Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam
VOV.VN - Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.
Hiện nay, các đô thị trên thế giới đang quản lý chất lượng không khí ra sao? Bài học kinh nghiệm nào có thể áp dụng cho Việt Nam…
PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Bikash Pandey, Quyền Giám đốc Dự án Giảm thiểu ô nhiễm của USAID, Winrock International xung quanh nội dung này.
PV: Hiện nay, ô nhiễm khí phát thải từ phương tiện giao thông đang là nguồn phát thải chính. Các đô thị trên thế giới hiện đang quản lý phát thải từ phương tiện giao thông như thế nào?
Ông Bikash Pandey: Chúng ta có thể sử dụng các phương tiện giao thông với công nghệ tốt hơn, sử dụng nhiên liệu sạch hơn thì lượng khí phát thải ra ít hơn. Như vậy, dù có nhiều phương tiện hơn thì vẫn giảm được ô nhiễm.
Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn giảm thiểu ô nhiễm ở một khu vực cụ thể nhưng lại có rất nhiều phương tiện cơ giới tập trung, chúng ta có thể sử dụng các biện pháp hạn chế phương tiện.
Hiện tại, nhiều quốc gia ở châu Âu, Mỹ đã cấm xe ô tô vào những khu vực trung tâm của thành phố, hoặc thu phí cao với xe muốn vào, ví dụ như ở New York.
Tôi cho rằng, dù với số lượng phương tiện cao hơn, chúng ta cũng vẫn giảm được ô nhiễm, bằng cách áp dụng tiêu chuẩn phát thải thấp, và trong một số trường hợp có thể hạn chế, hoặc giảm số lượng xe ra vào một số khu vực nhất định cũng như áp dụng một số biện pháp khuyến khích khác.
PV: Vậy, tại Mỹ, việc thu thập dữ liệu về chất lượng không khí và thông tin về hiện trang chất lượng không khí tại Mỹ đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Bikash Pandey: Tại Mỹ, có rất nhiều máy đo chất lượng không khí được lắp đặt ở nhiều nơi trong thành phố. Chúng tôi khuyến khích việc lắp thiết bị chi phí thấp, mà mọi người ai cũng có thể lắp. Các văn phòng, khách sạn và nhiều nơi đều có thể lắp, như vậy có nhiều điểm có thể thu được dữ liệu.
Càng có nhiều thiết bị đo thì càng có nhiều thông tin, dữ liệu cho việc xử lý và phân tích các thông tin được cung cấp chi tiết hơn.
Chính phủ cũng đầu tư trạm quan trắc chất lượng không khí tập trung. Dữ liệu về chất lượng không khí được tổng hợp từ các trạm quan trắc và thiết bị đo, sau khi được xử lý sẽ thông tin tới người dân thông qua các website/ app trên điện thoại giống như các thông tin về dự báo thời tiết.
PV: Thưa ông, từ kinh nghiệm của Mỹ, ông có khuyến nghị gì đối với Việt Nam trong công tác quản lý và kiểm soát chất lượng không khí?
Ông Bikash Pandey: Việt Nam hiện tại còn rất ít các máy đo chất lượng không khí. Vấn đề về ô nhiễm không khí có thể được giải quyết nếu chúng ta có hệ thống pháp luật phù hợp và công nghệ tốt. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm từ quốc tế, còn có một yếu tố quan trọng nữa là thông tin.
Ví dụ nếu chúng ta có các thiết bị đo và mọi người có thể tiếp cận thông tin về chất lượng không khí giống như tìm kiếm thông tin về thời tiết, từ đó biết được tình trạng về không khí và ô nhiễm không khí trước khi ra khỏi nhà hoặc lường trước các nguy cơ về sức khỏe.
Tôi cho rằng thông tin rất quan trọng trong việc góp phần xây dựng hệ thống quy định pháp luật tốt. Khi mọi người có nhận thức tốt hơn về vấn đề này, họ sẽ yêu cầu có các quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát ô nhiễm.
Trong khi đó các công nghệ thì đã sẵn có. Dự án Giảm thiểu ô nhiễm hiện đang hỗ trợ việc lắp đặt thiết bị đo chất lượng không khí cả ở vùng nông thôn để kiểm soát đốt phụ phẩm nông nghiệp và khu vực đô thị, đánh giá mức độ phát thải của các phương tiện ô tô.
Về công nghệ, trong quá trình chúng tôi đo kiểm khí thải ô tô, chúng tôi cũng đã đề cập vấn đề về sử dụng nhiên liệu phù hợp, bảo dưỡng bảo trì phương tiện… để đảm bảo đạt tiêu chuẩn về khí thải. Có thể nói là công nghệ có sẵn, nhiều quốc gia đã áp dụng và có thể giảm ô nhiễm dù họ có số lượng phương tiện giao thông rất nhiều.
Như vậy, với sự kết hợp của hệ thống pháp luật, công nghệ và nâng cao nhận thức cho người dân, chúng ta có thể giải quyết được vấn đề về ô nhiễm không khí.
PV: Xin cảm ơn ông!