Quảng Nam: Người nuôi tôm trắng tay sau bão lũ
VOV.VN - Bão lũ liên tiếp khiến người nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam lâm cảnh điêu đứng.
Ông Đinh Văn Thêm, ở thôn Đông Bình, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, gia đình ông có 6 hồ tôm, đang đến kỳ thu hoạch. Mưa lũ cuốn trôi, vụ tôm này trắng tay, gia đình ông Thêm còn khoản nợ ngân hàng không biết bao giờ trả hết: “Đợt mưa bão vừa rồi, gia đình nuôi mấy sào tôm mất trắng, nước cuốn trôi, bây giờ vốn liếng không còn để khắc phục lại để nuôi vụ tiếp. Nguồn vốn đang vay ngân hàng cũng không có để giải quyết nợ nần. Sắp tới tính thả lại tôm nhưng tài chính không có. Mong muốn chính quyền có phương án nào hỗ trợ cho dân”.
Cùng cảnh ngộ như ông Thêm, ông Đinh Văn Lai, ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành cũng khó khăn chồng chất. Gần 2 ha hồ tôm của ông Lai nay đã trôi theo dòng nước lũ.
“Nước dâng lên khỏa lấp hết, không còn gì. Tôm trôi hết, thiệt hại cũng nhiều. Mất trắng luôn, giờ gia đình rất khó khăn. Tôm đã mất rồi mà còn thiết bị máy móc không còn gì. Vốn liếng bây giờ không biết xoay xở đâu. Nếu không mất, ổn định thì chúng tôi thu lãi 500 đến 600 triệu đồng”- ông Lai nói.
Huyện Núi Thành là địa phương nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức lót bạt lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Cả huyện có hơn 4.000 hộ nuôi tôm, tập trung ở các xã Tam Hòa, Tam Giang, Tam Tiến với diện tích 300 ha. Đợt mưa lũ giữa tháng 10 vừa qua đã làm toàn bộ diện tích nuôi tôm mất trắng. Nhiều hộ vay ngân hàng không có tiền trả nợ.
Ông Nguyễn Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết: huyện đã thành lập các Tổ đi kiểm tra tình hình thiệt hại của các hộ nuôi tôm, xây dựng phương án hỗ trợ giúp người dân khôi phục sản xuất: “Nuôi trồng thủy hải sản của người dân bị thiệt hại rất lớn, đặc biệt là nuôi tôm thẻ lót bạt của người dân là thiệt hại rất lớn. Hiện nay, các Tổ đang đi khảo sát và báo cáo số liệu thiệt hại, huyện đã tính toán để hỗ trợ cho vấn đề sản xuất, sau này hỗ trợ con giống hoặc hỗ trợ tỷ lệ vấn đề thiệt hại. Nếu mà người ta nuôi quy mô lớn có lãi vài tỷ đồng còn trung bình thì lãi 100 đến vài trăm triệu đồng mỗi một vụ nuôi tôm”.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã đề nghị các địa phương thống kê thiệt hại, xây dựng phương án hỗ trợ, giúp bà con cải tạo lại ao nuôi: “Tôm thất thoát ra ngoài, bây giờ động viên người dân chờ qua hết mùa mưa bão cải tạo ao hồ, dọn dẹp để nuôi tôm lại. Do ảnh hưởng của bão, một số hộ nuôi tôm, đặc biệt nuôi tôm vùng cao triều lót bạt, một số ao hồ do nước sóng dâng đập vào một số ao hồ ven sông vỡ đê, sạt lở công trình, làm cho tôm thất thoát ra ngoài nên bị ảnh hưởng tới người dân. Chính quyền cấp xã lập danh sách, đúng điều kiện thì Sở Nông nghiệp tổng hợp trình lên UBND tỉnh xin hỗ trợ”./.