Tháng 2/2022, sau hơn 15 năm gắn bó với nghề, chị N.T.P từng giữ vị trí Trưởng trạm y tế phường trên địa bàn Hà Nội, đã xin thôi việc.

Áp lực về thời gian, thu nhập cùng với việc nghề nghiệp của mình không được coi trọng là nguyên nhân khiến chị P. quyết định từ bỏ công việc mình đã từng đam mê, theo đuổi suốt 15 năm qua.

Chị P. đã có 10 năm công tác trong lĩnh vực dự phòng ở các phòng chức năng của Trung tâm y tế quận và 5 năm đảm nhận vị trí Trưởng trạm y tế phường. Chị chia sẻ, có những lúc, công việc của các cán bộ nhân viên y tế cơ sở như chị được ví như “con mọn”, thậm chí ngày không có thời gian ăn, đêm không có phút nghỉ ngơi. Nhưng với họ, sau mỗi đợt dịch, mỗi đợt căng mình vất vả là sự gắn bó, chia sẻ và những kỷ niệm cùng đồng nghiệp. Với họ, đó chính là trải nghiệm về cuộc sống, điều quan trọng là họ luôn cảm thấy công việc của mình mang ý nghĩa lớn.

“Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, công việc của chúng tôi vất vả thêm nhiều lần, tần suất đi làm nhiều hơn. Công việc phòng, chống dịch tại tuyến y tế dự phòng, y tế cơ sở là đặc thù “không có ngày nghỉ”, bất cứ lúc nào có việc là chúng tôi phải đi. Công việc không hề có kế hoạch trước, không có ngày giờ cụ thể. Áp lực công việc cũng rất lớn, thậm chí 12h đêm khi có ca bệnh, chúng tôi được huy động, để họp, để triển khai công tác y tế dự phòng phù hợp với địa bàn phường mình quản lý”- chị P. chia sẻ.  

Áp lực công việc trong dịch COVID-19 là vô cùng lớn

Đó là khoảng thời gian con gái lớn của chị P. còn nhỏ, chị cũng mang bầu bé thứ hai và bị động thai. Sức khỏe không thể đáp ứng được công việc ở vị trí Trạm trưởng trạm y tế, chị đã xin nghỉ phép một thời gian. Sau khi sức khỏe ổn định, nghỉ thai sản, chị P. cũng đi làm trở lại. Tuy nhiên, áp lực công việc trong dịch COVID-19 là vô cùng lớn.  Sáng đến sớm, tối về muộn và hầu như không có ngày nghỉ, không có giờ giấc hay kế hoạch báo trước. Mặc dù được các đồng nghiệp hỗ trợ để chị được làm theo chế độ thai sản nhưng vẫn phải 7-8h tối chị mới hoàn thành công việc và ra về. Đây là “chế độ” cho riêng chị P. khi được ưu tiên con nhỏ, còn các nhân viên khác vẫn phải làm có khi tới tận đêm khuya.

“Thời điểm tôi đi làm lại sau khi nghỉ sinh con, là thời điểm nhân viên y tế phải đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà, phải đi từng nhà. Với số lượng nhân lực quá hạn hẹp, chúng tôi phải gồng mình lên từ ngày này qua ngày khác. Thời gian làm việc ngoài giờ triền miên như vậy khiến mọi người đều kiệt sức. Trong khi ở nhà ai cũng còn con nhỏ, mẹ già”- chị P. nói.

Áp lực công việc, tần suất làm việc không ngày nghỉ nhưng mức thu nhập thấp

Theo chị P., công việc của những cán bộ y tế dự phòng hầu hết đều là những đầu việc không tên. Ngoài tiêm chủng, họ còn phải theo dõi các ca bệnh, đưa người bệnh chuyển tuyến… Thời điểm dịch COVID-19, nhân lực của trạm chỉ có 5-7 người nhưng phải chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn người dân, công việc thực sự quá tải khiến không ít cán bộ y tế bị áp lực, stress.

Áp lực công việc, tần suất làm việc không ngày nghỉ nhưng mức lương của chị P. thời điểm đó chỉ hơn 6 triệu đồng. Chị quyết định nghỉ việc khi nhận thấy rằng, hạnh phúc gia đình của mình không được đảm bảo, chị không có thời gian chăm sóc cho con vẫn còn đang quá nhỏ.

Chị P. chia sẻ, phòng, chống dịch bệnh ở tuyến y tế cơ sở luôn gặp nhiều khó khăn. Nhân viên y tế có lúc phát khóc vì mình làm công tác phòng, chống dịch bệnh cho dân nhưng lại bị họ trách mắng, không hợp tác. Mặc dù đôi khi công việc của những người làm công tác dự phòng như “vác tù và hàng tổng” nhưng vì nhiệm vụ họ vẫn luôn sẵn sàng.

