Phụ huynh chủ quan không tiêm phòng, trẻ gặp biến chứng nặng vì sởi
VOV.VN -Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 17/9/2018, toàn quốc có 37 tỉnh, thành phố ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc sởi dương tính, 1 trường hợp tử vong
Trong 2 tháng 11 và 12/2018, Bộ Y tế triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - Rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi tại vùng nguy cơ cao.
Trước tình hình bệnh sởi có dấu hiệu tăng cao tại nhiều địa phương, Bộ Y tế đã có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - Rubella cho khoảng hơn 4,2 triệu trẻ từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018 - 2019.
Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 17/9/2018, toàn quốc có 37 tỉnh, thành phố ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc sởi dương tính, 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên.
Các tỉnh hiện có số ca bệnh sởi cao chủ yếu tập trung ở khu vực miền Bắc, trong đó có Hà Nội.
Tờ rơi hướng dẫn phòng chống bệnh Sởi của Sở Y tế Hà Nội.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý, trong số những ca mắc sởi nhập viện Nhi Trung ương có những trẻ chưa được tiêm phòng.
“Đây là điều chúng ta cần lưu ý và đặc biệt chúng tôi từng tiếp nhận một trường hợp nhiễm sơ sinh, là một cháu bé mới 14 ngày tuổi mắc sởi. Cả hai mẹ con đều bị sởi. Do đó, chúng ta cần phải chú ý hai vấn đề, thứ nhất là số các cháu không tiêm phòng mắc sởi nhiều hơn. Thứ hai là, kể cả các cháu chưa đến tuổi tiêm phòng, thì vẫn mắc bệnh. Từ đó đánh giá rằng, miễn dịch sởi trong cộng đồng, trong các nhóm tuổi của bà mẹ sinh đẻ đang bị giảm xuống”, ông Trần Minh Điển cho biết.
Cũng theo ông Trần Minh Điển, virus sởi lây lan rất mạnh, do đó việc giữ gìn vệ sinh hay tiêm chủng cho trẻ đúng theo lứa tuổi và lịch hẹn là rất quan trọng.
Tại Hà Nội, chiến dịch nhằm mục tiêu đảm bảo 95% trẻ từ 1-5 tuổi sống trên địa bàn được tiêm bổ sung một mũi vaccine phòng bệnh sởi - Rubella; đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng theo quy định.
Tờ rơi hướng dẫn phòng chống bệnh sởi của Sở Y tế Hà Nội. |
Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, các nhân viên y tế cần phối hợp với các cộng tác viên dân số, giáo viên, nhà trường… vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm, tránh bỏ sót. Trong trường hợp vì lý do sức khỏe, chưa đủ điều kiện tiêm ngay thì phải hẹn rõ lịch tiêm tiếp theo.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho rằng, cần phải có sự chuẩn bị và đặc biệt cũng phải làm công tác truyền thông để các ông bố, bà mẹ nắm được, nhằm giảm bớt con số mắc sởi trong năm nay.
Ông Điển nhấn mạnh: “Chúng ta phải đưa con đi tiêm chủng theo lịch hẹn và theo đúng lứa tuổi của các cháu. Hiện nay, chúng ta quy định trẻ trên 9 tháng có thể tiêm sởi và tiêm nhắc lại mũi hai vào 18 tháng. Đối với các bà mẹ đang ở lứa tuổi sinh đẻ, trước khi mang thai phải tiêm phòng sởi và Rubella để nâng cao miễn dịch cho bà mẹ và khi con sinh ra đời thì đã có miễn dịch từ mẹ truyền sang”.
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, đợt 1 của chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - Rubella diễn ra vào tháng 11-12/2018 tại 156 quận/huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh/thành phố.
Đợt 2 vào tháng 1-2/2019 tại 262 quận/huyện nguy cơ cao của 37 tỉnh/thành phố./.
Tiêm bổ sung vaccine Sởi-Rubella cho trên 4,2 triệu trẻ em vùng dịch
Chuyên gia lo ngại dịch sởi quay lại theo chu kỳ 4 năm?