Quy hoạch tổng thể quốc gia “Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”

VOV.VN - Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Hội đồng thẩm định thông qua để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định trong kỳ họp tới. 

Đây là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030. Việc xây dựng định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội quý để kiến tạo mô hình, phân bổ không gian phát triển quốc gia nhằm đạt các mục tiêu, khát vọng lớn của đất nước.

Quy hoạch Tổng thể quốc gia được xây dựng với một trong những mục tiêu lớn nhất, đó là phân bổ lại không gian phát triển quốc gia. Bởi thế, câu hỏi đặt ra là, không gian phát triển quốc gia sẽ được định hình như thế nào? Cũng bởi lẽ đó, hai trong số nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch Tổng thể quốc gia chính là tập trung phát triển vùng động lực tăng trưởng và cực tăng trưởng, đồng thời phát triển bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Theo ông Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, có một nội dung bao trùm ở Quy hoạch Tổng thể quốc gia là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trở thành bộ khung cho không gian phát triển quốc gia. Do đó, cần phải có tiêu chí, chỉ số để định lượng, với một trong những mục tiêu quan trọng là phải kéo giảm được chi phí logistics.

“Muốn thay đổi được chỉ số logistics thì điều quan trọng là thay đổi cấu thành của thị phần của các chuyên ngành vận tải. Làm thế nào để các chuyên ngành vận tải có giá rẻ, tiêu hao xăng dầu ít mà chiếm đa số thì lúc đó chi phí logistics mới có thể giảm được. Chúng tôi kiến nghị là đến năm 2030 thì chi phí logistics của chúng ta từ 20 % kéo xuống khoảng 17 %, thì ngay bây giờ phải chuẩn bị ngay để triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam gối đầu. Chúng tôi đã tính toán rồi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam mà nếu chúng ta làm đúng bài thì nó có được năng lực thông qua gấp 5 lần tuyến đường bộ cao tốc 4 làn xe. Như vậy đến lúc đó chúng ta có khả năng kéo giảm chi phí logistics xuống với mức trung bình của khu vực là khoảng 12%”- ông Khuê nói.

Đề cập vấn đề không gian phát triển quốc gia, ông Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, việc xác định được các cực tăng trưởng và hành lang kinh tế là rất đúng và tốt, nhưng riêng hành lang kinh tế Đông - Tây đã có 8 cái thì quá nhiều, đến năm 2030 chỉ cần phát triển 3 hành lang. Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cần ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển một số đoạn hành lang kinh tế Bắc - Nam dựa theo đường cao tốc Bắc - Nam, kết hợp với đường ven biển và ưu tiên trước 3 hành lang kinh tế Đông - Tây.

  “Thứ nhất, chúng ta phải hình thành cơ bản khung kết cấu hạ tầng quốc gia từ nay đến 2030 phải hoàn thành được. Thứ hai là phải phát triển một số vùng động lực và cực tăng trưởng. Như vậy lần này trong quy hoạch đưa ra lựa chọn vùng động lực và cực tăng trưởng là hoàn toàn chính xác để chúng ta tập trung nguồn lực vào vùng đó để có thể phát triển nhanh hơn. Đặc biệt là tập trung phát triển một số cái hành lang: hành lang Bắc-Nam và hành lang Đông-Tây. Trong quy hoạch có nêu ra là có hai hành lang Bắc-Nam và 8 hành lang Đông-Tây. Đây là tầm nhìn đến 2050 thì được. Tuy nhiên, trước mắt lựa chọn một số hành lang Đông-Tây thôi, chứ không thể tập trung vào 8 hành lang Đông-Tây như trong báo cáo”- ông Sinh nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, có rất nhiều vấn đề cần được đặt ra để khi thực thi Quy hoạch Tổng thể quốc gia, có thể tạo động lực cho sự phát triển của đất nước. Trong đó cần bổ sung các vùng đại đô thị vào Quy hoạch, bởi các đại đô thị đóng vai trò rất lớn trong tăng trưởng kinh tế, hiện chiếm tới 70% GDP của cả nước. Trong đó, riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đóng góp gần 40%. Nhưng các vấn đề về ách tắc giao thông, ngập úng… đang cản trở sự phát triển của các đại đô thị này. PGS-TS. Trần Đình Thiên, Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu coi Quy hoạch Tổng thể quốc gia lần này là bước chuyển cho sự phát triển, thì phải có những thay đổi về tư duy lợi thế phát triển, không thể chỉ nhìn vào những điều kiện thuận lợi sẵn có.

“Vùng Trung bộ tôi thấy hoàn toàn có thể chia thành 3 tiểu vùng được. Vùng miền trung dài dằng dặc 1 nghìn 300 cây số làm sao kết nối với nhau được. Tôi đã có hình ảnh miền Trung có đoàn tàu quá dài mà toa tàu lại rất yếu, đầu tàu cũng rất yếu thế thì liên kết với nhau thế nào. Cho nên cứ thêm tỉnh nào vào thì đoàn tàu nặng thêm. Cho nên cần chia ra. Ví dụ như Bắc Trung Bộ, Ví dụ như từ Đà Nẵng vào đến vùng kinh tế trọng điểm là Duyên Hải miền Trung vào đến Bình Định, từ Phú Yên vào đến Bình Thuận lại là một tiểu vùng khác. Đây là những chỗ mà chúng ta có một trung tâm phát triển để hội tụ, để nó lan tỏa sức mạnh gia tiểu vùng đấy thì hiệu quả cao hơn” -ông Thiên nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. “Một trong những quan điểm quan trọng về phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước khi lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay: “Chúng tôi cũng xác định đây là cơ hội rất lớn để chúng ta đánh giá lại hiện trạng phát triển trong giai đoạn vừa qua đã đạt được cái gì và chưa đạt được gì, tại sao, để tổ chức lại không gian phát triển của quốc gia một cách tổng thể, căn cơ thống nhất. Qua đó sẽ cụ thể hóa được các đường hướng phát triển của đất nước, định hình lại được không gian phát triển, lộ trình phát triển, nguồn lực phát triển của quốc gia. Từ đó chúng ta có thể vượt qua được các thách thức phải đối mặt, tranh thủ tận dụng được các cơ hội, các lợi thế tiềm năng để đất nước phát triển nhanh và bền vững”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên