Rộn ràng khai giảng năm học mới, đảm bảo an toàn cho học sinh

VOV.VN - Sáng 5/9, học sinh các cả nước khai giảng năm học mới tươi vui, ngắn gọn, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19

 

Hơn 1 triệu học sinh các tỉnh phía Đông Bắc tựu trường

Cùng với cả nước, hơn 1 triệu học sinh các cấp khu vực Đông Bắc chính thức bước vào năm học mới 2020-2021. Năm nay, ngày tựu trường đặc biệt hơn vì ngoài sách, vở, giấy, bút,… thì chiếc khẩu trang y tế để phòng, chống dịch Covid-19 cũng là vật dụng không thể thiếu với mỗi học sinh.

Lễ Khai giảng tại các trường học ở thành phố Hải Phòng được tổ chức ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo trang trọng và không khí vui tươi. Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, học sinh các lớp đầu cấp và đại diện các khối dự Khai giảng dưới sân trường; các khối, lớp còn lại tập trung trong lớp. Trần Nhật Quỳnh, học sinh lớp 10C3, trường THPT Lê Hồng Phong (Hải Phòng) cho biết: Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng nhà trường vẫn có một buổi khai giảng chu đáo, ngắn gọn nhưng để lại ấn tượng trong lòng bọn em rất lớn. Các công tác phòng dịch của nhà trường rất tốt, từ cổng vào, bọn em được sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và ngồi giãn cách.”

Tại tỉnh Hải Dương, do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, 2 xã Yết Kiêu, Thống Nhất (huyện Gia Lộc) và xã Liên Hồng (thành phố Hải Dương) không tổ chức lễ Khai giảng tập trung. Bà Nguyễn Thị Xim, Hiệu trưởng trường Tiểu học Liên Hồng cho biết nhà trường đã có các phương án giảng dạy cho học sinh trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.

“Có thể nói đây là một năm học hết sức đặc biệt với cả thầy và trò. Để đảm bảo cho chương trình học tập, chúng tôi là lên kế hoạch để dạy học trực tuyến cho khối lớp 2 đến 5. Riêng khối lớp 1 sẽ chờ thêm sự chỉ đạo từ cấp trên”- bà Xim nói.

Năm học 2020 – 2021 là năm học đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào giảng dạy ở lớp 1. Tại tỉnh Quảng Ninh, cùng với việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh trong năm học mới, nhất là với học sinh tiểu học, ngành GDĐT đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện triển khai chương trình và SGK mới.

Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, về cơ sở vật chất, mặc dù là địa bàn khó khăn nhưng đơn vị đã tham mưu cho huyện đầu tư đảm bảo cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặc dù tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng bằng nhiều hình thức, 100% giáo viên tiểu học đến giờ phút này được tập huấn đầy đủ về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới.

Còn tại Cao Bằng, ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng cho biết địa phương rất quan tâm vào việc đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực cho năm học mới này:Cao Bằng dù còn khó khăn nhưng cũng rất quan tâm cho giáo dục, vừa qua Sở GD&ĐT cũng đã được cấp khoản kinh phí khá lớn để chuẩn bị thiết bị đồ dùng lớp 1. Các huyện, thành phố cũng rất quan tâm, dành khoảng 20% kinh phí ngân sách để mua sắm thiết bị giáo dục như đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cho năm học mới….”

Lễ khai giảng ngắn gọn, tươi vui

Năm học mới 2020 – 2021, Lâm Đồng có hơn 320.000 học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT. Trong đó có trên 30.000 học sinh khối lớp 1 bước vào chương trình giáo dục phổ thông mới. Trước đó, để đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học, ngành giáo dục Lâm Đồng đã kịp thời mua sắm các trang thiết bị, tu sửa, xây mới và đưa vào sử dụng nhiều phòng học, cùng nhiều phòng chức năng và công trình hạ tầng. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng được ngành chú trọng nâng cao chất lượng.

Bà Phạm Thị Hồng Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết, để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, các trường học đều chuẩn bị và bố trí nước sạch, xà phòng, dung dịch rửa tay sát khuẩn phục vụ học sinh và giáo viên. Trước đó, các nhà trường đã phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên và các lớp học để bảo đảm môi trường an toàn đón học sinh trong  năm học mới.

“Sở GD-ĐT đã chỉ đạo cho các nhà trường thông báo cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh phải tự đo thân nhiệt trước khi đến trường. Và  nếu như ai có biểu hiện ho, sốt khó thở thì phải báo cáo trung thực và phải đến cơ sở y tế để được khám, điều trị chứ không được đến trường để tránh lây bệnh cho người khác. Nhà trường cũng phải tuyên truyền cho học sinh thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi các cháu ra khỏi nhà và đến trường học”- bà Hải nói.

