Phụ huynh than học lớp 1 quá nặng, sách giáo khoa còn bất cập
VOV.VN - Có những vấn đề đã nảy sinh khi chương trình phổ thông mới đi vào thực tế. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra bất cập và khoảng cách giữa môn Tiếng Việt với các môn học khác trong chương trình.
Riêng môn Tiếng Việt trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã khiến các giáo viên than dạy khổ, học sinh học khó và phụ huynh không khỏi lo. Không khó để bắt gặp trên các diễn đàn giáo dục hình ảnh các trang sách Tiếng Việt được chụp lại, kèm theo nhận xét cụ thể chỉ ra những điểm khó, điểm nặng của chương trình mới.
TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ ra những điểm khiến môn Tiếng Việt của chương trình mới là quá tải với học sinh: “Điểm mà các phụ huynh cảm thấy căng thẳng nhất chính là trong 1 tuần các con học 12 tiết Tiếng Việt thay cho 8 tiết như chương trình cũ. Với 12 tiết Tiếng Việt và số vần ít hơn thì có vẻ các con sẽ được giảm tải. Nhưng thực tế, với 12 tiết Tiếng Việt, học sinh không thể tải hết chương trình sau 1 tuần. Hết 1 tuần, các con vẫn quên các âm, các vần đã được học. Trong khi sang tuần mới, các con lại học tiếp các âm mới và vần mới. Đây chính là nguyên nhân khiến việc học trở nên quá tải”.
Cũng theo TS Hương, đã có những bất cập giữa các bộ sách, theo đó, có giáo viên phản ánh rằng có những chữ học sinh chưa được học trong môn Tiếng Việt, nhưng các bộ môn khác các em đã phải viết những chữ cái này. Đây là những bất cập, khoảng cách giữa các môn học trong cả chương trình. Điều này gây khó khăn cho cả học sinh và giáo viên.
TS Vũ Thu Hương cho rằng: “Với môn Tiếng Việt đang gặp rất nhiều khó khăn, chúng ta có thể dừng lại và sử dụng chương trình cũ. Còn các môn khác có thể áp dụng chương trình mời. Trong thời gian dừng lại chúng ta có thể chỉnh sửa những bất ổn trong môn Tiếng Việt”.
Đến nay, chương trình phổ thông 2018 và SGK lớp 1 mới đã đưa vào dạy và học thực tế được một tháng qua và chính các phụ huynh là người hiểu rõ hơn ai hết những “vất vả” khi cùng con trẻ tập viết, tập đọc.
Chưa bàn sâu vào nội dung các bài học hay ý nghĩa những câu chuyện ngụ ngôn được trích dẫn…, vốn cũng đang vấp phải không ít nhận định cho rằng không phù hợp, thì chương trình được kỳ vọng giảm tải song thực chất lại quá nặng cho trẻ vỡ lòng.
Các phụ huynh đang phải “học lại” để kèm con. Tối nào bố mẹ và con cũng phải học cùng nhau hàng tiếng đồng hồ mà vẫn chưa xong bài, vì con cứ nhớ trước quên sau. Nhìn con khóc lóc, đánh vật đến khuya với những nét chữ đầu tiên thì phụ huynh nào cũng phải bức xúc. “Con mới từ môi trường mẫu giáo chuyển lên. Đi học lớp 1 chưa quen còn khóc. Tôi cũng không kỳ vọng con thành “thần đồng” để ngay khi vào vỡ lòng đã phải học nặng thế này”./.