Ra đi từ những giảng đường

Kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ của một lứa sinh viên Hà Nội, nhiều hoạt động ấn tượng của Hội lính 6/9/71 với chủ đề “Thành Cổ Quảng Trị, trái tim bạn và tôi” diễn ra tại Hà Nội và Quảng Trị

Cũng với ý tưởng trên, trước đó, ngày 27/7, bên dòng Thạch Hãn diễn ra đại lễ cầu siêu và thả một vạn đèn hoa tưởng nhớ các liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972. Trong đội hình đó có những người lính ra đi từ những giảng đường.

Tự nguyện dấn thân

10h30 ngày 30/3/1972, ta nổ súng mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Sau hai đợt tấn công, đến 1/5/1972, Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Sách “Quảng Trị - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975” viết: “Sáng ngày 28/6/1972, cuộc hành quân “Lam Sơn 72” - cuộc phản công lớn của quân địch đã bắt đầu. Quảng Trị mới giải phóng được hai tháng lại đứng trước thử thách mới”. Địch tràn qua một vùng rộng lớn, chiếm lại huyện Hải Lăng. Cuộc chiến dần dần áp sát thành cổ Quảng Trị. “Các chiến sĩ Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325 - chủ lực được Bộ điều vào tăng cường) cùng với lực lượng vũ trang tỉnh chốt giữ thành cổ kiên cường suốt 81 ngày đêm, chịu đựng một khối lượng bom đạn khổng lồ chưa từng thấy trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trong quần thể di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia, thành cổ Quảng Trị có một đài chiến tích bằng đá ghi công chiến sĩ - sinh viên các trường đại học hy sinh trong 81 ngày đêm chiến đấu. Bốn năm, từ tháng 9/1971 đến tháng 5/1975, trong số hơn 3.000 sinh viên lên đường ngày ấy có chừng 20% nằm lại rải rác trên các chiến trường, chừng ấy phần trăm nữa mang thương tích trở về. Chúng tôi ước tính vậy vì riêng 100 lính chuyển sang tăng - thiết giáp mà cũng có gần 15 người “thành khói bay lên trời”. Đó là Việt bột (Tổng hợp Lý) quê Nam Định, da trắng như bột, tóc quăn lượn sóng, thanh tú như một hoàng tử; là Tân, Ngời, Tư, Khoa, Hoài, Cảnh, Tuấn, Dũng…

Nhưng, không cần ước đoán hay thống kê cũng có thể đoán chắc không một “phần nghìn” nào rời hàng ngũ. Một trăm phần trăm của hơn 3.000 sinh viên nhập ngũ 6/9/1971 đã hoàn thành nhiệm vụ, hoặc nằm lại chiến trường, hoặc ngẩng cao đầu trở về trường cũ. Trong những tháng nửa cuối năm 1975, mùa tựu trường, các sân trường đại học ở miền Bắc xanh màu áo lính. Họ trở về tiếp tục học những năm cuối để trở thành những kỹ sư, cử nhân… tham gia vào công cuộc xây dựng lại đất nước.

Người dân Quảng Trị đưa bộ đội qua sông Thạch Hãn (ảnh: Đoàn Công Tính)

Bài khoá luận không có người nhận

Hàng năm, cứ tới dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ, đúng vào giữa thời gian chiến trường Quảng Trị cam go nhất, những trí thức thuộc nhiều ngành nguyên là chiến sĩ nhập ngũ ngày 6/9/1971 đều cùng nhau về thắp hương tưởng niệm những đồng ngũ đã hy sinh. Ngày 10/7/2011, nhà thơ - nhà báo Đoàn Mạnh Phương - một cựu “lính cậu - sinh viên” cùng với Thượng tọa Thích Chiếu Tạng đã chủ trì đại lễ cầu siêu tri ân và lưu danh liệt sĩ thành cổ Quảng Trị. Một vạn hoa đăng được thả xuống sông Thạch Hãn tại bến Vượt thắp sáng vong linh một vạn chiến sĩ hy sinh tại thành cổ trong tiếng chuông vang rền, ngân nga trong không gian màn đêm đôi bờ Thạch Hãn. “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm...”.

Nguyễn Tự Chính, chàng sinh viên trường Bách khoa cao 1m72, vai ngang, ngực nở, mắt luôn nhìn thẳng, đẹp như một đấu sĩ La Mã cổ đại. Ngày 1/4/1975, trung đội xe tăng do anh chỉ huy đánh đến bờ sông Đà Rằng. Bên kia sông là thị xã Tuy Hòa quê hương, là căn nhà tổ phụ. Nguyễn Tự Chính phấn khích mở nắp xe thò đầu lên tháp pháo để nhìn thì trúng đạn bắn thẳng và hy sinh.

