Quân dân Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng

VOV.VN -Quân dân Trường Sa chung sức đồng lòng, cùng nhau xây dựng huyện đảo ngày càng giàu đẹp.

Được giải phóng trong những ngày tháng 4/1975 lịch sử, 43 năm trôi qua, lớp lớp cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam thay nhau gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nơi đầu sóng.

Quân dân Trường Sa chung sức đồng lòng, cùng nhau xây dựng huyện đảo ngày càng giàu đẹp.

Đường vào đảo Trường Sa.

Trong chuyến công tác đến với cán bộ, chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa trong những ngày tháng 4, tôi được nghe nhiều câu chuyện kể về những người lính Hải quân kiên cường, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu để giải phóng Trường Sa.

Nơi đây 43 năm về trước, vào rạng sáng 14/4/1975, lực lượng của Đội 1 đặc công Hải quân cùng một bộ phận lực lượng đặc công Quân khu 5 bí mật tiếp cận đảo Song Tử Tây và giải phóng đảo này sau 30 phút chiến đấu.

Lần lượt sau đó bộ đội Hải quân đã giải phóng các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa, Nam Yết... và giải phóng toàn bộ quần đảo Trường Sa, lập nên chiến công có ý nghĩa chiến lược, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.

Và hôm nay, nơi “đầu sóng, ngọn gió”, lớp lớp những cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên 21 điểm đảo và 33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa vẫn kiên trung, chắc tay súng để bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc nơi đầu sóng

Đảo Sơn Ca.

Song Tử Tây - đảo đầu tiên mà chúng tôi trong hành trình thăm quân dân huyện đảo Trường Sa, cũng là đảo đầu tiên được giải phóng trong những ngày tháng 4/1975 lịch sử.

Tại đây đoàn công tác cùng quân dân trên đảo thực hiện nghi lễ chào cờ thật trang nghiêm.

Giữa mênh mông sóng nước, dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trước cột mốc chủ quyền trên đảo, tất cả hát vang bài quốc ca với niềm tự hào của những người con đất Việt.

10 lời thề danh dự của chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam vang lên trong lễ chào cờ được cán bộ chiến sĩ (CBCS) đảo Song Tử Tây đọc dõng dạc, vang xa thể hiện tinh thần quyết tâm vượt mọi thử thách nơi đầu sóng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Trung tá Nguyễn Đức Độ, chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết, phát huy truyền thống của bộ đội Hải quân, những năm qua, quân dân trên đảo Song Tử Tây luôn đoàn kết, gắn bó, cùng nhau xây dựng, bảo vệ đảo.

Theo Trung tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca: Phát huy truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, các CBCS đảo Sơn Ca luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, nêu cao tinh thần cảnh giác, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

43 năm đã trôi qua, nhưng các thế hệ CBCS nối tiếp nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Trường Sa luôn khắc ghi chiến thắng thần tốc giải phóng Trường Sa của thế hệ cha anh đi trước, đã không tiếc máu xương để gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đó không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường anh dũng, mà còn là khát vọng hòa bình của bộ đội hải quân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

43 năm – Trường Sa giờ đã thay da đổi thịt, khang trang hơn, hiện đại hơn và đủ đầy hơn. Nhưng thứ “đặc sản” ở Trường Sa là nắng, gió, sóng biển và thời tiết vô cùng khắc nghiệt thì vẫn nguyên vẹn. Có lẽ vì thế mà Trường Sa đã tôi luyện cho những người lính một bản lĩnh, một tinh thần, một ý chí thép.  Đến với các đảo chìm, đảo nổi.

Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca.

Ở đâu chúng tôi cũng gặp những gương mặt nhuốm vị mặn mòi của biển. Trò chuyện với những người lính đảo chìm, chúng tôi được nghe, được biết nhiều chuyện cảm động đầy chất lính.

Làm sao có thể nêu hết, kể hết những gian khó mà người lính ở các đảo chìm phải đối mặt trong quá trình bám biển.

Điều khiến chúng tôi khâm phục ở những người lính đảo chìm là khi đề cập đến những gian khó ấy, các anh luôn nở nụ cười tươi, không thở than mà chỉ sẻ chia, tâm tình và đối mặt.

Thế mới biết không có sức mạnh sóng gió, gian truân nào có thể quật ngã các anh, những người lính Trường Sa ở các đảo nổi, đảo chìm, những người lính đầu đội nắng, ngực chắn sóng, chân đạp trên cát bỏng… luôn bỏng cháy tình yêu đất nước và khát vọng cống hiến cho biển đảo quê hương.

Đảo Tốc Tan.

Thượng úy Ngô Văn Bun, Chính trị viên đảo Cô Lin chia sẻ: Trước đây, khi chưa có hệ thống năng lượng gió và mặt trời, đặc biệt là trạm phát sóng điện thoại Viettel thì cuộc sống sinh hoạt của anh em lính đảo khó khăn về mọi mặt. Sách báo, thư từ có khi 3- 4 tháng mới đến tay lính đảo. Thiếu rau xanh, thiếu phương tiện giải trí, nước ngọt thì chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa, vì thế anh em phải chia nhau từng ca nước. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân cả nước, cuộc sống của những người lính Trường Sa đã bớt khó khăn hơn rất nhiều.

