Rét đậm, rét hại kéo dài, người dân vùng núi chống rét cho gia súc

VOV.VN - Các địa phương chủ động hướng dẫn, tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm. 

Xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường nằm ở độ cao trên 1.200 mét so với mực nước biển, quanh năm phải chịu khí hậu lạnh ẩm. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nông nghiệp địa phương thường xuyên phải hứng chịu các thiệt hại do khí hậu khắc nghiệt, trong đó có đàn vật nuôi. Nhờ người dân chủ động dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại mà những ngày rét đậm, rét hại vừa qua, đàn gia súc gần 5.000 con của địa phương vẫn đảm bảo an toàn.

Ông Hầu A Kỷ, ở bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường cho biết: Những năm trước, bà con không chuẩn bị thức ăn cho đàn trâu, nên mỗi khi mùa đông về, trâu không có gì ăn.

Giờ đây, gia đình ông và bà con trong bản đều trồng được cỏ voi, toàn bộ rơm rạ thu hoạch từ vụ mùa vừa qua cũng được phơi khô mang về nhà cất giữ. Giờ gia đình đã lùa hết đàn trâu về nhà và quây bạt kín rồi nên không lo trâu chết đói, chết rét nữa. Ông Hầu A Kỷ nói: "Trước đây gia đình nhà tôi thả rông trâu, chưa biết việc này nên đã được chính quyền xã tới tuyên truyền dự trữ rơm rạ với trồng cỏ voi để dự trữ vào mùa đông. Mùa đông mình phải quây chuồng lại, lấy cỏ, rơm dự trữ cho trâu ăn, để trâu đỡ bị chết rét và bị ốm đau."

Nùng Nàng là xã thuần nông của huyện Tam Đường, hầu hết là đồng bào Mông cư trú và đời sống bà con chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có hơn 5.000 con gia súc, chủ yếu là trâu, bò, ngựa, dê và đây cũng là tài sản quý giá nhất của người dân địa phương. Để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, trước mỗi mùa đông, chính quyền địa phương đã thành lập các tổ tuyên truyền về các bản để vận động người dân sửa chữa chuồng trại, dự trữ thức ăn và lùa gia súc về chuồng.

Ông Ma Cang Dinh, Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường cho biết: "Để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, xã cũng đã vận động bà con nhân dân trồng cỏ voi để đảm bảo dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa đông.Diện tích rừng của xã cùng lớn, do đó nguồn dự trữ thức ăn trong rừng cũng nhiều. Xã cũng thành lập các tổ về các bản vận động bà con phòng chống rét cho gia súc và đi kiểm tra từng hộ gia đình, cũngnhư hướng dẫn các hộ che bạt rồi làm chuồng như thế nào cho hợp lý."

Vụ đông xuân năm 2017 - 2018, tỉnh Lai Châu bị thiệt hại gần 900 con gia súc, trong đó địa phương bị thiệt hại nặng nhất là huyện Than Uyên trên 400 con. Hiện toàn tỉnh có tổng đàn gia súc trên 350 nghìn con. 

Trước tình hình thời tiết giảm sâu và diễn biến phức tạp những ngày qua, ngành Nông nghiệp Lai Châu đã có công văn phối hợp với ngành chức năng và chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền vận động người dân chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, gia cố, che chắn chuồng trại, tránh để gia súc bị chết vì đói, rét; đồng thời tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh để chủ động biện pháp ứng phó kịp thời.

Vụ đông xuân năm 2017 - 2018, tỉnh Lai Châu bị thiệt hại gần 900 con gia súc.


Ông Hà Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết: "Mùa đông năm 2018 - 2019 sẽ có diễn biến thời tiết rất phức tạp, các đợt không khí lạnh trong năm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề sản xuất, đặc biệt là vấn đề bảo vệ đàn gia súc, gia cần trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng đã ban hành các văn bản để phối hợp với UBND các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động trong vấn đề phòng chống đói rét cho gia súc, gia cần và chuẩn bị dự trữ thức ăn thô, tinh để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, gia cầm."

Gia súc là tài sản quý giá của người nông dân ở vùng cao Lai Châu. Những ngày này, đồng bào dân tộc ở các địa phương đều chủ động đưa đàn gia súc từ rừng về nuôi nhốt tại nhà, mục tiêu là bảo toàn sức khỏe và chất lượng của đàn vật nuôi trong gia đình.

Cùng với các địa phương khu vực Tây Bắc, bà con nông dân xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đang tích cực triển khai nhiều biện pháp, chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc và vật nuôi, hạn chế các thiệt hại do giá rét gây ra.

Gia đình anh Quàng Văn Tỉnh, ở bản Pảng, xã Chiềng Đen, TP Sơn La nuôi 15 con bò, gần 300 con gia cầm. Để phòng tránh rét cho đàn gia súc và vật nuôi, cứ đến mùa đông hàng năm, anh đều thu gom cỏ, rơm rạ từ mùa gặt trong tháng 10 để ủ lên men, hoặc phơi khô làm thức ăn chống đói cho đàn vật nuôi của gia đình.

Cùng với đó, anh cũng luôn thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng tránh rét cho gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, như: Đốt lửa sưởi ấm, pha nước với muối và các chất dinh dưỡng, tiêm phòng vắc xin để tăng cao sức đề kháng; không chăn thả gia súc khi nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C… Anh Quàng Văn Tỉnh nói: "Đợt này mùa đông  rét đến đột ngột, gia đình cũng chuẩn bị trước là chuẩn bị rơm khô và các loại thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nói chung là rơm thì mình cũng chuẩn bị từ vụ mùa của tháng trước, đã chăn nuôi thì phải chuẩn bị trước để chau bò không bị chết đói. Còn về đợt rét lần này thì gia đình cũng chuẩn bị căng bạt rồi đốt lửa cho con bò để cho bò không bị chết rét trong mùa đông."

Gia đình ông Lò Văn Don ở bản Quỳnh Tam, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La cũng có hơn chục con dê, gần 40 con gia cầm. Mùa đông hàng năm, ông đều thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho đàn vật nuôi từ rất sớm, nhất là việc chuẩn bị thức ăn cho chúng, bởi vào mùa này, cỏ và thức ăn cho gia súc, gia cầm rất khan hiếm, phải đi xin rơm rạ của các hộ khác để dự trữ thức ăn cho cả đợt rét, thậm chí có lúc phải giảm số lượng đàn vật nuôi bằng cách bán bớt để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho đàn vật nuôi trong cả năm… Ông  Lò Văn Don chia sẻ: "Hàng năm tôi đã chuẩn bị phông rạp để che ấm mùa rét cho gia súc, gia cầm trong gia đình tôi. 2 nữa là mùa này tôi nuôi thường thường 11 đến 12 con dê, vào mua này ít cỏ, tôi nuôi ít chỉ để đủ cỏ cho nó ăn thôi. Hai nữa là tôi chuẩn bị rơm rạ cho con bò ăn, hàng năm mùa đông thiếu cỏ để dành cho gia súc ăn."

 Chiềng Đen hiện có hơn 4.500 con gia súc, hơn 50.000 con gia cầm. Chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, hàng năm, chính quyền xã đã cử cán bộ khuyến nông trực tiếp xuống từng hộ dân để hướng dẫn, tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm. Trong đó, tập trung hướng dẫn người dân chú trọng việc che chắn, vệ sinh chuồng trại; chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc. Bên cạnh đó là tiêm vắc xin, khử trùng chuồng trại để phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Ông Quàng Văn Biu phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Đen cho biết: "Riêng năm nay chúng tôi chủ động từ sớm, bắt đầu vào đông đã chỉ đạo bằng văn bản cũng như là tổ chức các cuộc họp tuyên truyền, vận động chỉ đạo đến người dân phòng tránh đói rét cho đàn vật nuôi, như là che chắn chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm, tiêm vắc xin phòng bệnh và phun các hóa chất để tiêu độc khử trùng chuồng trại để đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi và đảm bảo về phát triển kinh tế."

Nhờ chủ động triển khai các giải pháp tích cực, mà từ đầu mùa đông đến nay, đặc biệt là đợt rét kéo dài suốt 1 tuần qua, trên địa bàn xã Chiềng Đen, TP Sơn La chưa ghi nhận trường hợp nào gia súc, gia cầm bị chết do giá rét./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người dân vùng cao nguyên núi đá chủ động tránh rét cho trâu bò
Người dân vùng cao nguyên núi đá chủ động tránh rét cho trâu bò

VOV.VN- Người dân Hà Giang  đang thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho đàn gia súc trong đợt rét đậm như xây bể ủ thức ăn, che chắn chuồng trại...

Người dân vùng cao nguyên núi đá chủ động tránh rét cho trâu bò

Người dân vùng cao nguyên núi đá chủ động tránh rét cho trâu bò

VOV.VN- Người dân Hà Giang  đang thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho đàn gia súc trong đợt rét đậm như xây bể ủ thức ăn, che chắn chuồng trại...

Người dân vùng cao Lai Châu vui Tết Độc lập
Người dân vùng cao Lai Châu vui Tết Độc lập

VOV.VN -Giữa núi rừng đại ngàn điệp trùng, ngày Tết độc lập, những chàng trai, cô gái đều diện bộ váy áo đẹp nhất, siết chặt tay nhau mừng Tết Độc lập.

Người dân vùng cao Lai Châu vui Tết Độc lập

Người dân vùng cao Lai Châu vui Tết Độc lập

VOV.VN -Giữa núi rừng đại ngàn điệp trùng, ngày Tết độc lập, những chàng trai, cô gái đều diện bộ váy áo đẹp nhất, siết chặt tay nhau mừng Tết Độc lập.