt gần bờ vì cá nhỏ, làm nước mắm vừa đắt, vừa làm cho nguồn lợi thủy sản đi đến chỗ cạn kiệt.

Toàn tỉnh Thanh Hóa có trên 8.500 thuyền đánh cá, sản lượng khai thác ước đạt trên 77.000 tấn/năm. Tuy sản lượng đánh bắt tăng theo từng năm nhưng việc đánh bắt gần bờ ngày càng khó khăn. Vì vậy, nhiều người dân dần nhận thức rõ hơn ảnh hưởng tiêu cực của việc khai thác quá mức, khai thác tận diệt. Nhiều người đã tự nguyện từ bỏ phương thức dùng xung điện, dùng chất nổ đánh bắt cá. “Bây giờ cũng không có nhiều người dùng xung điện đánh bắt cá nữa vì làm như thế cá lớn, cá bé đều chết ráo. Chúng tôi vẫn phải đi biển kiếm sống nhưng cá nhỏ quá thì phải để lại cho biển, đánh bắt hết thì sau này con cháu mình sẽ khó khăn hơn.” Người đàn bà lưng đẫm mồ hôi qua lớp áo lao động rộng thùng thình, quấn khăn bịt mặt kín mít có tên là Thanh ở thôn Hồng Phong, xã Quảng Lợi, Quảng Xương đang cùng chồng buộc chặt những thân cây tre làm bè đánh cá đã nói như vậy.

Những lời mộc mạc từ miệng người đàn bà vùng biển xứ Thanh cho cảm giác rằng người dân ở đây dần thay đổi thói quen đánh bắt thủy hải sản. Những con cá được thả về biển, rồi đây sẽ lớn lên, lại sinh nở. Cái lẽ sinh tồn là thế. Biển rộng, nhưng cá ngoài biển kia không vô tận. Khai thác hợp lý, biết tránh mùa cá nở sẽ làm cho nghề cá bền vững. Để mỗi lần về xứ Thanh, lại nghe câu hò vang theo nhịp sóng: “zô tá zô ta/bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm đầy cười, con cá bắc ngang”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên