Quê nghèo lao đao vì tín dụng đen
VOV.VN - Hám lợi, hàng trăm hộ dân ở vùng quê nghèo Than Uyên, Lai Châu, chủ yếu là dân trong vùng tái định cư thủy điện đã đem tiền cho vay với lãi suất cao
Chỉ đến khi chủ nợ bỏ trốn, bà con mới biết mình bị lừa và đến trình báo với cơ quan chức năng. Mất tiền, mang nợ, cuộc sống của bà con vốn đã khó nay lại càng bế tắc.
Các bản nghèo tại Than Uyên tiêu điều sau vụ việc tín dụng đen.
Gia đình anh Vàng Văn Đăm, ở đội 11 xã Phúc Than, huyện Than Uyên là một trong những nạn nhân bị mất tiền trong vụ huy động tín dụng đen kể trên. Vốn là một hộ nghèo, được Nhà nước đền bù cho trên 700 triệu khi di chuyển tái định cư.
Số tiền trên là toàn bộ tài sản của gia đình, dùng để ổn định đời sống tại nơi ở mới. Sau khi dùng hơn 300 triệu vào việc mua đất dựng nhà tạm và mua hơn 1.000m2 đất để canh tác, anh đem số còn lại gửi ngân hàng lấy lãi để chi tiêu và chờ mua thêm ruộng, sửa nhà. Nhưng vì hám lãi suất cao, gia đình anh đã mang toàn bộ số tiền còn lại hơn 400 triệu đồng cho vay.
Mất tiền, không còn tiền để mua ruộng, mua đất, hiện tại 6 nhân khẩu của gia đình chỉ trông vào hơn một sào ruộng.
Anh Vàng Văn Đăm nói: “Nhà tôi gửi trước 130 triệu, vừa được 5 tháng. Còn vừa rút ngân hàng gửi vào thêm là 280 triệu, cũng vừa được 1 tháng, mất 410 triệu. Chuẩn bị tháng 7, tháng 8 này làm nhà, mà bây giờ anh bỏ trốn rồi không có gì làm nhà của nữa. Bây giờ nguồn thu nhập của gia đình không có gì nữa, chỉ mong chờ vào một, hai xào ruộng thôi”.
Gia đình anh Đăm chỉ là một trong hàng trăm nạn nhân trên địa bàn huyện Than Uyên nhẹ dạ cả tin và hám lợi khi “gửi” hết tài sản của gia đình cho kẻ lừa đảo. Sau khi kẻ huy động tiền bỏ trốn, cả vùng quê nghèo nơi đây đã mất ăn mất ngủ. Nhà nhà hoang mang, lo lắng, bởi toàn bộ gia sản của gia đình đều không cánh mà bay. Nhà ít thì vài chục triệu, hộ nhiều thì cũng năm, bảy trăm triệu.
Số tiền mà bà con mất trong vụ việc này đều là tiền đền bù tái định cư, hoặc tiền bán trâu, bán bò tích cóp nhiều năm mà có. Không ít gia đình vì hám lợi đã đi vay ngân hàng chính sách xã hội về cho đối tượng vay lại hưởng chênh lệch. Thậm chí, có nhiều hộ nghèo còn nhờ cả bố mẹ, anh em đứng tên vay ngân hàng hộ để lấy một khoản tiền lớn đem cho đối tượng vay lại kiếm lời.
Ông Tòng Văn Thêm, ở Bản Khì 2, xã Phúc Than, huyện Than Uyên cho biết: “Cả bản này ai có tiền đi gửi nó hết, có người còn đi vay ngân hàng về gửi nó cơ mà. Nhiều lắm, mấy chục tỷ, cũng không biết làm thế nào nữa vì nó chạy trốn rồi.
Bà con cũng đi báo cáo xã, báo cáo huyện hết rồi, nhưng mà không biết họ có điều tra được không, sợ không tìm được tiền lo lắm. Sợ là bà con sẽ mất trắng số tiền này, mà ở nhà thì cũng không có gì, hết sạch tiền rồi. Làm thế nào các cơ quan phát luật điều tra cho nó rõ vụ việc này”.