Cũng trong hôm nay, tất cả học sinh các cấp và cán bộ quản lý, giáo viên của tỉnh Đắk Lắk phấn khởi bước vào ngày khai giảng năm học 2020 -2021. Là năm học đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 và bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại địa phương nên ngày khai giảng ở Đắk Lắk thực hiện theo phương châm vừa đảm bảo ý nghĩa niềm vui ngày tựu trường vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. 

Vẫn là niềm vui háo hức gặp lại thầy cô, bạn bè sau những ngày hè xa cách, thầy và trò trường Phổ thông trung học nội trú Nơ Trang Lơng, tỉnh Đăk Lăk trong trang phục truyền thống các dân tộc tham dự lễ khai giảng năm học mới 2020 -2021. Em H Liên Mlô, học sinh lớp 12A6, cho biết, năm học mới này, cùng với việc chuẩn bị: đồ dùng học tập, ôn lại kiến thức cũ em còn tìm hiểu về các biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho chính em và bạn bè, thầy cô.

“ Em đã tìm hiểu để xem cách phòng dịch thường mọi người đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn, còn em thì sẽ bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng để mình có thể có sức khoẻ tốt nhất trong học tập”Em H Liên Mlô nói.

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại địa phương, bà Niê Khánh Hà, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông trung học nội trú Nơ Trang Lơng cho biết, năm học mới, trường có gần 550 học sinh, trong đó có 180 học sinh lớp 10 vừa nhập học. Thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 lễ khai giảng được tổ chức trang trọng, an toàn, ngắn gọn, động viên được tinh thần dạy và học ngay từ đầu năm học với các nội dung: chào cờ, đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi ngành giáo dục trong năm học mới, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Cũng là trường đặc thù một lúc đảm nhiệm 2 vai trò “vừa nuôi, vừa dạy” học sinh nên bên cạnh quan tâm về kiến thức, nhà trường đặc biệt quan tâm đến sức khoẻ của các em.

Bà Niê Khánh Hà cho biết: “Trước khi học sinh nhập học, nhà trường đã tiến hành dọn vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường. Khi các em nhập học cũng triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Đảm bảo an toàn, thông thoáng, sạch sẽ cho các em đến học tập, sinh hoạt tại trường”.

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 1026 trường học ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, do thực hiện chỉ đạo của UBND TP Buôn Ma Thuột về việc cách ly phòng, chống bạch hầu tại thôn 7, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, 1 trường tiểu học và 1 điểm trường mầm non không tổ chức khai giảng và nghỉ học thêm 1 tuần. 

Tại Kon Tum, năm học mới này, địa phương có trên 162.700 học sinh các cấp học, trong đó học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 56%.

Lễ khai giảng năm học mới 2020-2021 được 51 trường PTDT Bán trú và 9 trường PTDT Nội trú, chủ yếu ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum tổ chức đồng loạt. Trong Lễ khai giảng, trên 91.800 em học sinh các bậc học là con em đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, như: chào cờ, hát Quốc ca; nghe thư của Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thầy cô và học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới; tìm hiểu về truyền thống của trường, của quê hương nơi các em đang sinh sống, học tập…

Với phương châm đưa yêu thương đến với học sinh vùng đặc biệt khó khăn, ngay trong Lễ khai giảng sáng nay, các cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể của tỉnh Kon Tum đã trao tặng hàng nghìn suất học bổng, mũ bảo hiểm, sách vở, dụng cụ học tập…cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Là một trong 220 học sinh được nhận học bổng và gói hỗ trợ dụng cụ học tập trên 20 triệu đồng do Công ty Điện lực Kon Tum trao tặng, em Y Lá, dân tộc Xơ đăng, học sinh lớp 9B, trường PTDT Bán trú THCS Đăk Ring, xã vùng III đặc biệt khó khăn Đăk Ring, huyện Kon Plông, cho biết: “Ngày khai giảng em rất vui vì được vì được các thầy cô, các chú từ tỉnh, huyện xuống để trao học bổng, trao quà, sách vở. Em hứa năm học mới sẽ cố gắng học giỏi, chăm ngoan nghe lời thầy cô”.

Chăm lo sự nghiệp giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021 từ các nguồn vốn, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã đầu tư trên 38,4 tỷ đồng mua sắm thiết bị bán trú, bàn ghế cho 48 trường PTDT Bán trú và trường có học sinh dân tộc bán trú; đầu tư thiết bị dạy ngoại ngữ cho 32 trường với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng và đang triển khai đầu tư sửa chữa cải tạo, nâng cấp nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú cho học sinh của 16 trường PTDT Bán trú với nguồn kinh phí hơn 14 tỷ đồng.

Chuẩn bị tốt công tác phòng dịch

Sáng nay khoảng 3 triệu học sinh các cấp ở các tỉnh trong khu vực ĐBSCL bước vào năm học mới. Hầu hết các trường đều tổ chức lễ khai giảng năm học mới ngắn gọn nhằm phòng ngừa dịch bệnh Covid 19.

Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 330.000  trẻ em, học sinh từ khối mẫu giáo, mầm non đến trung học phổ thông; trong đó trên 130 ngàn học sinh tiểu học; gần 100 ngàn học sinh THCS và khoảng 45 ngàn học sinh THPT.  Trước đó, từ ngày 1 đến ngày 4-9, tùy vào điều kiện của mỗi địa phương đã sắp xếp cho học sinh trở lại trường để thực hiện các công việc cần thiết ngày đầu năm học mới.

Theo Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Tiền Giang, để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất trường học, với tổng kinh phí trên 2.500 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có  hơn 4.100 phòng học , chỉ còn 46 phòng học tạm và 8 phòng học mượn. Toàn tỉnh có 6/11 địa phương có đủ số lượng phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 5. Cùng với cả nước ngày  5-9  Tiền Giang chính thức đồng loạt khai giảng năm học mới tại 11/11 huyện, thành, thị. Ngay từ đầu năm học mới các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang  đều chủ động phương án ứng phó với dịch covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế.

Cô Lê Ngọc Phương, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Ngọc Hân, Thành phố Mỹ Tho- ngôi trường có đông học sinh nhất tỉnh Tiền Giang chia sẻ: "Để đảm bảo cho học sinh an toàn trong phòng dịch Covid-19, nhà trường thường xuyên nhờ giáo viên chủ nhiệm thông báo với học sinh và phụ huynh học sinh, cho các em mang khẩu trang , thường xuyên rửa tay bằng dung dịch theo các biện pháp mà Bộ y tế đã truyền thông đến tất cả mọi người. Nhà trường sẽ đo thân nhiệt trước cổng trường và cho các em rửa tay trước khi vào lớp. Nếu có trường hợp sốt ho trường đã có phòng y tế riêng, đo thân nhiệt nếu các em có nhiệt độ cao thì cho xuống phòng cách ly liền và theo dõi thường xuyên".

Năm học này, tỉnh Vĩnh Long có hơn 208.000 sinh các cấp bước vào năm học mới. Để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho cả thầy và trò, mấy ngày qua, ngành giáo dục địa phương đã phối hợp với sở y tế vệ sinh trường lớp, phun thuốc tiêu độc sát trùng tại phòng học. Tại mỗi điểm trường đều có trang bị nước rửa tay sát khuẩn, lễ khai giảng năm học mới tại các điểm trường cũng được triển khai ngắn gọn.

"Đối với giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 – 2021 cũng đã tổ chức bồi dưỡng giáo viên  theo đúng kế hoạch. Ngành cũng đã rà soát cải tạo sửa chữa phòng học. Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh nhóm lớp đảm bảo điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid 19 trong trường học" - Bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở Giáo dục và  Đào tạo tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm.

Còn ở tỉnh Trà Vinh năm học này có gần 210.000 học sinh nhập học, trong đó có 34,7% học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer. Theo sở GD&ĐT toàn tỉnh có 8 trường dân tộc nội trú, gồm 5 trường cấp 2; 2 trường cấp 2-3 và 1 trường cấp 3. Với hệ thống trường DTNT nhiều hàng năm Trà Vinh tiếp nhận nuôi dạy khoảng 2.720 học sinh người dân tộc thiểu số.  

Nhằm đảm bảo an toàn cho thầy và trò trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp, trước ngày tựu trường tất cả các điểm trường trên địa bàn đều tổ chức tổng vệ sinh, cắt tỉa cây xanh tạo môi trường thông thoáng, sạch sẽ; bố trí nơi rửa tay có dung dịch sát khuẩn, phòng học dự phòng và máy đo thân nhiệt. Riêng các trường nội trú, bán trú tổ chức quét dọn nơi ở, lau chùi bàn ghế, bếp ăn tập thể. Ngành giáo dục cũng phối hợp với ngành Y tế địa phương tổ chức khử trùng trường lớp, phun thuốc diệt muỗi... Chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa, không để xảy ra dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19, bạch hầu và sốt xuất huyết.

Ông Thạch Tha Lai, Phó giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh cho biết: “Tất cả các điểm trường trong toàn tỉnh đều chuẩn bị phương án tốt nhất, chuẩn bị tốt công tác phòng dịch, đảm bảo an toàn nhất.”.

Đối với các điểm trường nằm khu vực biên giới như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới đơn giản hơn nhằm phòng ngừa dịch bệnh. Đặc biệt tại huyện An Phú, tỉnh An Giang cũng đã có phương án đưa đón, tiếp nhận và cách ly theo dõi sức khỏe của hơn 1.200 em học sinh vừa về từ Campuchia vào  học an toàn.

