Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
VOV.VN - Chiều 17/11, với 443 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Chiều 17/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), với 466 đại biểu tham gia (chiếm 96.68% trong tổng số ĐBQH), trong đó, 443 đại biểu (91.91%) đã biểu quyết tán thành. Số đại biểu không tán thành là 16 (3.32%) và 7 đại biểu (1.45%) không biểu quyết.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 171 Điều, quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, các đảo, quần đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời.
Trước đó, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều điều, khoản theo ý kiến góp ý của các vị ĐBQH về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; về quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; quy định về bảo vệ môi trường nước mặt; nước dưới đất, trách nhiệm quản lý chất lượng môi trường không khí; về kiểm toán môi trường; chỉnh lý quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động dầu khí; về thu gom, xử lý nước thải; về thời điểm để tính thời hiệu khởi kiện về môi trường; về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước…
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Trong đó, về thực hiện đầu tư công trình phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường, dự thảo Luật đã chỉnh sửa khoản 3 Điều 124, Chủ cơ sở phải có công trình, trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tại Điều 121 giao Chính phủ quy định chi tiết về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, Chính phủ sẽ nghiên cứu để quy định cụ thể đối tượng phải có công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cho phù hợp thực tiễn.
"Dự thảo Luật đã quy định rõ phân cấp sự cố và các giai đoạn ứng phó sự cố môi trường. Trong trường hợp phạm vi ảnh hưởng của sự cố môi trường vượt ra ngoài phạm vi cơ sở, địa giới hành chính thì người có thẩm quyền chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường phải báo cáo cấp trên trực tiếp để chỉ đạo ứng phó sự cố như tại khoản 6 Điều 125 của Luật", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 để Chính phủ có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng các văn bản quy định chi tiết. Riêng về nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường, để thực hiện đồng bộ với thi hành Luật Đầu tư công, khoản 3 Điều 29 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2021./.