Thông tin từ cơ quan chức năng địa phương cho biết, đối tượng đứng ra vay là Lò Văn Chum, sinh năm 1978, có hộ khẩu thường trú tại Đội 11 xã Phúc Than, huyện Than Uyên. Với chiêu bài lãi suất cao 3%/tháng và thậm chí còn cao hơn, đối tượng Chum đã đánh vào lòng tham của người dân khi thời gian đầu huy động đã thanh toán lãi sòng phẳng. Không chỉ trả trước lãi khi bà con mang tiền đến cho vay, mà đối tượng còn tỏ ra gần gũi, thoải mái trong chi tiêu và rộng rãi chi đối với những người mang tiền đến cho mình vay.
Lãnh đạo xã Phúc Than, huyện Than Uyên làm việc với phóng viên sau khi vụ việc vỡ lở. |
Ông Lò Văn Phương, trưởng bản Đội 11, xã Phúc Than, huyện Than Uyên cho biết: Để có thêm lòng tin, đối tượng đã rêu rao là làm doanh nghiệp, đang đầu tư vào các công trình nhà nước, có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo và nhiều cơ quan chức năng của huyện. Từ chiêu bài này, đối tượng Chum đã tạo ra “hệ thống niềm tin” trong nhân dân, để rồi lần lượt các nạn nhân sa bẫy.
“Mọi người chỉ biết xơ xơ ông là đi đầu tư vào công trình của Nhà nước sau này xuất vốn, lại thu hồi về trả lãi cho bà con. Có lúc ông còn nói bảo công trình bao nhiêu là máy móc, máy lu, máy xúc, mấy chục cái, nhưng bà con chỉ nghe vậy chứ chưa ai được chứng kiến. Kiểu ông ấy làm ăn, ví dụ ngày nào cần tiền làm ăn đến 100-200 triệu có thể báo trước 1, 2 ngày đến lấy là lấy được luôn, thế là nhiều người nhẹ dạ cả tin”- Ông Phương nói.
Nạn nhân trong vụ việc này phần đa là đồng bào thuộc diện tái định cư thủy điện Huổi Quảng, Ban Chát. Ngoài ra, có một bộ phận không nhỏ là cán bộ, công chức xã, bản như: chủ tịch, phó chủ tịch, phó trưởng công an xã, cán bộ thôn bản…
Đến nay đã có trên 350 hộ dân “tay trắng”, với số tiền tương ứng lên đến trên 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng, mà số tiền mất của bà con còn lớn hơn rất nhiều lần, khi nhiều hộ vẫn tiếp tục tìm đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trình báo.
Ngoài các gia đình trong vùng tái định cư, còn rất nhiều hộ dân khác ở hầu hết các xã trong huyện cũng là nạn nhân. Thậm chí, có cả những hộ dân từ một vài xã lân cận của huyện Tân Uyên và huyện Văn Bàn (Lào Cai) cũng trở thành nạn nhân.
Người dân thất thân, ngân ngơ tiếc tiền và chỉ biết hàng ngày quanh quẩn cùng con cháu. |
Ông Lò Văn Đôi, phó trưởng Công an xã Phúc Than, huyện Than Uyên cho biết: “Người vay tên là Lò Văn Chum, ông giới thiệu bảo là tiền khi mà đi gửi thì ông trả hoa hồng, ví dụ 100 triệu đồng là ông trả cho 10 triệu đồng luôn.
Ai cũng nghĩ là bây giờ ngân hàng lãi suất thấp, gửi ông 100 triệu đồng mỗi tháng lãi khoảng mấy triệu. Người này giới thiệu cho người kia sang gửi, không chỉ người dân ở Phúc Than mình, mà có cả ở bên Văn Bàn, Lào Cai cũng sang đây gửi, thậm chí có cả Tân Uyên, Mường Mít, Tà Mung, Pha Mu”.
Chiêu bài huy động tiền trong dân, trả lãi suất cao không phải là mới mà việc này đã được đối tượng Chum thực hiện công khai và kéo dài tại địa bàn huyện Than Uyên từ năm 2010.
Vậy, tại sao chỉ đến khi đối tượng bỏ trốn khỏi nơi cư trú, người dân đến trình báo cơ quan chức năng huyện Than Uyên mới biết và vào cuộc? Việc điều tra, truy bắt đối tượng hiện vẫn chưa có câu trả lời từ cơ quan chức năng địa phương./.