Quảng Ninh đối phó nguy cơ dịch cúm A/H7N9
(VOV) - Tại Móng Cái, Quảng Ninh, gia cầm và các sản phẩm gia cầm sống trôi nổi vẫn được bày bán tự do.
Trong khi dịch cúm A/H7N9 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và đang có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, tại một số khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh vẫn tái diễn tình trạng nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm.
Theo ghi nhận của phóng viên Đài TNVN, tại các chợ đầu mối thực phẩm trên địa bàn thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, gia cầm và các sản phẩm gia cầm sống trôi nổi vẫn được bày bán tự do.
Người tiêu dùng và cán bộ thú y đều không thể phân biệt được gà thải loại Trung Quốc trà trộn vào gà thương phẩm của Việt Nam. Kẻ bán, người mua vẫn thờ ơ với dịch cúm H7N9, không ngần ngại tiếp xúc, hoặc giết mổ gia cầm ngay tại khu vực chợ. Theo Thượng tá Vũ Văn Phán, Phó trưởng Công an Thành phố Móng Cái, Công an Quảng Ninh, do sản phẩm gia cầm nhập lậu rẻ, phù hợp với túi tiền của người lao động, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp nên dân buôn lậu vẫn tìm cách để vận chuyển về tiêu thụ trong nội địa.
Thượng tá Vũ Văn Phán nói: Công an Thành phố Móng Cái đã phối hợp với các ngành chức năng như: hải quan, biên phòng quản lý thị trường…làm tốt công tác ngăn chặn ngay từ biên giới. Đồng thời, lực lượng Công an tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát, lên danh sách các đối tượng buôn bán, nhập lậu gia súc gia cầm; tổ chức ký cam kết, giám sát, theo dõi, chỉ đạo lực lượng tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường tích cực triển khai quyết liệt, có hiệu quả.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã xử lý 77 vụ vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, tiêu hủy hơn 30 tấn gà thịt và 171.000 con gà giống…
Theo Cục Hải quan Quảng Ninh, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động và tìm mọi cách theo dõi, đối phó với các lực lượng chức năng, đặc biệt nhiều đối tượng có hành vi liều lĩnh, manh động: cho xe chạy với tốc độ cao vượt qua các chốt, trạm gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ.
Ông Đoàn Văn Ninh, Chi Cục trưởng Hải quan cửa khẩu Bắc Phong Sinh cho biết: Chúng tôi đã đưa ra nhiều phương án tổ chức đấu tranh, ngăn chặn các hiện tượng nhập lậu gà giống, gà thịt. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phối hợp thường xuyên với các cơ quan quản lý trên địa bàn kiểm tra, xử lý, ngăn chặn và bắt giữ gà nhập lậu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuyên truyền cho bà con nhân dân không nhập lậu già giống, gà thịt.
Dù đã tăng cường công tác đấu tranh chống nạn buôn bán, vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới trên cả đường bộ và đường biển nhưng trên thực tế, nguy cơ lây nhiễm của chủng cúm A/H7N9 khó có thể kiểm soát khi các loài chim di cư và chim bồ câu có thể mang mầm bệnh từ Trung Quốc vào qua lãnh thổ nước ta.
Ông Đinh Thanh Dược, Trạm trưởng kiểm dịch thú y, Cửa khẩu Bắc phong Sinh cho biết: Chim di cư, chim bồ câu là những đối tượng có nguy cơ cao mang mầm bệnh vào Việt Nam, lực lượng thú y không thể kiểm soát được... Biện pháp là tăng cường xử lý nghiêm túc, phạt nặng theo chủ chương chỉ đạo của Bộ nông nghiệp và trung ương là nếu bắt được gia cầm như mèo, chim sẽ tổ chức tiêu hủy ngay tại chỗ theo quy định.
Hiện, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang áp dụng thủ tục tờ khai sức khoẻ đối với du khách từ vùng có dịch. Cụ thể, du khách làm thủ tục nhập cảnh qua cửa khẩu sẽ phải khai báo chi tiết tình trạng sức khoẻ để cơ quan chức năng phía Việt Nam tiện theo dõi. Căn cứ vào thông tin khai báo, thông tin từ máy đo thân nhiệt, khi phát hiện biểu hiện nghi vấn nhiễm bệnh sẽ tiến hành các biện pháp cách ly, phối hợp với cơ quan kiểm dịch cửa khẩu Trung Quốc đưa du khách trở về, không được nhập cảnh vào Việt Nam./.