Tư và Khoa là hai sinh viên Khoa chế tạo máy. Khoa quê ở Quảng Bình, hiền lành chất phác. Tư người Hà Nội trông dáng “đao búa” nhưng lại rất tài hoa, đặc biệt là giỏi nấu các món ăn, biệt hiệu là “Tư tỏi”, “Tư cầu muối”. Ở trường, Khoa yêu em gái Tư và được ba mẹ Tư chấp nhận. Hai anh em cùng nhập ngũ một ngày, cùng được chọn làm lính tăng thiết giáp, cùng đi chiến trường và cùng… hy sinh.

Có ít nhất hai chàng lính sinh viên không hề biết bơi mà cũng vượt được sông Thạch Hãn. Người thứ nhất tên Tường, khi nhập ngũ là sinh viên trường Đại học Xây dựng, không hiểu sao 38 năm sau lại làm cán bộ ngân hàng, kể: Tôi cũng gói quần áo vào ni lông buộc túm lại như mọi người, gác khẩu AK lên trên rồi lội xuống nước, rồi… lộn tùng phèo, người và súng xuống dưới, cái bồng lên trên. Uống nước no bụng thì có một cánh tay lôi cổ tôi lên đẩy đi, đạn địch bắn như mưa. Sang tới gần bờ bên kia, anh ấy trúng đạn chìm xuống. Người thứ hai tên Mão, họ Vương, quê Nghệ An, (Đại học Tổng hợp) cũng kể y chang tình huống của Tường. Hai mươi hai năm nay, Mão công tác cùng tôi ở một đơn vị báo chí. Mão làm kỹ thuật, tôi làm nội dung. Mão ít nói, gặp nhau chỉ cười chào. Dịp cuối năm 2009, Hội Cựu chiến binh đi thăm chiến trường xưa, cả ngày ngồi trên xe cạnh nhau mà gần chiều Mão mới mở miệng:

- Anh quê Lệ Thủy biết thằng nào học khoa Văn nhà ở chợ Tréo?

- …?

- Tôi là sinh viên khoa Lý ở Sư 325.

Té ra, tôi với Mão cùng nhập ngũ một ngày. Mão cũng tiếp cận mép nước và cũng lộn xuống dưới, cũng được đồng đội lôi lên, đẩy qua sông, nhưng nhờ qua tôi mà biết được thông tin về người cứu mình để liên lạc qua di động. Anh chàng ấy tên Điểu, nhà bên sông Kiến Giang, bơi giỏi như rái cá, nay là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Có một "bộ ngũ" sinh viên khoa Văn nhập ngũ cùng ngày. Thầy Nguyễn Văn Khỏa chưa chấm kịp bài khóa luận về văn học phương Tây, hứa sẽ giữ lại các bài thi chờ ngày học trò chiến thắng trở về. Hai trong số đó là Phạm Hải Triều và Nguyễn Thế Tường (tác giả bài viết này) còn thiếu điểm môn Nga văn, hí hửng vì khỏi trả bài. Bốn năm sau trở về, Đào Anh San và Phạm Thành Hưng cởi áo lính vững vàng học tiếp năm trên. Tường và Triều lo mất mật vì sợ phải thi lại. May, giáo vụ quên hay cố tình lờ đi. Thầy Khỏa giữ lời hứa trả bài khóa luận sau 4 năm cất giữ trong ngăn kéo. Bài của Nguyễn Chí Thành được điểm năm (5/5 - thang điểm cũ) đỏ chói, nhưng không có người nhận. Thành đã nằm lại dưới chân thành cổ Quảng Trị.

***

Vĩ thanh trả lời phỏng vấn. Hỏi: Nghị lực nào thúc giục các anh phấn khởi nhập ngũ, hồ hởi ra chiến trường? Đáp: Thật khó trả lời, nhưng nhiều lần xin đừng nói “hồ hởi”. Tiếng Việt phong phú lắm, chẳng thiếu ngôn từ để diễn đạt. Ra chiến trường là tới chỗ chết, sao có thể phấn khởi, hồ hởi được?! Chúng tôi thuộc thế hệ được hưởng không gian văn hóa trong lành nhất của đất nước, của Liên Xô, Trung Quốc… chuẩn bị được một tâm thế tự nguyện cần và đủ, chấp nhận nhập ngũ và chấp nhận hy sinh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên