Phụ huynh, học sinh Hà Nội thấp thỏm mong công bố môn thi vào lớp 10
VOV.VN - Hiện tại nhiều địa phương trên cả nước đã công bố các môn thi vào lớp 10, còn tại Hà Nội, nhiều học sinh, phụ huynh vẫn nóng lòng chờ phương án thi của thành phố. Việc học và ôn tập cũng được chạy đua nước rút để đạt kết quả cao nhất.
Tính đến thời điểm này, cả nước đã có hơn 20 tỉnh, thành phố công bố phương án tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. Theo đó đa số các địa phương này tổ chức 1 kỳ thi chung để tuyển sinh với 3 môn thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Một số địa phương khác cũng đang tính toán việc thi 3 môn hay 4 môn.
Tại Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được nhiều phụ huynh đánh giá là cam go và “hẹp cửa” hơn cả việc xét tuyển đại học. Mỗi năm Hà Nội có khoảng 60% học sinh có “vé” vào THPT công lập. Số còn lại sẽ học tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, THPT ngoài công lập hoặc học nghề. Cũng bởi sức nóng và tỷ lệ cạnh tranh rất cao, mà thời điểm này học sinh cuối cấp tại thành phố cũng đang nóng lòng chờ phương án thi của thành phố. Việc học và ôn tập cũng được chạy đua nước rút để đạt kết quả cao nhất.
Có con đang học lớp 9 tại Cầu Giấy (Hà Nội), anh Vũ Xuân Cường cho biết, trong khi nhiều địa phương đã sớm công bố môn thi, thì phụ huynh và học sinh Hà Nội vẫn đang nóng lòng chờ đợi. Bản thân anh Cường cũng hy vọng Sở GD-ĐT Hà Nội sớm công bố để thí sinh bớt căng thẳng, lo lắng, tập trung ôn tập hiệu quả hơn.
“Như 2 năm vừa qua, Hà Nội tổ chức thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và đạt kết quả rất tốt. Là phụ huynh đã từng đồng hành cùng con trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 2 năm trước, tôi nhận thấy việc thi 4 môn không thực sự cần thiết. Chỉ cần 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ đã có thể đánh giá năng lực của học sinh. Hơn nữa theo cách tính điểm thi vào 10 hiện nay, môn Toán, Ngữ văn được nhân 2, 2 môn còn lại nhân hệ số 1. Do đó, thực tế các con vẫn tập trung học 3 môn “cứng” này nhiều hơn, ngay cả khi điểm môn thứ 4 có thấp hơn cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Bởi vậy nếu nói thi 4 môn để học sinh học toàn diện hơn cũng rất khó. Nếu môn thứ 4 không phải môn thế mạnh, nhiều con sẽ tập trung vào 3 môn còn lại để "gánh điểm" hơn là dồn lực cho môn thứ 4”, anh Cường chia sẻ.
Phụ huynh này cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10, ngay từ năm học lớp 8, con trai anh đã tập trung cao độ cho việc học. Đặc biệt thời điểm này, hầu hết lịch học của con đều kín tuần. Ngoài thời gian học trên lớp, con trai anh Cường vẫn tham gia các lớp học thêm, học gia sư, tự học tại nhà.
“Kỳ thi vào lớp 10 rất cam go. Việc đỗ hay trượt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả tỷ lệ chọi. Dù điểm có ở mức khá cao, nhưng nếu các trường công lập trong khu vực đăng ký có tỷ lệ chọi cao thì vẫn có thể trượt. Kỳ thi này không chỉ áp lực với học sinh mà còn áp lực, căng thẳng cả với phụ huynh”.
Từ khi bước sang học kỳ 1, con gái chị Nguyễn Thu Hiền (Hà Đông, Hà Nội) gần như không có thời gian rảnh. Trừ tối Chủ nhật, các buổi tối khác trong tuần con gái chị đều có lịch học thêm học cùng gia sư và học nhóm. Để có thời gian tự học thêm, thậm chí nữ sinh còn tranh thủ làm bài khi ăn trưa hay học vào lúc tối khuya.
“Con đặt mục tiêu thi vào THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) nên rất cố gắng trong kỳ thi này. Năm trước trường lấy 42,25 tức trung mình mỗi môn thí sinh phải đạt gần 8,5 điểm trở lên. Thời điểm này vì chưa biết môn thi, nên con vẫn cố gắng học các môn thật chắc, ngoài ra, tập trung nhiều hơn vào 3 môn đã biết trước là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Việc học căng thẳng khiến con nhiều khi mệt mỏi, uể oải. Bố mẹ chỉ có thể động viên, đồng hành cùng con, không tạo áp lực vì bản thân các con đã quá căng thẳng với việc học”, chị Hiền chia sẻ.
Phụ huynh này cũng hy vọng Hà Nội sớm công bố phương án thi tuyển sinh lớp 10 để học sinh, phụ huynh có sự chuẩn bị tốt hơn.
Quay cuồng với sách vở, kỳ nghỉ Tết vừa rồi Hoàng Thảo Nguyên (Cầu Giấy, Hà Nội) gần như không đi chúc Tết cùng gia đình: “Em tranh thủ thời gian nghỉ Tết để tự ôn tập tại những kiến thức còn cảm thấy chưa chắc chắn. Trong mấy ngày Tết, em chỉ tranh thủ sang chúc Tết ông bà nội, ngoại rồi lại ở nhà học bài. Em học khá tốt môn Ngữ văn và tiếng Anh nhưng lại kém môn Toán. Em cũng có thiên hướng về các môn xã hội nhiều hơn, bởi vậy em rất lo lắng nếu thi 4 môn và môn thi thứ 4 sẽ rơi vào Vật lý hay Hóa học. Dù bố mẹ không ép, nhưng em vẫn hy vọng có thể đỗ vào trường công lập để giảm bớt áp lực tài chính cho gia đình so với học trường tư thục. Em hy vọng sẽ sớm công bố môn thi thứ 4 để có phương án ôn tập phù hợp”, Nguyên chia sẻ.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm nay thành phố áp dụng phương thức thi tuyển, bao gồm ba môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Môn thi thứ tư, nếu có, sẽ công bố trong tháng 3/2024. Môn thi thứ tư được lựa chọn theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học trong chương trình giáo dục trung học cơ sở hiện hành của Bộ GD-ĐT.