Quẩn quanh xe buýt

Người dân phải đóng tiền để trợ giá xe buýt hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm mà vẫn phải chấp nhận di chuyển đồng hành với những phương tiện không cần tuân thủ tuyệt đối luật giao thông, chấp nhận bất cứ mức độ phục vụ nào của nhà xe.

Giờ cao điểm chiều 12/3, Kênh VOV giao thông Đài TNVN thống kê có gần 10 vụ tắc đường do xe buýt chết máy. Các MC bình luận đó là ngày buồn của xe buýt Hà thành, thậm chí họ còn đặt vấn đề vận động quyên góp tiền để giúp các công ty xe buýt bảo dưỡng đội xe, chống tắc đường. Hai ngày hôm sau, 14/3 một chiếc xe buýt vượt đèn đỏ cán chết người. Ngày đó không còn buồn, mà là đen tối!

Xe buýt được người Hà Nội gọi là hung thần đường phố từ lâu rồi! Cách gọi đó có vẻ thiếu xây dựng, có vẻ đi ngược với chủ trương đẩy mạnh giao thông công cộng. Từ góc nhìn chủ trương thì đúng là như vậy! Xe buýt là giải pháp gần như tối ưu để giảm lượng phương tiện cá nhân trên đường phố. Song, chủ trương đó đã được phát động từ hàng chục năm nay mà chưa thấy hiệu quả. Lượng phương tiện cá nhân không giảm, xe buýt lại trở thành một nguyên nhân gây tắc đường. Vì sao?

Các nhà quản lý cho rằng lỗi ở phía hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện. Điều này đúng, nhưng bất cứ khi nào, khi người dân bức xúc về vấn đề giao thông thì người ta cũng có thể đổ lỗi cho hạ tầng. Song, điều quan trọng là khi hạ tầng còn yếu kém thì làm thế nào để xe buýt hoạt động có hiệu quả nhất lại là vấn đề chưa từng được đặt ra.

Xe buýt chạy ẩu, chất lượng phục vụ kém văn minh, lộ tuyến không hợp lý… là những điều đáng phàn nàn nhất. Điều đó tất cả đều biết, song nguyên nhân của những sự việc đó là gì? Xe buýt chạy ẩu, chất lượng phục vụ kém là do nhân viên nhà xe không bị áp lực tẩy chay của cộng đồng, họ được trợ giá! Lộ tuyến không hợp lý vì nhà xe thiết kế tuyến với góc nhìn lợi nhuận mà không từ quan điểm phục vụ.

Ở đây rõ ràng là có một sự mâu thuẫn trong việc tồn tại hệ thống xe buýt ở Hà Nội. Gọi xe buýt là phương tiện giao thông công ích cũng đúng vì nó được nhà nước trợ giá, được ưu tiên đi vào đường cấm các loại phương tiện tương tự. Song, về mặt quản lý, nhà xe lại không phải doanh nghiệp công ích thuần túy. Họ được hưởng các ưu đãi của một doanh nghiệp công ích nhưng lại vẫn cạnh tranh với nhau và chịu chi phối của các quy luật thị trường. Và cuối cùng, người dân phải đóng tiền để trợ giá xe buýt hàng ngàn tỷ mỗi năm mà vẫn phải chấp nhận di chuyển đồng hành với những phương tiện không cần tuân thủ tuyệt đối luật giao thông, và chấp nhận bất cứ mức độ phục vụ nào của nhà xe. Đó là điều phi lý, và sự phi lý ấy chỉ có thể mất đi khi câu chuyện này trở nên rõ ràng, minh bạch.

Xe buýt trước hết phải là một dịch vụ công, sử dụng nguồn ngân sách của thành phố và đáp ứng những yêu cầu dịch vụ của đông đảo người dân. Vì vậy, thành phố cần công khai mức kinh phí dành cho xe buýt, với những yêu cầu rõ ràng về lộ, tuyến phải đi, những cam kết về dịch vụ. Tất cả những yếu tố đó phải được đưa ra đấu thầu công khai để chọn nhà thầu tốt nhất đầu tư vào dịch vụ này. Doanh nghiệp nào có thể đảm bảo được tốt nhất những yêu cầu của người dân trong khoản kinh phí đó sẽ được chọn lựa để ký hợp đồng với thành phố. Khi doanh nghiệp không làm đúng cam kết của mình, họ phải xin lỗi, bồi thường người dân trước khi thanh lý hợp đồng.

Chỉ có sự công khai như vậy thì người dân mới có thể kiểm soát được quyền lợi của mình, và các doanh nghiệp mới bị đặt dưới sức ép phải phục vụ tốt hơn. Câu chuyện xe buýt, như vậy mới không thể quẩn quanh và người dân Hà Nội mới không còn phải ca thán về xe buýt để đến nỗi đi ngược chủ trương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên