“Phục vụ chúng sinh là cúng dường Chư Phật”

“Nỗi khổ, nỗi bất hạnh của người khác cũng là của mình”. Xuất phát từ những suy nghĩ ấy, trong nhiều năm qua, ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn, trụ trì chùa Cần Linh (Nghệ An) đã phát tâm làm từ thiện với số tiền hơn 4 tỷ đồng

Ngay từ bé, trong con người ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn đã mang nặng lòng trắc ẩn trước những mảnh đời khốn khó, bất hạnh. Hình ảnh những người lang thang cơ nhỡ, đói khát, không chốn nương thân luôn ám ảnh bà. Không biết bao nhiêu lần ni sư Diệu Nhẫn giấu gia đình đem cơm, đem gạo cho họ. Có những đêm mưa tầm tã, nhưng hình ảnh những người đói rét co ro đứng dưới mưa lại đưa bước chân bà đến với họ để chia sẻ, an ủi họ.

Năm 1998, bà lên chùa xuất gia để thực hiện được tâm nguyện lúc nào cũng âm ỉ trong mình: Giúp đỡ được nhiều hơn những người gặp hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Ngôi chùa Cần Linh, phường Cửa Nam, thành phố Vinh, Nghệ An- nơi ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn đến tu lúc bấy giờ gần như đổ nát, cỏ hoang mọc um tùm. Nhưng chỉ 11 năm sau, dưới sự chăm sóc của Ni sư Diệu Nhẫn, ngôi chùa đã được xây dựng lại khang trang với số tiền gần 5 tỷ đồng. Đến nay, chùa Cần Linh là địa chỉ tín ngưỡng của hầu hết người dân Nghệ An. Mới đây, chùa lại được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Làm từ thiện bằng tâm cung kính

Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn

Không chỉ chăm lo việc đạo, ni sư Diệu Nhẫn lúc nào cũng đau đáu việc làm từ thiện. Trong những năm qua, ni sư đã vận động các tăng ni, phật tử đóng góp tiền và vật phẩm ủng hộ người nghèo với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Theo Ni sư Diệu Nhẫn, làm từ thiện là ban vui, cứu khổ, tương thân tương ái, báo đáp chứ không phải là cho quà lúc hoạn nạn. Làm từ thiện phải với tâm cung kính và sự trân trọng từ tấm lòng chứ không phải là đi bố thí. “Của cho không bằng cách cho”-ni sư Diệu Nhẫn luôn tâm niệm.

Có lẽ với suy nghĩ như vậy, mỗi khi các địa phương gặp hoạn nạn, thiên tai như lũ lụt ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, sạt lở núi đá ở thủy điện Bản Vẽ, tai nạn giao thông thảm khốc ở rú Guộc Tham Chương… đích thân ni sư Diệu Nhẫn đã dẫn đầu đoàn ni sư chùa Cần Linh đến tận nơi để chia sẻ, động viên những gia đình gặp nạn.

Năm nào cũng vậy, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7), ni sư Diệu Nhẫn và Phật tử chùa Cần Linh đều đi thăm hỏi, động viên tặng quà cho các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh nặng... Có những năm, đoàn tăng ni, Phật tử chùa Cần Linh còn vượt hàng nghìn cây số đến tận nghĩa trang Côn Đảo, Trường Sơn, Phú Quốc… để thắp hương tưởng nhớ, lập dàn cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ.

Trong những năm gần đây, ni sư đã trực tiếp đứng ra trợ cấp tài chính hàng chục triệu đồng cho các bệnh nhân bị mù được mổ mắt, đem lại ánh sáng cho nhiều trường hợp như em Trần Thị Mai (huyện Đô Lương), em Nguyễn Văn Thanh (TP.Vinh), bé Lê Thị Quý (huyện Nam Đàn)... Nghe tin có đoàn bác sĩ quốc tế phẫu thuật nụ cười vì trẻ thơ, ni sư Diệu Nhẫn đã tìm đến để đóng góp phẫu thuật cho các em… Nhà chùa cũng thường xuyên trợ cấp tiền cho các gia đình đặc biệt khó khăn ở huyện Nam Đàn, huyện Hưng Nguyên mỗi tháng hơn 500.000 đồng. Trong dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua, ni sư Diệu Nhẫn đã mua nợ của Công ty dầu Tường An hơn 1.600 chai dầu, mua chịu cho 10 tấn gạo, đường, mì chính để làm quà tặng cho gần 2.000 hộ nghèo.

Luôn sống “Tốt đời, đẹp đạo”

Không chỉ làm trực tiếp công tác từ thiện xã hội, ni sư Diệu Nhẫn còn góp phần vào sự phát triển văn hóa, giáo dục thế hệ trẻ thông qua việc tặng quà, động viên kịp thời các thầy cô giáo dạy giỏi, các học sinh đạt thành tích cao trong học tập.

Mỗi năm, ni sư Diệu Nhẫn cũng đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các khối xóm trên địa bàn dân cư xây dựng đường sá, đèn chiếu sáng công cộng, phối hợp với các cấp đoàn thể, chính quyền đến tận nhà các đối tượng tệ nạn xã hội để động viên, giúp đỡ gia đình họ về vật chất để họ yên tâm cai nghiện, không còn mặc cảm với cộng đồng. “Trong mỗi con người đều có bản tính thiện. Vì thế nếu biết đánh thức phần thiện trong mỗi con người thì cái ác sẽ bị đẩy lùi. Thực hiện lời Phật dạy “Phật pháp bất ly thế gian”, tôi đã hóa độ bản chất từ bi, hỷ xả, vô ngã vị tha để mọi người đều được tiếp cận và luôn có niềm tin rằng, tu nhân tích đức làm điều lành, lánh điều ác là việc làm cần thiết trong mỗi con người”- Ni sư Diệu Nhẫn tâm sự.

Lúc nào ni sư Diệu Nhẫn cũng day dứt trước những cảnh đời bất hạnh, những cụ già không nơi nương tựa, những em bé mồ côi, cơ nhỡ không được học hành, đói cơm rách áo… Bà chỉ ao ước một ngày nào đó sẽ xây dựng được một ngôi nhà tình thương để làm mái ấm cho những cảnh đời bất hạnh ấy.

Với những cống hiến của mình, Ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn vừa vinh dự là một trong 7 cá nhân trên toàn quốc được nhận giải thưởng "Nhân ái Việt Nam" lần thứ 2. Tại Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An lần thứ XII, ni sư Diệu Nhẫn tiếp tục được tín nhiệm bầu vào Ủy viên BCH. Vào tháng 9 này, ni sư sẽ là một trong các đại biểu tiêu biểu của tỉnh Nghệ An dự Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên