Quảng Nam “băm nát” rừng dừa để làm du lịch
VOV.VN - Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chặt phá rừng dừa để làm nhà hàng, khách sạn, khu resort… những khu rừng dừa nước đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Xây kè chắn lấn chiếm rừng dừa, đào ao, đổ trụ xây biệt thự kiên cố bằng bê tông cốt thép, cắt lá dừa nước lợp nhà, làm hàng quán, khu resort,… là thực tế đang diễn ra công khai ở rừng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ cần có giấy phép kinh doanh là thi nhau chở cát về đổ ngập cả 1 khu rừng dừa hàng trăm năm tuổi.
Phá rừng dừa để làm nhà hàng. |
Những doanh nghiệp ồ ạt xây dựng công trình trái phép tại khu rừng dừa Bảy Mẫu trước hết phải kể đến khu du lịch của ông Lê Quân, được đầu tư xây dựng khá quy mô gồm 16 công trình lớn nhỏ, gia cố bằng kết cấu khung trụ, dầm bê tông cốt thép. Hay như Khu du lịch sinh thái Rừng Dừa ở thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh của ông Lê Văn Nhựt làm chủ.
Một người dân làm nghề chèo thuyền thúng ở thôn Thanh Tam Đông, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, các công trình xây dựng thi công ầm ầm cả ngày lẫn đêm, lại thêm tàu thuyền, hàng quán mở nhạc đinh tai nhức óc suốt ngày đến nỗi chim chóc không dám đến đây trú ngụ.
"Rừng dừa này hội tụ nhiều nguồn khách, khách Tây, khách Hàn Quốc, khách Việt... Để cho bền vững thì cộng đồng phải biết cách làm, phải biết chia sẻ, phải biết bảo vệ nên mới bền vững được. Càng bền vững thì người dân ở thôn Vạn Lăng và thôn Thanh Tam Đông này mới được hưởng nguồn lợi từ thiên nhiên ưu đãi" - một người dân nói.
Rừng dừa Bảy Mẫu là một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở Hội An. |
Tuy nhiên, do việc quản lý thiếu chặt chẽ nên xảy ra tình trạng doanh nghiệp, hộ kinh doanh lợi dụng giấy phép được cấp tự ý cơi nới, lấn chiếm, xây dựng các công trình kiên cố bằng bê tông, cốt thép, thay vì được phép mở các dịch vụ ăn uống trên mặt hồ bằng các vật liệu tranh tre, lá dừa. Qua kiểm tra của ngành chức năng mới đây đã phát hiện 20 trường hợp vi phạm xây kè chắn, lấn chiếm rừng, sông trái phép.
Rừng dừa Bảy Mẫu mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt khách tham quan. |
"Từng trường hợp đều có biên bản vi phạm. Trên cơ sở biên bản vi phạm này thì Ủy ban nhân dân ra biên bản xử lý. Chúng tôi đã thống nhất với nhau, nếu mật độ xây dựng dưới 10% thì cho tồn tại kèm với xử phạt. Còn những doanh nghiệp, hộ nào mật độ xây dựng vượt quá 10% thì phải tháo dỡ. Bên cạnh quản lý địa bàn thì có các ngành của thành phố như: Tài nguyên Môi trường, Thương mại - Du lịch và một số cơ quan khác. Nói chung là các anh em chưa bám sát được. Và việc người ta làm trong rừng dừa anh em cho là bị che khuất, nhưng họ vận chuyển vật liệu mình vẫn có thể nắm được. Thành phố cũng đã kiểm điểm rất nghiêm túc" - ông Dũng cho biết./.