Trung uý Nguyễn Huy Trường, Bí thư Đoàn Thanh niên đảo Đá Thị tâm tình: "Em chọn theo lực lượng Hải quân vì những ấn tượng sâu đậm về hình ảnh người lính biển kiên cường nơi đầu sóng trong đời thực, trên trang sách và những bài viết. Em đã có thời gian công tác ở đảo chìm 5 năm rồi. Sống, làm việc ở đây mới thấu hiểu, từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc phải được bảo vệ muôn đời dù phải trả bằng bất cứ giá nào. “Biển này là của ta, đảo này là của ta”. Niềm tự hào đó thôi thúc chúng em tiếp tục cống hiến trọn vẹn sức trẻ, trí tuệ của mình.

Những ngày tháng 4 ở Trường Sa, không chỉ những người lính Hải quân có nhiều hoạt động thiết thực, lập thành tích chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước mà những người dân trên các đảo cũng luôn một lòng cùng chung tay, chung sức đồng lòng, gắn kết tình cảm quân dân để xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc nơi phên dậu của Tổ quốc.

Anh Nguyễn Minh Châu, hộ dân số 7 đảo Sinh Tồn và chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, người dân trên đảo Song Tử Tây tự hào: Từ lâu Trường Sa là quê hương thứ 2 của mình. Dẫu đảo xa còn nhiều khó khăn so với đất liền nhưng anh Châu, chị Thảo cũng như toàn bộ người dân trên quần đảo Trường Sa rất tự hào vì được đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hệ thống điện mặt trời, điện gió trên đảo Trường Sa lớn.

Từ một quần đảo thừa nắng gió, thiếu nước ngọt thì nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân cả nước, Trường Sa đã thay da đổi thịt, ngày càng hiện đại, đủ đầy hơn, khang trang hơn với màu xanh ngút ngàn của cây trái, màu tươi mới của những mái ngói đỏ tươi, những công trình khang trang hiện đại phục vụ cuộc sống sinh hoạt cũng như thực hiện nhiệm vụ của quân dân huyện đảo. 

“Quân và dân huyện đảo Trường Sa luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm trong bất kỳ hoàn cảnh nào bộ đội Trường Sa cũng giữ vững ý chí chiến đấu, vững vàng nắm chắc tay súng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và Đảng, Nhà nước, quân đội giao cho và không bao giờ chúng tôi phụ lòng tin đó. Trên mỗi điểm đảo ở quần đảo Trường Sa, chỉ huy đơn vị và các lực lượng rất cảm kích trước tấm lòng yêu mến của nhân dân cả nước dành cho quân, dân huyện đảo”, Trung tá Lương Quốc Anh, chỉ huy trưởng đảo Trường Sa khẳng định. 

Trung tâm y tế Trường Sa.

Trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng lời Bác dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của mỗi cán bộ chiến sĩ. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người lính Trường Sa vẫn luôn chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cựu binh Trường Sa nặng tình với đồng đội
Cựu binh Trường Sa nặng tình với đồng đội

VOV.VN -Cựu binh Trần Văn Tiến luôn nặng tình với đồng đội, nghĩ về những tháng ngày quân ngũ và đồng đội năm xưa.

Cựu binh Trường Sa nặng tình với đồng đội

Cựu binh Trường Sa nặng tình với đồng đội

VOV.VN -Cựu binh Trần Văn Tiến luôn nặng tình với đồng đội, nghĩ về những tháng ngày quân ngũ và đồng đội năm xưa.

Bệnh xá đảo Trường Sa cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị liệt hai chân
Bệnh xá đảo Trường Sa cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị liệt hai chân

VOV.VN - Bệnh xá đảo Trường Sa vừa cấp cứu kịp thời một ngư dân ở Quảng Ngãi bị hạ liệt do bệnh giảm áp (liệt 2 chân).

Bệnh xá đảo Trường Sa cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị liệt hai chân

Bệnh xá đảo Trường Sa cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị liệt hai chân

VOV.VN - Bệnh xá đảo Trường Sa vừa cấp cứu kịp thời một ngư dân ở Quảng Ngãi bị hạ liệt do bệnh giảm áp (liệt 2 chân).

Những nhà sư đón xuân ở Trường Sa
Những nhà sư đón xuân ở Trường Sa

VOV.VN - Mùa Xuân này, 4 nhà sư ở tỉnh Khánh Hòa ra quần đảo Trường Sa làm Phật sự.

Những nhà sư đón xuân ở Trường Sa

Những nhà sư đón xuân ở Trường Sa

VOV.VN - Mùa Xuân này, 4 nhà sư ở tỉnh Khánh Hòa ra quần đảo Trường Sa làm Phật sự.