Về thăm nghĩa trang độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Về làng biển Tam Hải, Quảng Nam, chúng ta sẽ được chứng kiến nghĩa trang cá voi lớn nhất cả nước, và nghe những câu chuyện có thực mà như truyền thuyết.

Từ những câu chuyện tưởng như truyền thuyết...

Vượt qua chiếc phà nối hai xã Tam Quang – Tam Hải, huyện Núi Thành - Quảng Nam, chúng tôi được người dân xã đảo Tam Hải chỉ đến tận nơi được mang tên “Nghĩa trang cá Ông” với một lòng thành kính hết sức đáng khâm phục. Được "quy hoạch" thành khu nghĩa trang, cũng những nấm đất với bia mộ, quan tài bằng tre, mỗi năm được một lần cúng giỗ hương khói hết sức chu đáo...

Đó không phải là nghĩa trang dành cho người, mà dành cho cá voi ở miền biển thuộc thôn Thuận An, xã Tam Hải - huyện Núi Thành, Quảng Nam. Nghĩa địa cá Ông toạ lạc trên vùng cát trắng rộng, giữa rừng dương vi vu trong gió, trong tiếng sóng triều rì rào từ biển vọng vào.

Có đến 529 ngôi mộ, chở che thân xác từng ấy "ngài" đã luỵ vào bờ biển Tam Hải từ mấy trăm năm qua. Trong tâm thức của ngư dân miền biển Quảng Nam, cá Ông chính là thần Nam Hải luôn bảo vệ, nâng đỡ họ trước sóng gió, uy lực của đại dương. Cá Ông có mặt khắp nơi trên biển bao la.

Lễ cúng cá Ông của người dân Tam Hải

Những ngày trời yên biển lặng, cá Ông chào đón những chiếc thuyền ra khơi một cách hồ hởi như đón người thân trở về nhà. Còn những lúc gió bão, thuyền chao đảo, ngã nghiêng trên đầu sóng, chỉ cần vái gọi, cá Ông xuất hiện ngay, đưa tấm thân khổng lồ dìu dắt chiếc thuyền đang gặp nạn vào bờ an toàn. Vì thế, ngư dân mang ơn cá Ông cứu mạng, giữ thuyền, duy trì nghề biển từ ngàn đời nay.

Dẫn đường cho chúng tôi đến Nghĩa trang cá Ông là lão ngư Trương Văn Đông, đã hơn 60 năm lang bạt trên những cơn sóng biển. Ông Đông chỉ những ngôi mộ nhỏ nhắn được vun trên cát, được táng theo từng hàng ngay ngắn, hai đầu mộ đặt những viên đá ong vuông vức.

Ông Đông kể: "Từ hồi tui còn nhỏ đã thấy có mộ các Ngài rồi. Các Ngài linh lắm! Khi sống là thần cứu nạn tàu thuyền giữa biển nguy nan, khi luỵ về đây thành thần phù hộ dân làng chài mạnh tay tinh mắt rượt theo đúng luồng tôm cá, ra khơi trở về tôm cá đầy khoang...". 

Trong câu chuyện kể, ông Đông cũng tiết lộ chính ông cũng từng được cá Ông cứu nạn khi gặp bão. Ông Đông kể: "Hồi ấy gặp bão lớn lắm, thuyền của tui không chèo được, mọi người phó mặc cho trời xem như chết rồi. Bỗng đâu Ông xuất hiện cặp vào mạn thuyền, dìu thuyền ra khỏi bão đi về phía đất liền. Sau này mỗi khi dân quê tui đi biển gặp khi bão tố bất ngờ, chỉ còn cách khấn Ông cứu mạng, nhờ vậy mà vững lòng tin. Có Ông còn dìu thuyền vào cho đến tận bờ, đuối sức mà luỵ...". 

Ông Đông còn nhớ một năm đi biển đói, đến tháng 8 âm lịch rồi mà thuyền ra biển thường chỉ về không, chẳng đủ chi phí nên cả làng chài hoang mang lắm. Rồi một ngày, một Ông luỵ bờ. Làng làm lễ táng lớn trong ba ngày ba đêm, lại đặt bài tế dài xin Ông độ trì cho làng qua kiếp nạn. Rồi năm ấy làng chài của ông "thắng" lớn... 

Nghĩa trang cá Ông ở xã đảo Tam Hải

Đến sức sống của tâm linh

Không ai biết ngôi mộ cá Ông đầu tiên ở đây được chôn cất từ lúc nào. Người ta chỉ biết qua những câu chuyện được truyền lại từ đời này sang đời khác, mà vẫn không mai một thất truyền. Cái tục lệ của ngư dân biển, sống nhờ biển và mang ơn biển được người dân ghi nhớ trong tâm khảm qua việc thờ Ông. Loài cá to lớn của đại dương nhưng mang một sức mạnh huyền bí lạ kỳ.

Một vị cao niên của làng tự hào: "Hơn ai hết, ngư dân chính là những người yêu biển, gắn bó với biển nhiều nhất. Ngư dân ở vùng biển đảo quê tui đã làm nên  tục thờ cúng cá ông".

Các ngư dân cao tuổi của làng biển Tam Hải nhớ lại, tang lễ cá Ông thường rất lớn, có văn tế... Người đầu tiên phát hiện ra Ông luỵ được đóng khăn sô chịu tang và thường có nhiều may mắn. Còn đại lễ tế cá Ông hằng năm diễn ra vào mùa Xuân cũng là lễ tế thần Nam Hải, lễ cầu ngư và bây giờ thì cũng là lễ ra quân đánh bắt xa bờ vụ chính trong năm (vụ cá nam).