Hòa cùng niềm vui chung của cả nước trong Ngày hội “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, Lễ khai giảng năm học 2020 - 2021 ở thành phố Cần Thơ được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, mang đến cho giáo viên, học sinh sự phấn khởi, niềm vui. 

Thành phố Cần Thơ hiện có 455 trường từ bậc học mầm non đến Trung học phổ thông ở 9 quận, huyện, năm học 2020 – 2021, số lượng học sinh đến trường là gần 250.000 em. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của ngành giáo dục, nhưng với phương châm chung “tạm dừng đến trường, không dừng học”, ngành giáo dục Cần Thơ đã chủ động, nhanh chóng triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, thực hiện thành công vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm học.

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Cần Thơ cho biết: Năm học này đại dịch Covid-19 có thể còn những diễn biến mới, Sở sẽ bám sát theo sự hướng dẫn của ngành y tế địa phương, sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch nghiêm túc.

"Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng các phương án nếu có tình huống xảy ra, ví dụ như phát huy hiệu quả của hình thức dạy học trực tuyến cũng như hướng dẫn cho học sinh phương pháp học tập tại nhà, để làm sao các phương án dự phòng này khi cần thiết triển khai thì tất cả các nhà trường cũng như các em học sinh có thể phòng, chống dịch đạt hiệu quả nhưng không phải gián đoạn việc học tập".

Hòa cùng không khí khai giảng của học sinh cả nước, đông đảo học sinh là con em của đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng cũng náo nức phấn khởi bước vào khai giảng năm học mới. 

Là tỉnh có hơn 30% đồng bào Khmer sinh sống, chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021, giáo dục vùng đồng dân tộc Khmer tiếp tục được tỉnh Sóc Trăng quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng khang trang, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng tốt yêu cầu của việc thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức dạy và học của các em học sinh và giáo viên. Toàn tỉnh có hơn 500 trường từ mầm non đến trung học phổ thông; trong đó có hơn phân nửa số trường ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài ra, Sóc Trăng còn có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú chuyên dạy học cho các em đồng bào Khmer.

Trong không khí ngày khai giảng năm học mới, các trường không quên thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, như thực hiện việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt… Thầy Đồ Văn Nôl, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho biết, mỗi lớp đều có trang bị nước sát khuẩn rửa tay, đồng thời các em được đo thân nhiệt thường xuyên.

"Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, nhà trường cũng đã chỉ đạo cho nhân viên y tế của trường xây dựng kế hoạch, để triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch tại trường trong năm học mới này, với các biện pháp cần thiết như là chuẩn bị dụng cụ vệ sinh, như sà bông diệt khuẩn, nước sát khuẩn, chuẩn bị máy đo thân nhiệt, khẩu trang… Với sự chuẩn bị như vậy nhà trường hy vọng sẽ thực hiện tốt công tác phòng chống dịch"- ông Đồ Văn Nôl nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khai giảng năm học mới ở TPHCM: Ngắn gọn, vui tươi
Khai giảng năm học mới ở TPHCM: Ngắn gọn, vui tươi

VOV.VN - Sáng nay (5/9) các cấp học từ bậc mầm non đến bậc THPT, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tại TP.HCM đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2020 -2021.

Khai giảng năm học mới ở TPHCM: Ngắn gọn, vui tươi

Khai giảng năm học mới ở TPHCM: Ngắn gọn, vui tươi

VOV.VN - Sáng nay (5/9) các cấp học từ bậc mầm non đến bậc THPT, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tại TP.HCM đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2020 -2021.

Lễ Khai giảng đặc biệt năm học 2020-2021
Lễ Khai giảng đặc biệt năm học 2020-2021

VOV.VN - Sáng 5/9, học sinh cả nước khai giảng năm học mới 2020-2021 trong không khí hân hoan, cùng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Lễ Khai giảng đặc biệt năm học 2020-2021

Lễ Khai giảng đặc biệt năm học 2020-2021

VOV.VN - Sáng 5/9, học sinh cả nước khai giảng năm học mới 2020-2021 trong không khí hân hoan, cùng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

"Vùng đất cuối trời" đón năm học mới
"Vùng đất cuối trời" đón năm học mới

VOV.VN -  Công tác chuẩn bị năm học mới được các bậc phụ huynh nơi vùng đất tận cùng Tổ quốc – Cà Mau đặc biệt quan tâm. Cơ quan chức năng địa phương cũng đã chuẩn bị chu tất, đảm bảo tốt cho công tác dạy và học.

"Vùng đất cuối trời" đón năm học mới

"Vùng đất cuối trời" đón năm học mới

VOV.VN -  Công tác chuẩn bị năm học mới được các bậc phụ huynh nơi vùng đất tận cùng Tổ quốc – Cà Mau đặc biệt quan tâm. Cơ quan chức năng địa phương cũng đã chuẩn bị chu tất, đảm bảo tốt cho công tác dạy và học.