Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường
VOV.VN - TPHCM vừa phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, thực hiện từ nay cho đến hết 15/5.
Xác định công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn là mối lo thường trực của thành phố gần 13 triệu dân, nên Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các bếp ăn tập thể, căn tin trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp...
Trong tình hình mới được cho là nhiều thử thách, khó khăn trong nước và quốc tế ảnh hưởng đến lựa chọn thực phẩm và thái độ của những nhà sản xuất, kinh doanh, Tháng hành động vì ATTP sẽ được triển khai rốt ráo như thế nào? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM.
PV: Tại sao lại chọn thời điểm tháng 4 là Tháng hành động vì ATTP?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Tháng 4 là tháng chuyển mùa và tháng nắng nóng gay gắt; là giai đoạn vi khuẩn phát triển. Chúng ta phải hết sức cảnh giác, tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền tới người dân. Ví dụ thông qua một số vụ việc ở các địa phương khác để cảnh tỉnh, vì nếu lơ là cảnh giác thì cũng có thể xảy ra ở TPHCM.
Đợt thanh tra, kiểm tra của tháng này gồm có đội ngũ thanh tra của Sở ATTP (10 đội), đồng thời còn có các đoàn thanh tra liên ngành của các địa phương cùng phối hợp với các Sở ngành khác. Và chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản nếu như có ngộ độc xảy ra.
Trong thời gian qua, tình hình ATTP của thành phố tương đối yên ả, nhưng tuyệt đối không được bỏ quên một giây phút nào. Nên ba điểm mấu chốt của tháng này đó là thanh tra, kiểm tra đột xuất dựa vào thông tin từ thị trường, địa phương.
Thứ hai là tập trung phòng ngừa và xử lý ngộ độc, không để cho ngộ độc thực phẩm xảy ra. Thứ ba là tuyên truyền đến người dân. Phải nhấn mạnh rằng không có lực lượng thanh tra, kiểm tra nào đủ bao phủ hết tất cả nếu người dân không hợp tác.
Nếu có tin tức về những nơi vi phạm, hãy báo cho đường dây nóng 028.39.301.714 của Sở ATTP.
PV: Trong mùa nắng nóng, nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại các điểm bán thức ăn đường phố rất lớn. Sở ATTP đã có những cách thức quản lý như thế nào?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Nếu là một hàng quán, cơ sở dịch vụ ăn uống, thì phải cấp đủ điều kiện vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm mới được hoạt động, còn hàng rong không được cấp vì mua bán nhỏ lẻ và mức vốn thấp.
Đối với hàng rong, khó kiểm soát nhất là đồ dùng chén đĩa không đảm bảo vệ sinh. Nên từ lâu, chúng ta xác định buôn bán hàng rong hay chính xác là thức ăn đường phố tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Nên thông thường ngộ độc liên quan là những ca ngộ độc nhỏ lẻ và thường là do vi khuẩn.
Chúng ta đã làm gì để quản lý? Toàn thành phố có 15.400 điểm bán thức ăn đường phố, một số phân bổ tại xung quanh trường học, đặc biệt là trường Tiểu học, nhắm vào các em học sinh nhỏ tuổi.
Quản lý thức ăn đường phố được phân cấp về cho các phường, xã, quận, huyện; mỗi địa phương đều nắm được số lượng điểm bán thức ăn đường phố trên địa bàn của mình.
Nhìn thì thấy “di động” như vậy, nhưng vẫn được kiểm tra, kiểm soát thông qua những đợt tập huấn, tăng cường kiến thức, trang bị dụng cụ.... để những yếu tố nguy cơ về ATTP giảm đi.
Các địa phương cũng đang khẩn trương xây dựng những tuyến đường ATTP mẫu, hoặc những tuyến đường, tuyến phố không có thức ăn đường phố.
Nhưng điều quan trọng nhất, là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Nói một cách đơn giản thôi, thấy dơ thì đừng vào ăn!
PV: Bà vừa nhắc đến ATTP tại các trường học. Vậy trong tháng hành động vì ATTP, TPHCM sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra vấn đề này ra sao?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền tới phụ huynh, đừng quá nuông chiều con, cho con tiền để mua đồ ăn vặt bừa bãi.
Có thể có những vụ ngộ độc thực phẩm mà chúng ta chưa phát hiện ra, nhưng vẫn phải xác nhận đây là một nguy cơ lúc nào cũng tiềm ẩn.
Chúng tôi kiểm soát rất chặt chẽ bếp ăn tập thể, căn tin trong trường học, nhưng bên ngoài cổng trường thì khó kiểm soát hơn, đặc biệt đối với những đối tượng “di động” như thế này. Chúng ta không chống nhưng phải vận động để yêu cầu người hành nghề làm cho sạch hơn thì mới có khách hàng.
Mùa nắng nóng rất nguy hiểm, chúng tôi không khuyến khích học sinh mua đồ ăn vặt. Ở đây không chỉ là trái cây ngào đường, đồ chấm mắm... mà còn nguy hiểm tiềm ẩn đến từ những thực phẩm bao gói sẵn nhập khẩu không rõ nguồn gốc, nếu thanh kiểm tra đều có hình thức xử phạt.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!