Bà con góp tiền góp gạo, chính quyền xã đứng ra chủ trì, làm lễ tế ngay nghĩa địa cá Ông, rồi rước linh Ông ra cửa biển, nhúng lưới, cầu ngư để mong một năm làm ăn thắng lợi. 

Theo nhiều vị cao niên trong làng chài Thuận An, Tam Hải, thì nghĩa địa cá Ông này có tuổi thọ ngang bằng với những giếng Chăm linh thiêng trong xã, nghĩa là trên dưới 500 năm. Theo cụ Nguyễn Thế (sinh năm 1925, là người nhiều tuổi nhất trong làng), thì có một Ông được vua Gia Long ban sắc, đó là cá Ông từ Cù lao Chàm trôi vào.

Năm 1845, khi 28 chiếc thuyền Pháp vào quần đảo Hoàng Sa rồi cập bến Bàn Than (thuộc xã Tam Hải ngày nay), ngay sau đó 27 chiếc bị đánh chìm, một chiếc còn lại được cá Ông dắt vào bãi Bắc. Khi chết, Ông đã được vua Gia Long phong sắc Ngọc Long nương nương. Bây giờ mộ Ông nằm ở vị trí trung tâm của nghĩa địa.

Theo Tiến sĩ Trần Tấn Vịnh - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Nam: “Tục thờ cúng cá Ông không chỉ có ở Quảng Nam, mà còn rải rác khắp dải đất ven biển miền Trung này. Đây có thể được xem là di sản văn hoá biển của người dân Việt, ở đó có niềm tin tâm linh vào biển cả, có sự cố kết hoà quyện giữa thiên nhiên và con người, ở đó còn có cả sự khẳng định chủ quyền đánh bắt trên biển của ngư dân Việt”.

Một con cá Voi dạt vào bờ

Nghĩa trang cá Ông sẽ bị di dời?

Từ trung tâm xã Tam Hải đi ra khu nghĩa địa cá Ông không có đường chính, chỉ có những lối cát mòn mở ra cửa biển rồi từ đó mà tìm về bãi Bắc. Nơi con sóng gọi dạt dào vào rặng dương xanh mướt, rì rào trên khu mộ thênh thang gồm 529 tấm bia thẳng tắp.  

Cũng như bao thăng trầm sóng gió biển khơi, Nghĩa địa cá Ông Tam Hải cũng nằm trong vòng xoáy của bể đời, trước cuộc thế đổi thay, bây giờ là công cuộc công nghiệp hoá đang ồ ạt diễn ra ở dải đất ven biển miền Trung này. 

Ông Nguyễn Đức Tục, Chủ tịch UBND xã Tam Hải ngậm ngùi cho biết: "Mấy năm trước, bà con cả xã vừa vui mừng nhận được quyết định của UBND tỉnh công nhận và bảo vệ Nghĩa địa cá Ông là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh, nhưng rồi lại nhận được chủ trương sẽ tiến hành di dời trọn gói cả xã đảo này sang xã Tam Hoà, lấy đất cho dự án du lịch dịch vụ đặc biệt có vốn đầu tư lên đến hàng tỉ USD. Số phận Nghĩa địa cá Ông chưa biết sẽ về đâu, vì nghĩa địa con người còn chưa có phương án di dời cụ thể, huống gì một nghĩa địa tâm linh như thế!". 

Nghĩa địa cá ông ở thôn Thuận An là nghĩa địa cá ông duy nhất ở vùng biển miền Trung cho đến nay vẫn còn được lưu giữ, thờ cúng hàng năm. Hơn ai hết, ngư dân chính là những người yêu biển, gắn bó với biển nhiều nhất. Ngư dân ở vùng biển đảo xứ Quảng đã làm nên “di sản văn hóa biển” trong đó tiêu biểu là tục thờ cúng cá Ông.

Niềm tin tâm linh xưa cùng với sức mạnh của đất nước ngày nay đã giúp ngư dân thêm vững vàng trong những chuyến ra khơi đánh bắt hải sản, làm giàu cho chính mình và cho quê hương, đất nước. Những ngư dân Tam Hải bao đời nay vững vàng trước sóng gió bể khơi, giờ đây vẫn tin tưởng vào sự tồn tại của Nghĩa địa cá Ông trong tương lai, như niềm tin vào sự cứu nạn của cá Ông bao đời qua, đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ vượt qua cơn bão tố bất ngờ.

Thời gian này, toàn bộ xã Tam Hải đang thực hiện các công tác cần thiết để tiến hành giải tỏa trắng và di dời đến thôn 5 xã Tam Hòa, nhường lại 600ha đất liền và 829ha mặt nước để thực hiện dự án xây dựng khu du lịch tiêu chuẩn quốc tế, với vốn đầu tư lên tới 2,5 tỷ USD.

Các dịch vụ như khu giải trí đặc biệt, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thời trang, trung tâm thương mại… sẽ được mọc lên một cách quy mô. Nhưng đến bây giờ, người dân nơi đây vẫn chưa hề biết số phận của một di tích văn hóa đã được công nhận – Nghĩa địa cá Ông sẽ ra sao?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên