Sắc Xuân đảo Trần
VOV.VN -Đảo Trần - đảo tiền tiêu của Tổ quốc đang đón mùa Xuân mới với tâm thế mới...
Đảo Trần, hòn đảo tiền tiêu nằm phía Đông của quần đảo Cô Tô, nơi được ví như Trường Sa của tỉnh Quảng Ninh. Nhìn từ xa, dưới bình minh ló rạng, đảo Trần im lìm giữa mênh mông biển nước, đẹp đến nao lòng, nhưng bước chân lên đảo rồi, không khí lại khác hẳn...
Nhà chỉ huy trung tâm trên Đảo Trần.
“Thôn Đảo Trần” ngạo nghễ giữa trùng khơi
Sau hơn 4 giờ vượt trùng khơi, chiếc tàu chở đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh tham gia hải trình đến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trần. Từ xa, nhìn đảo Trần sừng sững, vững chãi giữa bốn bề sóng nước. Trên đỉnh ngọn núi cao nhất đảo, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là điểm tựa cho ngư dân mỗi khi vươn khơi, bám biển.
Đảo Trần còn được ví như một cột mốc biên cương hiên ngang với diện tích rộng chỉ hơn 3km (cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ 7 hải lý). Nơi ấy, có những con người đã và đang ngày đêm bám biển, bám đảo biến ước mơ xây dựng Đảo Trần trở thành một… làng trên đảo nơi địa đầu sóng cả.
Tuy diện tích nhỏ nhưng Đảo Trần có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Trước đây, đảo không có cư dân sinh sống, chỉ có các đơn vị bộ đội đóng quân. Đảo gần như hoang sơ, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thừa nước mặn nhưng thiếu nước ngọt. Về mùa khô, cán bộ, chiến sĩ phải chia nhau từng thau nước sinh hoạt.
Quân và dân trên Đảo Trần đón đoàn công tác từ đất liền ra chúc Tết.
Nhưng giờ đây, Đảo Trần đã có bước “chuyển mình” diệu kỳ. Đi giữa Đảo Trần với cái nắng, cái gió xen lẫn vị mặn mòi của biển cả chẳng khác nào lạc lối giữa một “khu đô thị” khang trang bề thế bởi gần 30 mái nhà ngói đỏ tươi thuần Việt đã “khoác” lên đảo Trần một diện mạo mới.
Năm 2005, đảo đón công dân đầu tiên là cặp vợ chồng trẻ tình nguyện ra đảo lập nghiệp, đó là anh Hoàng Văn Hiển và chị Nguyễn Thị Cảnh, ở huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Từ chỗ chỉ có một hộ gia đình sinh sống suốt 8 năm liền, tới nay, Đảo Trần đón nhận một sự thay đổi lớn khi có đến 17 ngôi nhà khang trang được hoàn thiện và hiện đã có thêm 15 hộ dân ra đảo sinh sống. Làng trên đảo đã được hình thành. Bây giờ chị Cảnh đã là Trưởng thôn đảo Trần.
Một làng chài mới bình yên được xây dựng trên đảo Trần
Nói về đời sống của người dân trên đảo, chị Cảnh hồ hởi cho biết: “Hiện nay, đảo có 27 hộ, với gần 200 nhân khẩu. Hầu hết các hộ gia đình đều là các cặp vợ chồng trẻ. Đảo đã có bể chứa nước bảo đảm sinh hoạt tối thiểu cho bộ đội và nhân dân. Sắp tới, theo dự án, đảo sẽ được đầu tư xây dựng khu hậu cần nghề cá và đưa lưới điện quốc gia ra đảo”.
Đến với Đảo Trần, hầu hết các hộ trên đảo đều là gia đình trẻ, từ nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Ninh tình nguyện rời đất liền bám biển, bám đảo. Với họ, ra với biển, gắn bó với Đảo Trần không chỉ là khát vọng làm giàu nơi miền đất mới đầy tiềm năng, mà còn trách nhiệm thiêng liêng với chủ quyền biển đảo.
Quân và dân Đảo Trần rạng rỡ ra cầu tàu đón đoàn công tác ra đảo chúc Tết.
Anh Trần Văn Nhật, một trong 15 hộ dân ra đảo đợt đầu như vẫn chưa hết xúc động: “Cả đời đi biển, vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ mình xây được ngôi nhà khang trang, vững chắc như thế này. Ra đây nhà cửa ổn định rồi, anh em ai cũng xác định sẽ gắn bó lâu dài, coi đảo là nhà, là quê hương. Tết này, gia đình tôi cùng nhiều hộ gia đình khác sẽ đón một mùa Xuân ấm no trong ngôi nhà mới ngay trên đảo”.
Đảo Trần hôm nay không chỉ có tiếng vọng hò nhau cùng ra khơi bám biển của các ngư dân, mà còn rộn rã tiếng cười của các em học sinh trong mỗi sáng đi học. Hiện trên đảo đã có 2 lớp học cho 10 trẻ mầm non và 5 trẻ ở độ tuổi tiểu học.
Tặng quà Tết cho cán bộ chiến sỹ canh gác đảo tiền tiêu của Tổ quốc - Đảo Trần.
Cô giáo Hoàng Thị Huyền - người đã tình nguyện tạm biệt trung tâm sầm uất Vân Đồn để ra với các em học sinh thân yêu trên đảo cho biết, với nhiệt huyết tuổi trẻ, khát vọng mang con chữ đến với những vùng đất khó khăn, xa xôi nhất nên cô đã chọn Đảo Trần là nơi lập thân, lập nghiệp.
Cô giáo Hoàng Thị Huyền - người đã tình nguyện tạm biệt trung tâm sầm uất Vân Đồn để ra với các em học sinh thân yêu trên đảo. |
Cô giáo trẻ đang ngày đêm “gieo chữ”, ươm những mầm xanh tri thức nơi đảo xa cảm thấy rất tự hào vì được đóng góp nhiệt huyết của tuổi trẻ xây dựng Đảo Trần ngày một tươi đẹp...
“Vui Xuân không quên nhiệm vụ”
Thượng tá Hoàng Đức Kiên - Đồn trưởng Đồn Biên phòng đảo Trần ra tận cầu cảng đón đoàn và hồ hởi cho biết, mặc dù phải đón Tết xa nhà, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn sát cánh bên nhau, chắc tay súng để nhân dân vui Xuân, đón Tết.
Một góc đảo Trần đang được xây dựng khu cảng cá dịch vụ.
Trong câu chuyện thấm đẫm sắc Xuân từ cầu cảng vào đồn, Thượng tá Hoàng Đức Kiên hào sảng giới thiệu về khu nhà chỉ huy đảo mới được xây dựng, đang hoàn thiện những hạng mục còn lại và khẳng định sự có mặt, thăm hỏi, động viên và chúc Tết của đất liền đến cán bộ chiến sĩ đang công tác ở các đảo khi Xuân về là sự động viên kịp thời để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo để yên tâm công tác, gắn bó với biển đảo, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Mặc dù ở đảo, xa nhà, nhưng cán bộ chiến sỹ đã chuẩn bị sẵn tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương, bà con nhân dân là anh em ruột thịt”, cho nên tinh thần ai cũng rất phấn khởi. Cột cờ quốc gia trên đảo là hình ảnh thiêng liêng để mỗi cán bộ, chiến sĩ khi nhìn lên lá cờ thêm chắc tay súng, vững niềm tin, quyết tâm bảo vệ vững chắc tuyến đảo Đông Bắc của Tổ quốc”, Thượng tá Hoàng Đức Kiên quả quyết.
Thăm và chúc Tết huyện Cô Tô, lực lượng vũ trang trên đảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, do đặc thù địa bàn đóng quân thuộc các đảo tiền tiêu trên vịnh Bắc bộ nên các chiến sĩ cần nêu cao tinh thần "vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ", chủ động trong mọi tình huống, sẵn sàng trong mọi tình huống để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Thời gian tới, bà con nhân dân trên đảo vừa triển khai phát triển kinh tế, vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, quân và dân Đảo Trần (huyện đảo Cô Tô) luôn gắn bó khăng khít, cùng đoàn kết bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và không ngừng xây dựng huyện đảo Cô Tô ngày càng phát triển vững mạnh’, ông Long đề nghị.
Rời Đảo Trần trong vội vã nhưng bịn rịn đầy lưu luyến. Nhìn những đứa trẻ đạp xe ra cầu cảng tiễn đoàn, đó là thế hệ công dân mới trên đảo sẽ tiếp tục mang trong mình khát vọng, nhiệt huyết của tuổi trẻ xây dựng đảo quê hương./.
Khánh thành đường dẫn, nhà lưu niệm trên đảo Trần, Cô Tô
Đảo Trần trở thành đơn vị hành chính cấp thôn của Quảng Ninh
10.000 du khách mắc kẹt ở huyện đảo Cô Tô về đất liền an toàn
Thủ tướng: "Muốn đón được đại bàng cần phải có tổ đại bàng"
Bồng bềnh nghề “vớt vàng trắng” ở đảo Cô Tô