Khó khăn chồng khó khăn, được biết sau khi chị P. quyết định xin thôi việc, cũng đã có nhiều nhân viên y tế nơi chị công tác xin nghỉ.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong 2 năm vừa qua, đã có khoảng 40.000 công chức, viên chức xin nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân để làm việc. Trong đó, ngành y có 10.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Huy Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, tỷ lệ 1/4 nhân viên y tế trong tổng số các công chức viên chức xin nghỉ việc thời gian qua cho thấy một chỉ dấu về áp lực công việc cũng như thu nhập, điều kiện và môi trường làm việc của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế cũng bị áp lực vô cùng lớn.

“Điểm đầu vào phải 28 - 29 mới được vào trường Đại học Y, học 6 năm ra ngành bác sĩ đa khoa, nếu học chuyên khoa thêm 3 năm nữa cộng 18 tháng thực hành thì lúc đó mới được cấp chứng chỉ hành nghề, được cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên điểm lương của đầu vào giống như các ngành nghề khác, trong khi đó áp lực công việc của họ rất lớn. Điều đó cho thấy nếu như chúng ta muốn công ra công, muốn tư ra tư thì phải tăng đồng lương của họ lên cũng như các chế độ phụ cấp, các chế độ khác mà kể cả chế độ chống dịch, có như vậy mới đầy đủ để họ yên tâm công tác, yên tâm làm việc”- ông Quang nêu rõ.

Bên cạnh đó, môi trường làm việc với cường độ lớn, các nhân viên y tế phải đấu tranh trước sức khỏe và tính mạng của người bệnh, đặc biệt là ở các khoa cấp cứu, khoa ngoại, khoa sản rất cam go và đấu tranh giữa sự sống và cái chết. Theo ông Nguyễn Huy Quang, cần phải có sự động viên cả về tinh thần, vật chất cho cán bộ nhân viên y tế, nhìn nhận đúng đắn sự đóng góp của họ cho xã hội, cho người bệnh.

Chia sẻ về mong muốn của mình, chị N.T.P cũng cho hay, các nhân viên y tế từ tuyến dự phòng đến tuyến khám, chữa bệnh đều mong muốn có đồng lương đảm bảo, để có thể cống hiến hết mình mà không phải lo nghĩ về thu nhập. “Tôi mong muốn, công việc của y bác sĩ, chăm sóc sức khỏe người dân được coi trọng như công việc của lực lượng công an, bộ đội để có những hỗ trợ ngành đặc thù thì anh chị em sẽ an tâm công tác hơn”- chị P. nói. 

Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, nguyên nhân của làn sóng nghỉ việc này rất nhiều và đó là một quá trình. Yếu tố giữ được nhân viên y tế không chỉ là phụ cấp, mà còn là môi trường làm việc, điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến, được đào tạo, được cống hiến và được làm việc theo sở trường.

Để giải quyết vấn đề tổng thể tình trạng xin nghỉ việc này, Bộ Y tế cần phải tìm hiểu nguyên nhân rõ ràng và phải có sự vào cuộc quyết liệt, không chỉ của Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế mà còn các bộ, ngành liên quan và cả chính quyền địa phương. “Nếu không có sự vào cuộc này thì chúng tôi rất lo ngại là tình trạng đó sẽ không dừng lại. Khi ngành y tế “chống dịch như chống giặc”, thì bây giờ chăm lo cho cán bộ y tế sau đại dịch COVID-19 và giải quyết các vấn đề khó khăn để dừng làn sóng nghỉ việc này cũng cần sự vào cuộc cũng nhanh và khẩn cấp như vậy”- PGS.TS Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, chính sách đãi ngộ được quy định tại Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị coi ngành y tế là một ngành đặc biệt cần được đào tạo, đãi ngộ đặc biệt. Tuy nhiên, hàng chục năm nay chưa thay đổi và chính vì vậy mà không thể một sớm một chiều những chế độ này có thể thay đổi ngay. Bên cạnh đó, những đề nghị của Bộ Y tế về sửa Nghị định 56 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều bộ ngành liên quan.

Còn rất nhiều vấn đề đang có “vướng mắc” như chế độ viện phí, cơ chế về tự chủ, những chính sách về đấu thầu hiện rất khó khăn… Tất cả những điều này khiến cán bộ y tế cảm giác là mình đã không đủ thu nhập lại thêm những áp lực này thì họ không thể chịu nổi./.

Đằng sau hàng loạt Cán bộ Y Tế Xã, Phường nghỉ việc (Nguồn VTC14)
Thứ Hai, 06:00, 24/10/2022