Từ 1/1/2011, Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực

Quyền lợi của người bệnh được đảm bảo hơn

Người dân sẽ có quyền được giải thích rõ về tình trạng sức khỏe của bản thân và gia đình; kiểm soát hoạt động của các cơ sở, dịch vụ khám chữa bệnh.  

Ngày 1/1/2011, Luật Khám bệnh, chữa bệnh bắt đầu có hiệu lực thi hành. Đây là văn bản luật đầu tiên quy định cụ thể quyền của người bệnh và cũng lần đầu tiên quy định tất cả cơ sở khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động. Những điểm mới này sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Bà Phùng Thị Hồng, phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây, Hà Nội từng đưa chồng đi điều trị tại nhiều bệnh viện. Không ít lần bà yêu cầu các bác sỹ cho xem hồ sơ bệnh án để biết kết quả chẩn đoán và tiến triển bệnh tật của người chồng nhưng chưa bao giờ bà được bệnh viện giải quyết. Khi biết Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định 8 nhóm quyền của người bệnh, trong đó có quyền được cung cấp thông tin tóm tắt hồ sơ bệnh án, bà mừng lắm.

Bà Phùng Thị Hồng nói: “Lâu nay, chúng tôi đi khám chữa bệnh nhưng chưa lần nào được hài lòng và thoả mái. Tôi mong các cơ quan chức năng và bệnh viện thực hiện đúng Luật để đảm bảo quyền của người bệnh, tạo điều kiện cho người dân nhanh khỏi bệnh”.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh là văn bản đầu tiên quy định cụ thể quyền của người bệnh. Theo đó, người bệnh có quyền được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám, chữa bệnh phù hợp; được tôn trọng bí mật riêng tư; được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh; được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám chữa bệnh; được từ chối chữa bệnh và có quyền ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc điều trị.

Ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết:  “Khi thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh với việc cấp chứng chỉ giấy phép hành nghề cho các cơ sở khám, chữa bệnh thì cũng tạo điều kiện cơ bản để nâng cao chất lượng khám bệnh chữa bệnh. Mặt khác, Luật quy định quyền bình đẳng trong khám bệnh chữa bệnh giữa khu vực Nhà nước và tư nhân thì người dân sẽ được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng hơn. Quyền của người bệnh cũng chính thức được thừa nhận về mặt pháp luật, được thừa hưởng dịch vụ y tế tốt nhất trong điều kiện có thể”.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Quang, Luật Khám bệnh, chữa bệnh còn quy định: cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước tiếp tục được hành nghề khám chữa bệnh ngoài giờ. Điều này góp phần giảm quá tải tại các bệnh viện công lập, tăng thu nhập cho thầy thuốc và mở rộng dịch vụ y tế chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của người bệnh.

Ông Nguyễn Huy Quang nêu rõ: “Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định trách nhiệm cụ thể của cơ sở khám chữa bệnh và thầy thuốc trong việc đảm bảo quyền của người bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh phải nắm vững các quy định của Luật, quyền của người bệnh để từ đó biết mình phải đảm bảo quyền của người bệnh. Phải nâng cao năng lực khám bệnh chữa bệnh, giảm phiền hà, nâng cao y đức, quyền của người bệnh quy định rõ như thế mà không thực hiện đúng sẽ có thể bị kiện”.

Theo Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đến nay chưa có Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã xin ý kiến và được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời thực hiện Luật.

Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết: “Các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và người hành nghề y tế tư nhân đã có giấy phép và đang hoạt động vào thời điểm Luật có hiệu lực được tiếp tục hoạt động cho đến khi Nghị định hướng dẫn thi hành và các văn bản các văn bản hướng dẫn thi hành luật có hiệu lực. Các cơ sở lần đầu tiên xin cấp phép hoạt động khám chữa bệnh tư nhân; người lần đầu tiên xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh chữa bệnh tư nhân từ ngày 1/1/2011 sẽ chờ đến khi Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành luật có hiệu lực”.

Để Luật Khám bệnh, chữa bệnh thực sự đi vào cuộc sống, trước hết người dân, thầy thuốc và cơ sở khám chữa bệnh cần hiểu rõ quyền và thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Đối với người bệnh, lần đầu tiên quyền của họ được quy định cụ thể trong luật. Nếu thấy quyền này chưa được đảm bảo, người bệnh có thể lưu giữ chứng cứ và thông báo cho cơ quan chức năng xử lý./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên